Ngày 29/6/2022, Bộ Xây dựng tổ chức hội nghị thẩm định Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Được sự ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Vụ trưởng Vụ Quy hoạch kiến trúc Trần Thu Hằng chủ trì hội nghị.
Vụ trưởng Trần Thu Hằng kết luận hội nghị
Theo Báo cáo thuyết minh tóm tắt Nhiệm vụ do đại diện đơn vị tư vấn trình bày, quy hoạch chung xây dựng đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1266/QĐ-TTg ngày 28/07/2014. Đến năm 2016, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 230/QĐ-TTg ngày 04/02/2016 phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Quần thể danh thắng Tràng An, tỉnh Ninh Bình. Trong quá trình triển khai 2 quy hoạch này, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, tới nay đã xuất hiện một số bất cập cần phải điều chỉnh để phù hợp với thực tế phát triển. Bên cạnh đó, bối cảnh phát triển thực tiễn của tỉnh Ninh Bình cũng đặt ra những yêu cầu quy hoạch chung phải kế thừa và tìm ra các định hướng chiến lược làm động lực để phát triển đô thị Ninh Bình nói riêng, tỉnh Ninh Bình nói chung trong giai đoạn mới.
Mục tiêu lập điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình nhằm kế thừa các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đã được phê duyệt, đồng thời rà soát điều chỉnh các nội dung quy hoạch không phù hợp thực tế quản lý phát triển xây dựng đô thị; đề xuất các giải pháp điều chỉnh để khai thác hiệu quả tài nguyên đất đai, cảnh quan sinh thái và đề xuất các giải pháp quy hoạch tạo điều kiện cho thu hút, triển khai đầu tư theo quy hoạch. Ngoài ra, việc điều chỉnh quy hoạch chung cần bảo đảm phù hợp với xu thế phát triển kinh tế xã hội và định hướng phát triển của đô thị trong tương lai, nâng cao chất lượng môi trường sống, cơ sở hạ tầng và cảnh quan đô thị; làm cơ sở pháp lý để triển khai lập mới và điều chỉnh các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, lập dự án đầu tư xây dựng và kiểm soát phát triển đô thị theo quy hoạch.
Phạm vi, ranh giới lập điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 là 24.530ha, tăng hơn 3.000ha so với Quy hoạch chung năm 2014, bao gồm toàn bộ thành phố Ninh Bình, huyện Hoa Lư và một phần thành phố Tam Điệp, huyện Gia Viễn, huyện Yên Mô, huyện Yên Khánh, huyện Nho Quan.
Nhiệm vụ đưa ra các yêu cầu nghiên cứu, trong đó có phân tích vai trò, vị trí và các mối liên hệ vùng; rà soát, đánh giá hiện trạng; dự báo phát triển; định hướng phát triển không gian và thiết kế đô thị; sử dụng đất theo các giai đoạn quy hoạch; quy hoạch hạ tầng kinh tế xã hội; quy hoạch hạ tầng kỹ thuật; đánh giá môi trường chiến lược; phát triển kinh tế đô thị và thực hiện quy hoạch; quy định quản lý theo đồ án quy hoạch...
Để nâng cao chất lượng Báo cáo thuyết minh Nhiệm vụ, đại diện Văn phòng Chính phủ, các Bộ, các hội nghề nghiệp chuyên ngành là thành viên Hội đồng đã đóng góp nhiều ý kiến, đề nghị đơn vị tư vấn và UBND tỉnh Ninh Bình bổ sung nội dung hiện trạng hạ tầng kinh tế nông nghiệp, nông thôn và quy hoạch hạ tầng kỹ thuật các công trình thủy lợi, phòng chống thiên tai; xem xét di dời các trạm biến áp 220kV ra ngoài khu vực nội đô; lưu ý bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể; bổ sung các quy hoạch sử dụng đất, làm rõ ranh giới các phân khu trong khu Du lịch Tràng An; rà soát các quy hoạch về xử lý chất thải rắn, thoát nước, hỏa táng và sân bay, dự báo phát triển du lịch.
Kết luận hội nghị, Vụ trưởng Trần Thu Hằng tổng hợp ý kiến đóng góp của các chuyên gia thành viên Hội đồng, đồng thời bổ sung một số ý kiến và đề nghị đơn vị tư vấn tiếp thu đầy đủ; lưu ý tư vấn rà soát, làm rõ những nội dung về sắp xếp đơn vị hành chính, phát triển hệ thống giao thông kết nối vùng, xác định thời gian quy hoạch, dự báo phát triển dân số, quy hoạch bảo tồn tôn tạo, tu bổ quần thể quốc gia Tràng An, xác định động lực mới cho việc phát triển đô thị Ninh Bình trong giai đoạn 2021-2030, đánh giá tác động môi trường.