Ngày 21/3/2016, ông Nguyễn Trọng Ninh - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết: Đến nay, trên 29.500 tỷ đồng đã được các ngân hàng thương mại ký cam kết cho vay với các doanh nghiệp, gia đình, cá nhân và đã có trên 20.300 tỷ đồng đã được giải ngân. Theo tiến độ giải ngân trong những tháng gần đây thì đến ngày 1/6/2016 sẽ giải ngân được khoảng 85% và sẽ chỉ còn khoảng 4 - 5 nghìn tỷ đồng chưa được giải ngân (sau thời điểm 1/6/2016).
Sau gần 3 năm thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 7/1/2013 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, đã có khoảng 45.000 hộ gia đình, cá nhân và trên 60 doanh nghiệp là chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội được ký hợp đồng vay vốn từ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng.
Ông Ninh cho biết thêm, Bộ Xây dựng đã có văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét kéo dài thời gian thực hiện giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho đến lúc giải ngân hết 30.000 tỷ đồng để giúp các tổ chức, cá nhân được vay vốn ưu đãi và đặc biệt là giúp các gia đình có thu nhập thấp, gặp khó khăn về nhà ở có điều kiện tiếp cận với gói hỗ trợ này để giúp họ giải quyết nhu cầu về nhà ở.
Cơ sở của đề nghị này là Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ có đưa ra một mục tiêu quan trọng của gói tín dụng 30.000 tỷ đồng là góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Các đối tượng vay vốn là hộ gia đình, cá nhân có thu nhập thấp, gặp khó khăn về nhà ở, trong đó có cả công nhân viên chức, cán bộ chiến sỹ lực lượng vũ trang nhân dân, người lao động thuộc các thành phần kinh tế gặp khó khăn về nhà ở. Hơn nữa các đối tượng thuộc chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được tạo điều kiện vay vốn ưu đãi để giảm giá nhà ở xã hội so với giá nhà ở thương mại. Do đó việc đề xuất kéo dài thời hạn giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng là rất cần thiết.
Trần Đình Hà