Nghiệm thu Tiêu chuẩn: Các nguyên tắc chung về độ tin cậy của kết cấu xây dựng Mã số TC 26-03
Thứ hai, 06/03/2006 00:00
Ngày 02/3/2006 Hội đồng khoa học chuyên ngành Bộ Xây dựng đã tiến hành nghiệm thu Tiêu chuẩn: Các nguyên tắc chung về độ tin cậy của kết cấu xây dựng, mã số TC 26-03 do TS. Nguyễn Xuân Chính, Viện Khoa học công nghệ xây dựngchủ trì thực hiện.
Năm 1986 tổ chức tiêu chuẩn quốc tế ISO đã ban hành tiêu chuẩn ISO 2394-1986 - Các nguyên tắc chung về độ tin cậy của kết cấu General principles on reliability for structures. Năm 1998 tiêu chuẩn được soát xét và ban hành "ISO 2394-1998" thay thế cho ISO 2394-1986. Định hướng về đồng bộ hoá hệ thống tiêu chuẩn xây dựng hiện nay, Bộ Xây dựng định hướng theo hệ thống tiêu chuẩn Châu Âu Eurocode, đồng thời phải nghiên cứu xem xét đến điều kiện đặc thù của Việt Nam. Tiêu chuẩn : Các nguyên tắc chung về độ tin cậy của kết cấu xây dựng được chuyển dịch và biên soạn hướng dẫn sử dụng theo Tiêu chuẩn Quốc tế ISO 2394-1998. Đây là một việc cần thiết và phù hợp với xu hướng biên soạn tiêu chuẩn của nhiều nước. Tiêu chuẩn ISO 2394-1998 thiết lập cơ sở chung cho việc xây dựng các tiêu chuẩn thiết kế xây dựng và là cơ sở cho việc biên soạn các tiêu chuẩn quốc gia và các quy phạm xây dựng.
Phương pháp biên soạn tiêu chuẩn: Chuyển dịch tiêu chuẩn ISO 2394-1998 được thực hiện theo nguyên tắc: bảo đảm trung thành với nguyên bản, chuyển dịch sát nghĩa và dễ hiểu, phù hợp với các thuật ngữ kỹ thuật thông dụng. Hướng dẫn sử dụng tiêu chuẩn ISO 2394-1998 thực hiện theo nguyên tắc: cung cấp một số kiến thức và thông tin cơ bản để có thể vận dụng khi biên soạn và áp dụng tiêu chuẩn có liên quan đến độ tin cậy của kết cấu xây dựng, hướng dẫn việc xử lý số liệu, vận dụng phương pháp tính toán độ tin cậy, thông qua các lược đồ tính toán và các ví dụ cụ thể để minh hoạ phương pháp và hướng dẫn thực hành.
Nội dung của tiêu chuẩn: Tiêu chuẩn gồm các nội dung chính sau đây:
- Các yêu cầu và khái niệm;
- Các nguyên tắc thiết kế theo trạng thái giới hạn;
- Các biến cơ bản;
- Mô hình;
- Các nguyên lý thiết kế theo xác suất;
- Thiết lập các hệ số riêng;
- Đánh giá các kết cấu hiện hữu;
- Phần Phụ lục.
Đối tượng và phạm vi áp dụng Tiêu chuẩn:
Tiêu chuẩn này được xem như một cơ sở cho các ban kỹ thuật hoặc các tổ chức biên soạn tiêu chuẩn chịu trách nhiệm soạn thảo các tiêu chuẩn hay quy phạm xây dựng. Tiêu chuẩn này cũng là cơ sở chung cho các tiêu chuẩn quốc tế khác ví dụ như ENV 1991-1EC1. Tiêu chuẩn nêu những nguyên tắc chung để kiểm tra độ tin cậy của kết cấu, đồng thời có thể được áp dụng cho các giai đoạn từ sản xuất, lắp dựng cũng như quá trình sử dụng.
Hiện nay chúng ta đang tiếp cận và tiến hành biên soạn hệ thống TCVN trên cơ sở dựa theo EUROCODE. Vì vậy, việc áp dụng tiêu chuẩn "Các nguyên tắc chung về độ tin cậy của kết cấu xây dựng" là rất cần thiết để biên soạn các tiêu chuẩn và phụ lục tiêu chuẩn mang đặc thù của Việt Nam. Cụ thể cho các tiêu chuẩn sắp ban hành như tiêu chuẩn động đất, tiêu chuẩn thiết kế kết cấu thép và tiêu chuẩn thiết kế bê tông cốt thép. Cần tiến hành nghiên cứu áp dụng thiết kế công trình theo độ tin cậy vì đây là xu hướng thiết kế hiện đại giải quyết được yêu cầu về mức độ an toàn và kinh tế cho từng đối tượng công trình.
Tiêu chuẩn "Các nguyên tắc chung về độ tin cậy của kết cấu xây dựng "đã được Hội đồng khoa học chuyên ngành Bộ Xây dựng nghiệm thu và đạt loại xuất sắc.
Nguyễn Thị Đỗ Hạo