Ngày 28/9/2022, tại Hà Nội, Báo Xây dựng phối hợp với Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) tổ chức hội thảo với chủ đề “Xu hướng công nghệ - vật liệu trong công trình xây dựng”. Tham dự hội thảo có các nhà quản lý, hoạch định chính sách, các chủ đầu tư, nhà sản xuất và các chuyên gia trong lĩnh vực vật liệu xây dựng.
Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng Phạm Văn Bắc phát biểu khai mạc
Phát biểu tại hội thảo, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng Phạm Văn Bắc cho biết, sản xuất vật liệu xây dựng đóng vai trò rất quan trọng trong ngành Xây dựng. Trong 15 năm qua, ngành vật liệu xây dựng đã phát triển nhanh chóng, đưa Việt Nam từ một nước nhập khẩu hầu hết các loại vật liệu trở thành quốc gia cơ bản đã sản xuất được nhiều sản phẩm vật liệu xây dựng, không những đáp ứng nhu cầu xây dựng trong nước mà còn hướng đến xuất khẩu.
Theo Vụ trưởng Phạm Văn Bắc, sản xuất vật liệu xây dựng ngày nay đang có xu hướng phát triển các vật liệu xanh, thân thiện với môi trường. Ngày 18/8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng thời kỳ 2021-2030, định hướng đến 2050. Chiến lược được xây dựng trên 6 quan điểm, trong đó quan điểm phát triển vật liệu xây dựng hiệu quả bền vững, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu, tiếp cận, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ thế giới, quản lý vật liệu và sử dụng hiệu quả tài nguyên năng lượng, nhiên liệu, hạn chế ảnh hưởng môi trường là rất quan trọng.
Tổng Biên tập Báo Xây dựng Nguyễn Anh Dũng phát biểu tại hội thảo
Phân tích thực trạng ngành vật liệu xây dựng Việt Nam hiện nay, bên cạnh những yếu tố thuận lợi cơ bản như: kinh tế trên đà phát triển, nhu cầu xây dựng kết cấu hạ tầng lớn, tạo ra nhu cầu rất lớn về sản xuất và tiêu thụ vật liệu xây dựng; sự phát triển của khoa học công nghệ, hành lang pháp lý ngày càng đầy đủ, hoàn thiện... TS. Nguyễn Quang Hiệp - Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng cũng đề cập tới những thách thức đối với ngành vật liệu xây dựng: tài nguyên khoáng sản ngày càng cạn kiệt; công nghệ sử dụng nguyên liệu có chất lượng thấp; nhiên liệu hoá thạch ngày càng khan hiếm, chi phí cho nhiên liệu, năng lượng ngày một tăng cao; các yêu cầu nâng cao về bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính....đều là những lý do khiến ngành sản xuất vật liệu xây dựng cần phải có thay đổi mạnh mẽ về công nghệ sản xuất.
Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ & Môi trường Nguyễn Quang Hiệp trình bày tham luận
TS. Nguyễn Quang Hiệp nêu lên định hướng phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam trong thời gian tới, đó là: phát triển ngành vật liệu xây dựng hiệu quả, bền vững, đáp ứng cơ bản nhu cầu trong nước, từng bước tăng cường xuất khẩu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế xã hội; tiếp cận và ứng dụng nhanh nhất các thành tựu khoa học, công nghệ, quản lý đặc biệt là thành tựu của cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0.
Nhấn mạnh vai trò quan trọng của chuyển đổi số trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, PGS.TS Lương Đức Long - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội xi măng Việt Nam cho biết, ngành vật liệu xây dựng hiện nay cần đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số để tối ưu hoá sản xuất và các công đoạn liên quan nhằm phục vụ khách hàng tốt nhất. Chuyển đổi số là việc chuyển toàn bộ các thông tin, dữ liệu liên quan đến doanh nghiệp thành những tín hiệu số để máy tính có thể đọc được, lưu trữ, quản lý, xử lý, chuyển từ nơi này đến nơi khác thông qua kết nối internet (IoT). Nếu không có chuyển đổi số, sẽ không có Cách mạng Công nghiệp 4.0.
Trong tham luận tại hội thảo, đại diện SIKA Việt Nam kiến nghị cần áp dụng chặt chẽ Tiêu chuẩn về hợp chất hữu cơ VOC và phát thải khí CO2 đối với sơn và chất phủ, giúp cải thiện sức khỏe cư dân trong không gian sống và thầu thợ trong quá trình thi công. Xác lập tiêu chuẩn có thể dựa trên các tiêu chuẩn xây dựng xanh hiện có; ưu tiên sử dụng các sản phẩm xây dựng có hàm lượng tái chế cao giúp tiết kiệm năng lượng. Ngoài ra, cần ứng dụng các giải pháp sàn mái hiệu quả năng lượng, giảm nhiệt như các giải pháp có giá trị phản xạ nhiệt cao (SRI) và giúp tiết kiệm năng lượng vận hành công trình.
Toàn cảnh hội thảo
Tham dự hội thảo, các chuyên gia, diễn giả cũng thảo luận nhiều vấn đề liên quan tới xu thế công nghệ trong công trình xây dựng, đưa ra nhiều giải pháp, đề xuất cụ thể. Đại diện công ty Sơn Hà kiến nghị cơ quan chức năng ban hành quy định bắt buộc các công trình xây dựng (nhà dân, công trình công cộng, nhà chung cư, văn phòng, nhà hàng, trường học, bệnh viện…) bù đắp diện tích bê tông hóa đô thị bằng thể tích bể ngầm chứa nước mưa tương đương; bắt buộc các công trình ở mọi khu vực đô thị phải có bể chứa nước mưa ngầm, để đảm bảo khu vực cao giữ lại nước mưa, hạn chế lượng lớn nước mưa chảy về vùng trũng. Cần nghiêm cấm một số dịch vụ kinh doanh như rửa xe, tưới cây, rửa đường...sử dụng nước máy, bắt buộc dùng nước mưa tái sử dụng.
Kết luận hội thảo, Vụ trưởng Phạm Văn Bắc cảm ơn các chuyên gia, đại biểu khách mời đã thu xếp thời gian tham dự và đóng góp nhiều ý kiến quý báu. Theo ông Phạm Văn Bắc, đây cũng là dịp để các nhà quản lý lắng nghe ý kiến từ nhà sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng, những bất cập, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng hiện nay, từ đó nghiên cứu điều chỉnh, kịp thời đưa ra các chính sách phù hợp hơn với tình hình mới.