Tham dự Hội thảo về phía Việt Nam có PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến – Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng); đại diện các cơ quan chức năng thuộc Bộ và các Bộ, ngành liên quan; các Hội, Hiệp hội chuyên ngành; các Sở Xây dựng, các công ty thoát nước & xử lý nước thải từ một số tỉnh, thành. Về phía Nhật Bản, tham dự Hội thảo có ông Shioji Katsushisa – Cục trưởng Cục Quản lý thoát nước & xử lý nước thải MLIT; ông Yamamoto Kenichi – Phó trưởng đại diện Văn phòng JICA tại Việt Nam, và đại diện chính quyền các địa phương của Nhật Bản có hợp tác với các tỉnh thành của Việt Nam trong lĩnh vực liên quan. Đại diện các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Cơ quan Hợp tác phát triển CHLB Đức (GIZ)...cũng tham gia và có những bài tham luận sâu sắc trong Hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến cho biết: những năm gần đây, nhu cầu đào tạo, nâng cao năng lực quản lý thoát nước và xử lý nước thải của Việt Nam ngày cáng lớn, tuy nhiên công tác đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu. Xây dựng nguồn lực cao là chủ trương, là bước đột phá của Chính phủ Việt Nam nhằm thực hiện Định hướng phát triển thoát nước đô thị và khu công nghiệp đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, các giải pháp chính tập trung vào công tác nâng cao chất lượng và số lượng kỹ sư chuyên ngành cấp thoát nước; củng cố, mở rộng các cơ sở đào tạo, đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo công nhân ngành nước; bồi dưỡng nâng cao năng lực lập kế hoạch và quản lý ngành nước cho các cán bộ chuyên ngành từ TW đến địa phương.
Bên cạnh đó, để thực hiện tốt Định hướng phát triển, việc lựa chọn công nghệ xử lý nước thải phù hợp với điều kiện tự nhiên, trình độ phát triển, năng lực đầu tư có tính tới khả năng nâng cấp trong tương lai cũng là những nhiệm vụ cấp bách. Trong lĩnh vực này, sự ủng hộ của bạn bè quốc tế vô cùng quý báu; đặc biệt là sự giúp đỡ của Chính phủ Nhật Bản, thông qua rất nhiều dự án đã và đang triển khai hiệu quả tại nhiều tỉnh thành trên cả nước có sự hỗ trợ tài trợ của MLIT và JICA.
Đánh giá cao quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa MLIT, JICA và Bộ Xây dựng cũng như sự hỗ trợ lớn của MLIT và JICA đối với ngành nước Việt Nam, PGS.TS. Nguyễn Hồng Tiến bày tỏ mong muốn Hội thảo sẽ là cơ hội để các đơn vị, các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực thoát nước, xử lý nước thải của cả hai bên cùng trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ các khó khăn vướng mắc cũng như hướng tháo gỡ những khó khăn đó, góp phần nâng cao năng lực và chất lượng của ngành, đáp ứng mục tiêu nhiệm vụ mà Định hướng phát triển thoát nước đô thị & khu công nghiệp Việt Nam đã đề ra.
Các tham luận tại Hội thảo được chuyên gia hai bên trình bày chủ yếu tập trung vào hai chủ đề chính. Ở chủ đề “Phát triển nguồn nhân lực ngành thoát nước”, ông Hỉroyuki Fujimoto từ Tổ chức công trình nước thải Nhật Bản đã giới thiệu về các hoạt động chính, cơ chế hoạt động của Tổ chức. Trong bài trình bày, ông nhấn mạnh tới công tác đào tạo nhân lực, tổ chức đào tạo cho nhân viên chính quyền địa phương và phát triển kỹ thuật / công nghệ về thoát nước & xử lý nước thải; coi đó là giải pháp trọng tâm để tăng cường năng lực, phát triển ngành bền vững.
Chiều cùng ngày, Bộ Xây dựng và MLIT đã tiến hành phiên họp lần thứ 8 định kỳ 06 tháng về hợp tác kỹ thuật trong lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải. Cuộc họp có sự tham gia của đông đủ đại diện các bên, và diễn ra dưới sự chủ trì của PGS. TS. Nguyễn Hồng Tiến (Bộ Xây dựng) và ông Shioji Katsushisa (MLIT).
Tại phiên họp này, chuyên gia hai bên đã cùng tổng kết các kết quả hoạt động từ tháng 2/2015 tới tháng 10/2015 theo các dự án đang được triển khai thực hiện tại một số tỉnh thành Việt Nam: thoát nước đô thị, sử dụng hiệu quả năng lượng và nước từ nước thải và bùn thải, xây dựng và quản lý các công trình thoát nước và xử lý nước thải bền vững, xây dựng các tiêu chuẩn / sổ tay hướng dẫn về phương pháp lắp đặt các đường ống áp dụng công nghệ tiên tiến, hỗ trợ nghiên cứu xây dựng nội dung Luật thoát nước đô thị. Hai bên cũng tích cực thảo luận, xác định kế hoạch hoạt động cho thời gian tới, từ tháng 11/2015 đến tháng 3/2016.
Trong phiên họp, thay mặt MLIT, ông Katsushisa đã bàn giao Bộ tiêu chuẩn công nghệ khoan kích ống ngầm đã hiệu chỉnh và bổ sung cho Bộ Xây dựng. Đại biểu hai bên cũng tích cực thảo luận, chia sẻ những khó khăn mỗi nước đang phải đối mặt và các triển vọng hợp tác trong tương lai, trong đó có các hoạt động triển khai áp dụng tiêu chuẩn thi công công nghệ khoan kích ống ngầm tại Việt Nam và tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác song phương giữa các địa phương của cả hai nước./.
Lệ Minh