Hội đồng kiểm tra trên tuyến chính Dự án.
Tham dự buổi kiểm tra có Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng; Các Phó Chủ tịch Hội đồng: Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hồng Hải.
Buổi làm việc còn có đại diện Chủ đầu tư, Nhà thầu, đại diện Cục Quản lý đầu tư xây dựng - Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Sở Xây dựng và Sở GTVT của hai tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận, tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế, Tổ chuyên gia của Hội đồng, Cơ quan Thường trực Hội đồng…
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn phát biểu tại buổi làm việc.
Báo cáo với Hội đồng về công tác hoàn thành thi công hạng mục công trình, đại diện Chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án Thăng Long (Bộ GTVT) cho biết: Dự án thành phần Phan Thiết - Dầu Giây có chiều dài tuyến chính dài 99km từ Km0+00 - Km99+00 (bao gồm cả các cầu, cống, hầm chui) đi qua các tỉnh: Bình Thuận (chiều dài khoảng 47,5km) và tỉnh Đồng Nai (chiều dài khoảng 51,5km). Chiều dài đoạn tuyến nối từ cao tốc đến Quốc lộ 1A khoảng 2,6km. Dự án đi qua địa phận các huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Tân của tỉnh Bình Thuận và các huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Thống Nhất, thị xã Long Khánh của tỉnh Đồng Nai.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy tiếp thu ý kiến Hội đồng và sẽ chỉ đạo để đảm bảo an toàn khai thác trên toàn tuyến ngay khi thông xe.
Cao tốc có vận tốc thiết kế 120km/h. Đoạn tuyến nối cao tốc với Quốc lộ 1A xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80km/h.
Quy mô mặt cắt ngang đường cao tốc đoạn hoàn chỉnh 6 làn xe có bề rộng nền là 32,25m. Quy mô giai đoạn phân kỳ 4 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp có bề rộng nền là 25m. Đoạn tuyến nối đường cao tốc với Quốc lộ 1A có bề rộng nền là 16m.
Đại diện Ban Quản lý dự án Thăng Long báo cáo về công tác hoàn thành thi công hạng mục công trình.
Dự án thành phần Phan Thiết - Dầu Giây được khởi công từ tháng 10/2020. Đến nay, Ban Quản lý dự án Thăng Long đã tổ chức nghiệm thu có điều kiện đưa vào khai thác tạm tuyến chính 99km bao gồm cả các cầu, cống, hầm chui. Đối với các hạng mục công trình còn lại như các cầu vượt ngang, đường gom dân sinh và các nút giao chưa hoàn thành sẽ được chủ đầu tư nghiệm thu phục vụ đưa vào khai thác sử dụng sau.
Trong quá trình thi công xây dựng, dự án đã phát sinh nhiều điểm thay đổi, điều chỉnh thiết kế và đã được chủ đầu tư tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt các thay đổi, điều chỉnh này theo quy định.
Dự án thành phần Phan Thiết - Dầu Giây do Bộ GTVT làm chủ đầu tư với tổng mức 12.577,5 tỷ đồng. Ban Quản lý dự án Thăng Long được giao là đại diện chủ đầu tư.
Đến thời điểm ngày 28/4/2023, một số vị trí lề, mái taluy nền đắp, trồng cỏ mái taluy, vệ sinh công nghiệp tiếp tục được chủ đầu tư hoàn thiện. Nhiều hạng mục an toàn giao thông đang tiếp tục hoàn thành trước ngày thông xe.
Các chuyên gia và thành viên Hội đồng kiểm tra tại công trường dự án.
Tại cuộc họp, căn cứ kết quả các đợt kiểm tra công trình, biên bản nghiệm thu hoàn thành có điều kiện của các gói thầu giữa chủ đầu tư và các nhà thầu, các báo cáo hoàn thành của chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, tư vấn kiểm định chất lượng công trình và Báo cáo của Tổ chuyên gia Hội đồng, Cơ quan Thường trực Hội đồng… Hội đồng đều chấp thuận kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư đưa tuyến chính Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Phan Thiết - Dầu Giây vào khai thác sử dụng.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến lưu ý chủ đầu tư cần hoàn tất sớm các hạng mục an toàn giao thông, đặc biệt là hạng mục hàng rào để có biện pháp đảm bảo an toàn tại các vị trí chưa được xây dựng, nhất là tại khu vực gần khu dân cư, đường gom, khu vực thường có súc vật được chăn thả.
Đại diện cơ quan thường trực Hội đồng phát biểu tại cuộc họp.
Trong quá trình khai thác, chủ đầu tư tổ chức thi công các công việc còn lại được nêu trong cam kết. Sớm tổ chức phê duyệt quy hoạch các vị trí trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc và triển khai thi công để đưa vào sử dụng, đảm bảo thuận tiện cho các chủ phương tiện trong quá trình lưu thông trên tuyến.
Cần theo dõi, kiểm soát lưu lượng, tải trọng xe và hiệu quả của các biển báo cũng như tình hình lưu thông trên tuyến để kịp thời điều chỉnh biện pháp tổ chức giao thông đảm bảo lưu thông an toàn, thông suốt. Nghiên cứu bổ sung biện pháp chống vật rơi tại các vị trí cầu vượt ngang trên tuyến…
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy gửi lời cảm ơn các đơn vị, địa phương đã phối hợp với chủ đầu tư, nhà thầu để đưa tuyến cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết về đích theo kế hoạch. Thứ trưởng Bộ GTVT tiếp thu các ý kiến của Hội đồng và sẽ chỉ đạo để đảm bảo an toàn khai thác trên toàn tuyến ngay khi thông xe.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn nhận định dự án này tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng Ban Quản lý dự án, nhà thầu đã nỗ lực phối hợp với địa phương, Tổ chuyên gia Hội đồng… để hoàn thành dự án này vào trước 30/4/2023.
Chủ đầu tư gấp rút hoàn thiện các hạng mục trước khi thông xe.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng lưu ý, với khối lượng công việc lớn cần hoàn thành gấp trước ngày thông xe, cùng lưu lượng giao thông rất cao, nên cần có những giải pháp cho phù hợp. Những hạng mục cơ bản phải xong nhằm phục vụ cho giao thông an toàn. Trong thời gian đầu vận hành khai thác, cần phối hợp với các cơ quan có thẩm quyển ở địa phương để tuyên truyền, hướng dẫn việc lưu thông đảm bảo an toàn khi người dân chưa làm quen với tuyến đường giao thông mới. Đặc biệt là vào kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 khi lưu lượng giao thông qua tuyến có thể tăng đột biến. Xem xét có giải pháp cảnh báo giảm tốc khu vực lối ra tại Phan thiết và tăng cường tổ chức điều tiết, hướng dẫn giao thông để không ùn ứ khi các phương tiện giao thông ra khỏi tuyến và đi vào quốc lộ.
Những vấn đề mà Hội đồng lưu ý thì yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu vừa bám tiến độ trên công trường để hoàn thành đúng kế hoạch, vừa hoàn thiện hồ sơ theo quy định pháp luật. Sau khi chủ đầu tư tổ chức hoàn thành thi công toàn bộ các hạng mục công trình còn lại theo yêu cầu thiết kế, chủ đầu tư báo cáo Hội đồng để được xem xét, chấp thuận chính thức kết quả nghiệm thu hoàn thành công trình theo quy định.
Dự án thành phần Phan Thiết - Dầu Giây sau khi hoàn thành sẽ rút ngắn hành trình từ Thành phố Hồ Chí Minh đến các trung tâm du lịch và mở ra cơ hội đầu tư vào khu vực miền Nam Trung bộ; khắc phục tình trạng ách tắc giao thông và giảm thiểu tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra trên Quốc lộ 1A. Giải quyết nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa giữa khu vực đầu mối trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với khu vực miền Đông Nam bộ và Nam Trung bộ; cũng như từ Bắc vào Nam.
Dự án còn góp phần tạo điều kiện thúc đẩy nhanh sự hình thành và phát triển các khu công nghiệp, du lịch dọc tuyến, các khu du lịch sinh thái dọc biển của Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa.