Hội nghị triển khai Đề án 1961 giai đoạn 2016-2020

Thứ sáu, 10/06/2016 17:21
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 10/6/2016 tại Hà Nội, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị triển khai Đề án 1961 giai đoạn 2016 - 2020. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Đỗ Đức Duy đến dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Thứ trưởng Đỗ Đức Duy phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có các thành viên Ban Chỉ đạo Đề án 1961 đại diện các Bộ, ngành Trung ương; Đại diện UBND, Sở Xây dựng, Sở Nội vụ các tỉnh khu vực phía Bắc và các tổ chức quốc tế có liên quan.

Phát biểu khai mạc và chỉ đạo Hội nghị, thay mặt lãnh đạo Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết, trong những năm qua, hệ thống đô thị của Việt Nam phát triển nhanh kể cả về quy mô và  không ngừng được nâng cao chất lượng. Trong giai đoạn 2011-2015, đã có 75 đô thị từ loại I đến loại IV và nhiều đô thị loại V được nâng loại đô thị. Đến tháng 12/2015, tỷ lệ đô thị hóa cả nước đạt 35,7%, tăng 5,2% so với năm 2010. Cả nước có 787 đô thị, diện mạo đô thị ngày càng văn minh, hiện đại, thường xuyên đóng góp trên 70% tổng thu ngân sách Nhà nước và ngày càng khẳng định vai trò, vị thế là động lực thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của mỗi địa phương, vùng miền và của cả nước. Tuy nhiên quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị còn nhiều tồn tại, bất cập, như phát triển đô thị mới chỉ theo quy hoạch mà chưa có kế hoạch, chưa đảm bảo đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; việc nâng cấp, nâng loại đô thị một số nơi mới chỉ chú trọng quy mô mà chưa tập trung nâng cao chất lượng; khả năng huy động các nguồn lực đầu tư, chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của các đô thị còn hạn chế; công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị còn bất cập…

Thứ trưởng Đỗ Đức Duy chỉ rõ, trong số các nguyên nhân dẫn đến những bất cập nêu trên có sự hạn chế về năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và công chức chuyên môn đô thị các cấp. Chính vì vậy, Bộ Xây dựng đã trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý phát triển đô thị đối với cán bộ lãnh đạo và chuyên môn đô thị các cấp giai đoạn 2011-2015 với mục tiêu chính nhằm nâng cao nhận thức, năng lực quản lý, lãnh đạo, điều hành của công chức lãnh đạo và chuyên môn đô thị các cấp, để đáp ứng yêu cầu quản lý xây dựng, quản lý phát triển đô thị trong bối cảnh đô thị hóa đang rất nhanh như hiện nay. Qua 05 năm thực hiện Đề án, mặc dù gặp nhiều khó khăn khách quan và chủ quan, với sự vào cuộc tích cực của các cơ quan Trung ương và các địa phương, Đề án đã đạt được một số kết quả tích cực:  cơ bản hoàn thành việc xây dựng Chương trình biên soạn tài  liệu cho 08 nhóm đối tượng của Đề án; Xây dựng được đội ngũ giảng viên cơ hữu và kiêm nhiệm bao gồm lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước, cán bộ giảng dạy, nghiên cứu khoa học trong ngành Xây dựng, các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong nước và quốc tế; Đã tổ chức được 162 khóa  đào tạo với sự tham gia của hơn 5.000 học viên là cán  bộ lãnh đạo, công chức chuyên môn của các đô thị trên toàn quốc, được các học viên đánh giá cao về tính thực tiễn.

Toàn cảnh Hội nghị.

Mặc dù Đề án 1961 đã đạt được những kết quả tích cực nhưng vẫn chưa hoàn thành tất  cả các mục tiêu đề ra, chính vì vậy, trước yêu cầu cấp bách về nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý đô thị, Bộ Xây dựng đã báo cáo và được Thủ tướng đồng ý kéo dài thời gian thực hiện Đề án 1961 trong giai đoạn 2016-2020, đồng thời mở rộng đối tượng tham gia học tập, bồi dưỡng. Ban chỉ đạo Đề án đã triển khai kế hoạch tổng thể thực hiện Đề án trong giai đoạn 2016-2020 để đạt được các mục tiêu đề ra của Đề án.

Tại Hội nghị này, đại diện lãnh đạo UBND các tỉnh, các Sở Xây dựng, Nội vụ các tỉnh khu vực phía Bắc đã phát biểu tham luận, qua đó đều nhất trí với mục tiêu của Đề án cũng như kế hoạch thực hiện Đề án 1961 giai đoạn 2016-2020. Bên cạnh đó, đại diện các địa phương cũng kiến nghị Ban Chỉ đạo Đề án nghiên cứu, xem xét giải quyết một số vướng mắc về việc lồng ghép việc đào tạo cán bộ chuyên môn nghiệp vụ quản lý xây dựng và đô thị cấp xã vào các chương trình mục tiêu khác như chương trình 135, chương trình nông thôn mới, đồng thời kiến nghị hỗ trợ các địa phương về đào tạo giảng viên nguồn cũng như kinh phí tổ chức đào tạo tại địa phương đối với những tỉnh đang được Trung ương cân đối ngân sách…

Thay mặt lãnh đạo Bộ Xây dựng và Ban chỉ đạo thực hiện Đề án, Thứ trưởng Đỗ Đức Duy đã trực tiếp giải đáp một số thắc mắc của các đại biểu dự họp và tiếp thu các ý kiến đóng góp tại Hội nghị./.


Minh Tuấn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)