Theo TS. Nguyễn Quang Hiệp (Hội Bê tông Việt Nam), bê tông phun là bê tông được phun bằng khí nén với tốc độ cao lên bề mặt thi công trong các công trình xây dựng. Với các đặc tính kỹ thuật vượt trội, bê tông phun được sử dụng để tạo lớp áo chống thấm phía bên ngoài các công trình ngầm; thay thế hay làm mới lớp bê tông bảo vệ để chống ăn mòn cho cốt thép trong các kết cấu bê tông cốt thép; tạo lớp bê tông gia cố hoặc bảo vệ kết cấu tường, trần của các đường hầm, ta luy, mái đê đập, silo, các dầm cột và trần công trình khi khó ghép cốt pha đổ bê tông.
Những năm gần đây, tại Việt Nam, số lượng các công trình giao thông, thủy lợi, thủy điện gia tăng, nhu cầu sử dụng bê tông phun cũng tăng cao. Tuy nhiên, các tiêu chuẩn quốc gia hay chỉ dẫn thiết kế và thi công bê tông phun chưa được ban hành; điều này khiến các đơn vị thiết kế, nhà thầu thi công gặp nhiều trở ngại trong công tác thi công và nghiệm thu bê tông phun. Do đó, việc biên soạn tiêu chuẩn Việt Nam về bê tông phun nhằm giúp quá trình thiết kế và thi công bê tông phun thuận lợi, góp phần nâng cao chất lượng các công trình xây dựng là vô cùng cần thiết.
Trên cơ sở tham khảo các nội dung chính trong các tiêu chuẩn BS EN 14487-1:2005 và BS EN 14487-2:2005 (tiêu chuẩn của Anh về bê tông phun), kết hợp với một số tài liệu khác và các số liệu cấp phối bê tông thực tế do Tổng Công ty Sông Đà cung cấp, nhóm nghiên cứu đã hoàn thành Dự thảo, với đầy đủ nội dung của một văn bản tiêu chuẩn: phạm vi áp dụng, tài liệu viện dẫn, thuật ngữ định nghĩa, các yêu cầu kỹ thuật, phương pháp thử, và các Phụ lục đi kèm. Trong phần các yêu cầu kỹ thuật, Dự thảo đã đề ra yêu cầu đối với vật liệu (các nguyên vật liệu của bê tông phun có một số chỉ tiêu khác so với bê tông thường; thực tế nước ta có đầy đủ các loại nguyên vật liệu chính đáp ứng các điều kiện này); yêu cầu đối với xi măng, cốt liệu, phụ gia, nước và cốt sợi phân tán (có xét tới thực tế tại Việt Nam hiện nay, việc sử dụng sợi thép và sợi polyme cho bê tông còn khá hạn chế). Dự thảo cũng đưa ra các yêu cầu đặc tính của bê tông phun (trong đó, rất chú trọng tới đặc tính quan trọng của bê tông phun là cường độ và thời gian kết cứng); yêu cầu về phương pháp thử - phương pháp tạo mẫu bê tông.
Các ủy viên phản biện và thành viên Hội đồng đều nhất trí với tính cấp thiết của việc biên soạn tiêu chuẩn cũng như sự nghiêm túc, phương pháp biên soạn khoa học của nhóm biên soạn. Để Dự thảo tiêu chuẩn được hoàn thiện, sớm đi vào thực tiễn xây dựng ở Việt Nam, Hội đồng đã đóng góp một số ý kiến xác đáng về cách trình bày, bố cục, văn phong; về những nội dung nên lược bỏ hoặc nghiên cứu chỉnh sửa cho phù hợp điều kiện của nước ta.
Phát biểu kết luận, Chủ tịch Hội đồng - TS. Lê Trung Thành nhất trí với các ý kiến phát biểu của các thành viên Hội đồng, lưu ý nhóm tác giả hoàn chỉnh Dự thảo trên cơ sở tiếp thu các ý kiến đóng góp, để TCVN…:2015 “Bê tông phun – yêu cầu kỹ thuật và phương pháp thử” sớm được ban hành, là công cụ hỗ trợ đắc lực cho các nhà xây dựng lựa chọn nguyên vật liệu, cấp phối bê tông, xác định rõ phương pháp kiểm tra khi thi công các công trình sử dụng bê tông phun. Đồng thời qua đó, hệ thống tiêu chuẩn quốc gia về lĩnh vực bê tông nói riêng và vật liệu xây dựng nói chung sẽ hoàn thiện hơn.
Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu với kết quả xếp loại Khá.
Phòng TT-TL