Ngày 6/7/2022, Bộ Xây dựng tổ chức Hội đồng Tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài “Nghiên cứu sử dụng xỉ thép làm vật liệu san lấp trong xây dựng”, do Viện Vật liệu xây dựng thực hiện. Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng Nguyễn Quang Hiệp chủ trì cuộc họp.
Toàn cảnh cuộc họp
Báo cáo kết quả thực hiện đề tài, ThS. Tạ Văn Luân cho biết: cùng với sự phát triển kinh tế của đất nước, ngành công nghiệp sản xuất gang thép của nước ta đang ngày càng phát triển. Việt Nam hiện có 33 nhà máy sản xuất gang thép có phát sinh xỉ, với khối lượng rất lớn, lên đến hàng triệu tấn, là một nguồn tài nguyên tiềm năng để sử dụng làm vật liệu xây dựng. Tuy nhiên hiện nay, lượng xỉ thép đang tồn kho và chưa được xử lý còn khá lớn, gây ảnh hưởng xấu tới môi trường.
Theo ThS. Tạ Văn Luân, trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu về tác động môi trường khi sử dụng xỉ thép nhưng tại Việt Nam chưa có nghiên cứu nào đánh giá đầy đủ. Điều này dẫn đến tâm lý e ngại khi tái sử dụng xỉ thép với khối lượng lớn. Ngoài ra, do quá trình hình thành và làm nguội, xỉ thép thường có kích thước ban đầu khá lớn, cần phải qua một quá trình gia công đập, nghiền, sàng, tách... trước khi sử dụng. Do đó, việc nghiên cứu đánh giá, tái sử dụng xỉ thép của các nhà máy sản xuất thép làm vật liệu san lấp là một nhiệm vụ cấp thiết.
Mục tiêu của đề tài là nghiên cứu sử dụng xỉ thép làm vật liệu san lấp; xây dựng dự thảo tiêu chuẩn TCVN về xỉ thép làm vật liệu san lấp và dự thảo Chỉ dẫn kỹ thuật sử dụng xỉ thép làm vật liệu san lấp. Trong quá trình thực hiện, nhóm đề tài đã chủ động phối hợp với các Vụ chức năng thuộc Bộ Xây dựng, các doanh nghiệp sản xuất gang thép, các doanh nghiệp xử lý xỉ thép; tiến hành điều tra, khảo sát thực tế. Nhóm nghiên cứu nhận thấy: xỉ thép theo các công nghệ lò luyện khác nhau hiện có tại Việt Nam đều không phải là chất thải nguy hại theo phân định của QCVN 07:2009/BTNMT. Các chỉ số hoạt độ phóng xạ an toàn của các mẫu xỉ thép đều đạt yêu cầu cho mục đích san lấp. Để dùng xỉ thép làm vật liệu san lấp, xỉ thép cần phải được xử lý và đạt độ ổn định thể tích. Về cơ bản, độ ổn định thể tích của các mẫu xỉ thép sau xử lý đều đạt yêu cầu cho mục đích san lấp; khả năng đầm chặt của của các mẫu xỉ thép EAF, BOF, IF khá là dễ dàng, thuận lợi cho quá trình thi công đầm nén, chỉ số CBR của xỉ đầm thép lớn hơn rất nhiều so với vật liệu cát san lấp thông thường.
Kết thúc quá trình thực hiện, nhóm nghiên cứu hoàn thành đầy đủ các sản phẩm theo hợp đồng, bao gồm Báo cáo tổng kết, dự thảo tiêu chuẩn TCVN Xỉ thép làm vật liệu san lấp - Yêu cầu chung; dự thảo Chỉ dẫn kỹ thuật sử dụng xỉ thép làm vật liệu san lấp; đồng thời kiến nghị tiếp tục thực hiện các nghiên cứu sử dụng xỉ thép làm vật liệu cho các ứng dụng khác như làm vật liệu cho đường giao thông, phụ gia cho sản xuất xi măng... nhằm gia tăng lượng tái sử dụng xỉ thép; Nhà nước cần nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích tái sử dụng xỉ thép thay thế một phần các nguyên vật liệu truyền thống.
Tại cuộc họp, các chuyên gia phản biện và thành viên Hội đồng đánh giá cao công sức, nỗ lực của nhóm nghiên cứu trong quá trình thực hiện đề tài, đồng thời đóng góp nhiều ý kiến giúp nhóm nghiên cứu tiếp thu, chỉnh sửa, nâng cao chất lượng các sản phẩm đề tài. Theo đó, nhóm nghiên cứu cần biên tập Báo cáo tổng kết ngắn gọn hơn và bổ sung thông tin các thiết bị thí nghiệm tại hiện trường nhằm đảm bảo tính tin cậy của kết quả thử nghiệm; cần nêu rõ xỉ thép trong nghiên cứu là xỉ thép đã qua xử lý; cần bổ sung bản đồ định vị các nhà máy sản xuất thép. Đối với dự thảo tiêu chuẩn, nhóm nghiên cứu cần chỉnh sửa phạm vi áp dụng theo hướng tiêu chuẩn này áp dụng cho xỉ thép làm vật liệu san lấp cho các công trình dân dụng, công nghiệp và hạ tầng.
Kết luận cuộc họp, Phó Vụ trưởng Nguyễn Quang Hiệp tổng hợp ý kiến đóng góp của các chuyên gia thành viên Hội đồng, đồng thời bổ sung một số góp ý và đề nghị nhóm nghiên cứu tiếp thu đầy đủ, sớm hoàn thiện Báo cáo tổng kết và các sản phẩm đề tài, trình lãnh đạo Bộ xem xét, quyết định.