Ngày 17/6/2023, Tạp chí Xây dựng phối hợp với Vụ Khoa học công nghệ và môi trường, Viện Khoa học công nghệ xây dựng (thuộc Bộ Xây dựng) và Cục Phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn (thuộc Bộ Công an) tổ chức hội thảo “Giải đáp những vướng mắc liên quan đến QCVN 06:2022/BXD”. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến, kết nối tới hàng trăm điểm cầu thuộc các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành Xây dựng, tổ chức, doanh nghiệp ở 63 tỉnh, thành trên phạm vi toàn quốc.
Lê Minh Long - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường phát biểu tại hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, TS. Lê Minh Long - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường cho biết, ngày 30/11/2022, Bộ Xây dựng đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn cháy cho nhà và công trình QCVN 06:2022/BXD, có hiệu lực thi hành từ ngày 16/1/2023. Hội thảo được tổ chức nhằm tạo tiếng nói chung trong việc hiểu đúng các quy định về phòng cháy chữa cháy trong QCVN 06:2022/BXD, đưa những quy định tại Quy chuẩn đi vào thực tiễn cuộc sống. Đây cũng là dịp để Bộ Xây dựng tiếp tục thu thập các ý kiến phản hồi nhằm phân tích, nghiên cứu, đối chiếu với các quy định quốc tế, nắm bắt việc áp dụng QCVN 06:2022/BXD vào thực tiễn qua đó tiếp tục phổ biến, tập huấn, hướng dẫn cho các đối tượng liên quan.
Đại diện Bộ Công an, Thượng tá Nguyễn Văn Bình - Cục Phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn cho biết, thời gian qua, Bộ Công an đã chỉ đạo đơn vị chức năng tổ chức rà soát, tổng hợp, thực hiện các biện pháp xử lý đối với các công trình vi phạm chưa được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn hàng nghìn công trình chưa được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy đã đưa vào sử dụng và chưa khắc phục đầy đủ các yêu cầu an toàn phòng cháy chữa cháy theo QCVN 06:2022/BXD.
Theo Thượng tá Nguyễn Văn Bình, trong thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Phòng cháy chữa cháy theo hướng xã hội hóa công tác thẩm duyệt, nghiệm thu, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp. Đặc biệt, để bảo đảm tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật, Chính phủ giao giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan liên quan xây dựng Nghị quyết của Chính phủ để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật đối với hoạt động đầu tư xây dựng theo từng đối tượng, loại hình cơ sở hiện hữu có tồn tại, vướng mắc trên nguyên tắc “bảo đảm yêu cầu an toàn cháy, nổ nhưng không hợp thức hóa sai phạm”.
Tại hội thảo, các chuyên gia cho biết các phiên bản của QCVN 06 đều không quy định phải sử dụng bất kỳ vật liệu cụ thể nào, mà chỉ đưa ra các yêu cầu kỹ thuật tối thiểu hoặc tối đa cần phải đạt. Việc sử dụng vật liệu cụ thể cho kết cấu chịu lực, kết cấu bao che của công trình sẽ được chủ đầu tư lựa chọn dựa trên chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật phù hợp với dự án. Nếu không được các đơn vị tư vấn của chủ đầu tư thực hiện hợp lý, kinh phí cho dự án sẽ tăng cao. Do đó, các chuyên gia cung cấp một số giải pháp về vật liệu đã có trên thị trường nhằm giảm thiểu rủi ro hỏa hoạn bằng việc sử dụng các loại vách ngăn, tấm trần, keo, kính có khả năng chống cháy và chống khói lan, cháy lan...
Theo các chuyên gia, khi các khung tòa nhà hiện đại thường được thiết kế kết hợp với nhiều tiện ích và dịch vụ, dẫn đến vô số điểm thông nhau, xuyên qua hầu hết các bức tường và sàn nhà. Trong trường hợp hỏa hoạn, hơi nóng và khói sẽ lan truyền qua các khe và mối nối trong tường và sàn nhà, gây hư hỏng, đe doạ trực tiếp con người đồng thời chặn lối thoát hiểm. Đây là lúc công tác phòng cháy chữa cháy thụ động phát huy tác dụng. Hệ thống phòng cháy chữa cháy thụ động được thiết kế nhằm ngăn ngừa lửa lan rộng và kiềm chế lửa theo từng “khoang”, nhờ đó giảm thiểu thiệt hại, quan trọng hơn là cho phép người ở các “khoang” khác có thời gian sơ tán an toàn.
Trong bài thuyết trình về các giải pháp ngăn cháy thụ động, ông Trần Thanh Mẫn - Giám đốc mảng sản phẩm xây dựng, Công ty Sika Việt Nam cho biết, giải pháp chống cháy thụ động của Sika được thiết kế để có thể bịt kín tất cả các loại mối nối và xuyên tường khác nhau của tòa nhà, nhằm giữ lửa trong các khoang trong khoảng thời gian nhất định, giúp mọi người có thời gian sơ tán. Các giải pháp của Sika bảo đảm tuân thủ các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế (EN, UL, EAD, ASTM, AS), đáp ứng các yêu cầu chống cháy cao của thế giới.
Các chuyên gia tham dự hội thảo
Chia sẻ về giải pháp bảo vệ kết cấu thép và chống cháy lan, ông Vũ Khôi Nguyên - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại dịch vụ kỹ thuật NBK đưa ra giải pháp mới cho vật liệu bảo vệ kết cấu thép chịu lực, giải pháp về vách kính và cửa kính chống cháy cho công trình và khoang cháy. Tất cả các loại vật liệu này của NBK đều có chứng nhận kiểm định phương tiện phòng cháy chữa cháy, đã được sử dụng ở một số công trình hiện hữu và đáp ứng các quy định trong công tác nghiệm thu phòng cháy chữa cháy.
Kết luận hội thảo, thay mặt Ban tổ chức, Tổng biên tập Tạp chí Xây dựng Nguyễn Thái Bình cảm ơn các nhà quản lý, chuyên gia, đại biểu đã quan tâm, tham dự và đóng góp nhiều ý kiến thiết thực liên quan đến QCVN 06:2022/BXD cũng như chia sẻ nhiều giải pháp về vật liệu phòng cháy chữa cháy. Các ý kiến, đề xuất sẽ được Ban tổ chức tổng hợp làm tài liệu tham khảo hữu ích cho các cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình cập nhật, sửa đổi, bổ sung QCVN 06:2022/BXD cũng như các quy định liên quan đến phòng cháy chữa cháy, đảm bảo phù hợp thực tiễn cuộc sống.