Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung TP Thái Nguyên đến năm 2035 do Liên danh tư vấn Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia và công ty tư vấn AREP VILLE (Pháp) thực hiện.
Phạm vi lập quy hoạch có tổng diện tích hơn 22.313ha, bao gồm toàn bộ diện tích TP Thái Nguyên hiện hữu cộng với phần mở rộng gồm: Xã Sơn Cẩm (huyện Phú Lương); thị trấn Chùa Hang (huyện Chùa Hang), xã Linh Sơn, xã Huống Thượng (huyện Đồng Hỷ), xã Đồng Liên thuộc huyện Phú Bình.
Ranh giới khu vực lập quy hoạch được giới hạn như sau: Phía Bắc giáp xã Cổ Lũng, xã Vô Tranh (huyện Phú Lương), xã Hóa Thượng, xã Khe Mo (huyện Đồng Hỷ); Phía Nam giáp thành phố Sông Công; phía Đông giáp xã Bàn Đạt (huyện Phú Bình); Phía Tây giáp huyện Đại Từ và thị xã Phổ Yên.
TP Thái Nguyên được xác định là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, thể dục thể thao, giáo dục, khoa học kỹ thuật, y tế, du lịch, của tỉnh Thái Nguyên, một trong những trung tâm kinh tế, giáo dục đào tạo, y tế, khoa học công nghệ của Vùng Trung du và miền núi phía Bắc, đồng thời là một cực phát triển của Vùng Thủ đô Hà Nội, có vai trò kết nối Vùng Trung du và miền núi phía Bắc với Hà Nội và các tỉnh Đồng bằng Sông Hồng…
Xây dựng và phát triển TP Thái Nguyên với tầm nhìn là TP sinh thái, có chức năng tổng hợp, trọng tâm là dịch vụ, du lịch và hàng hóa công nghệ xanh, chú trọng phát triển thương mại, dịch vụ, công nghiệp được phát triển theo hướng công nghiệp xanh, bền vững.
Hiện nay, dân số TP Thái nguyên có khoảng 300.000 người, Theo Điều chỉnh Quy hoạch chung TP Thái Nguyên đến năm 2035, dân số toàn TP đạt khoảng 600.000 người, trong đó dân số nội thị khoảng 370.000 người, dân số ngoại thị khoảng 50.000 người, dân số tạm trú đã quy đổi khoảng 180.000 người.
Về định hướng không gian, TP Thái Nguyên được phát triển theo 2 bên bờ sông Cầu, mô hình đô thị sinh thái đa trung tâm gắn với việc hình thành các khu chức năng như: Trung tâm lịch sử hiện hữu, trung tâm giáo dục đào tạo, y tế chất lượng cao, thương mại dịch vụ, tài chính ngân hàng, các khu vực phát triển mới, khu công nghiệp, khu dự trữ phát triển và khu vực nông nghiệp đô thị. Trong đó, các khu chức năng được kết nối với nhau thông qua hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại.
Khu vực nông thôn các xã phía Tây TP Thái Nguyên được chú trọng đầu tư xây dựng nông thôn mới gắn với việc hình thành các trung tâm dịch vụ nông thôn, ưu tiên phát triển chức năng dịch vụ - du lịch - giải trí gắn với cảnh quan dòng sông Công, cảnh quan các đồi chè, cảnh quan hồ Núi Cốc. Trong khi đó, khu vực nông thôn phía Đông TP, bên cạnh việc chú trọng xây dựng nông thôn mới, sẽ hướng đến phát triển không gian sinh thái, tạo không gian chuyển tiếp có kiểm soát phát triển, không xây dựng các khu dân cư trong hành lang thoát lũ của sông Cầu…
Tại hội nghị, các chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch của Bộ Xây dựng, đại diện các Bộ, ngành, các hội nghề nghiệp có liên quan đã đưa ra những nhận xét, góp ý đối với nhóm tác giả để hoàn chỉnh Đồ án.
Đánh giá Đồ án, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn cho biết Liên danh tư vấn Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia và công ty tư vấn AREP VILLE đã tích cực thu thập thông tin và cập nhật số liệu một cách đầy đủ, kịp thời đưa vào Đồ án để làm cơ sở cho những nhận định, phân tích. Đồ án đã bám sát và thực hiện tốt những nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, đưa ra được những định hướng quan trọng trong việc xây dựng, phát triển TP Thái Nguyên đến năm 2035.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn cũng đánh giá Đồ án chưa nêu rõ được tính kết nối giữa TP Thái Nguyên với các đô thị khác của tỉnh, các trung tâm huyện lỵ. Thứ trưởng yêu cầu nhóm tác giả Đồ án cần phải nghiên cứu khai thác những lợi thế của tuyến đường Vành đai 5 qua TP Thái Nguyên, phân tích và định hướng khai thác những lợi thế tự nhiên của khu vực hồ Núi Cốc cũng như phải chú ý nhiều hơn đến chức năng công nghiệp của TP Thái Nguyên…
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn yêu cầu nhóm tác giải Đồ án tiếp thu những ý kiến góp ý của các chuyên gia đã nêu trong hội nghị, sớm hoàn thiện Đồ án để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trần Đình Hà