Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng với Báo Điện tử Chính phủ xung quanh những vấn đề về công tác quản lý, quy hoạch, xây dựng để phát triển bền vững hệ thống đô thị Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết số 06-NQ/TW vừa được Bộ Chính trị ban hành.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng. Ảnh VGP/ Toàn Thắng
Bốn kết quả quan trọng trong phát triển đô thị
Thưa Thứ trưởng, nhìn lại công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị của đất nước ta trong thời gian qua, theo Thứ trưởng đâu là những kết quả nổi bật và đâu là những thách thức mà chúng ta cần tập trung giải quyết để phát triển đô thị đồng bộ, văn minh và hiện đại?
Thứ trưởng Lê Quang Hùng: Trong giai đoạn vừa qua, đặc biệt trong 10 năm trở lại đây, lĩnh vực phát triển đô thị đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, trong đó có thể khái quát thành 4 nhóm kết quả chính.
Thứ nhất, việc tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch và quản lý xây dựng theo quy hoạch được áp dụng thống nhất trên cả nước và ngày càng đi vào nền nếp. Hiện nay, tất cả các đô thị trên toàn quốc đã được lập, phê duyệt quy hoạch chung.
Tỉ lệ phủ kín quy hoạch phân khu tại 2 đô thị đặc biệt (Hà Nội, TPHCM) và 19 đô thị loại I đạt khoảng 70-90%, tại các đô thị loại II, III, IV đạt khoảng 40-50%.
Thứ hai, đô thị hóa được đẩy mạnh, hệ thống đô thị tăng nhanh về số lượng, hình thành được 2 vùng đô thị lớn có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng cùng với các đô thị phân bố rộng khắp các vùng, miền.
Đến cuối năm 2020, nước ta có 862 đô thị, tăng 14% so với năm 2010. Tỉ lệ đô thị hoá xác định theo địa bàn có chức năng đô thị đã tăng từ 30,5% năm 2010 lên gần 40% năm 2020.
Đô thị hóa đã tạo ra một hệ thống các đô thị được phát triển tương đối hợp lý trên 6 vùng kinh tế xã hội của quốc gia và định hình 2 vùng đô thị lớn là Vùng Thủ đô Hà Nội và Vùng TPHCM.
Thứ ba, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư theo hướng ngày càng đồng bộ và hiệu quả hơn, chất lượng được nâng cao.
Hạ tầng khung diện rộng trong các lĩnh vực như giao thông, năng lượng, viễn thông, thuỷ lợi, đô thị, thương mại… được tập trung đầu tư, hoàn thành và đưa vào khai thác. Hạ tầng số của Việt Nam cơ bản đạt trình độ tiên tiến trong khu vực ASEAN, internet băng thông rộng phủ 100% các xã.
Số lượng và chất lượng nhà ở đô thị không ngừng được nâng lên. Tại khu vực thành thị, tỉ lệ hộ không có nhà ở giảm từ mức 6,9 hộ/10.000 hộ năm 2009 xuống còn 1,7 hộ/10.000 hộ năm 2019.
Thứ tư, thể chế, chính sách về đô thị ngày càng được hoàn thiện hơn; tích lũy kinh nghiệm trong quy hoạch, định hướng phát triển và quản lý đô thị. Quản lý Nhà nước tại các đô thị có những bước phát triển mới; mô hình chính quyền đô thị được triển khai thí điểm.
Những vấn đề đặt ra trong quá trình phát triển đô thị ở nước ta là gì, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Lê Quang Hùng: Thách thức lớn nhất nhất là hoàn thiện thể chế, chính sách tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hóa, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững.
Hệ thống pháp luật về quy hoạch có nhiều thay đổi, cần chỉnh sửa bổ sung để phù hợp Luật Quy hoạch 2017, trong đó có pháp luật về quy hoạch đô thị.
Hệ thống pháp luật về quản lý xây dựng và phát triển đô thị chưa đồng bộ, hoàn chỉnh, chưa có luật khung điều chỉnh thống nhất. Chương trình xây dựng luật để điều chỉnh quản lý phát triển đô thị đã được đưa vào chương trình xây dựng luật mới giai đoạn 2023-2024. Tuy nhiên, đây là nội dung khó, nội hàm rộng, cũng chưa có nhiều kinh nghiệm từ nước ngoài, sẽ đòi hỏi sự tập trung sức lực, đội ngũ chuyên gia, các nhà chuyên môn, khoa học lớn trong và ngoài nước.
Hiện cả nước có 800 đô thị, dự kiến đến 2025 chúng ta có thêm ít nhất 250 đô thị và đến 2030 tiếp tục có thêm 200 đô thị nữa. Nhu cầu đầu tư phát triển khoảng hơn 400 đô thị mới sẽ cần một khoản chi phí đầu tư không nhỏ.
Cùng với đó là yêu cầu cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị tại các đô thị hiện hữu, với rất nhiều các bất cập về hạ tầng như giao thông, cây xanh, môi trường…
Theo các tổ chức quốc tế, các đô thị của Việt Nam cần phải lựa chọn mô hình phát triển phù hợp theo hướng bền vững, thông minh và có khả năng chống chịu với thiên tai, dịch bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Công tác quản lý phát triển đô thị từ các bước quy hoạch, đầu tư xây dựng và quản trị đô thị cần tận dụng lợi thế của cuộc cách mạng 4.0 để nâng cao tính khả thi và hiệu quả.
Định hướng phát triển bền vững hệ thống đô thị
Đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết chuyên đề riêng về phát triển đô thị. Theo Thứ trưởng, Nghị quyết số 06-NQ/TW có ý nghĩa và định hướng quan trọng như thế nào đối với việc phát triển của đô thị Việt Nam trong bối cảnh hiện nay?
Thứ trưởng Lê Quang Hùng: Có thể nói, Nghị quyết số 06-NQ/TW (Nghị quyết số 06) được Bộ Chính trị ban hành rất đúng thời điểm, có ý nghĩa quan trọng cả về lý luận, nghiên cứu cũng như có vai trò quan trọng trong thực tiễn quản lý, quy hoạch, xây dựng để phát triển bền vững hệ thống đô thị Việt Nam trước những cơ hội và thách thức của sự nghiệp phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay.
Nghị quyết đã tổng kết, khái quát lý luận và thực tiễn phát triển đô thị trong nước, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế; cụ thế hóa Nghị quyết Đại hội XIII trong lĩnh vực phát triển đô thị; khẳng định vai trò vị trí của đô thị trong phát triển kinh tế-xã hội và chỉ ra các định hướng, quan điểm chỉ đạo về quy hoạch, xây dựng và quản lý phát triển bền vững.
Nghị quyết đã đề ra các chỉ tiêu rất cụ thể về tỷ lệ đô thị hóa, số lượng đô thị, về quy hoạch đô thị, chương trình cải tạo chỉnh trang, các chỉ tiêu về hạ tầng đô thị ở các giai đoạn 2025 và 2030 với một số nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về thể chế, chính sách; chất lượng quy hoạch đô thị; phát triển nhà ở, hệ thống hạ tầng; hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đô thị; phát triển kinh tế khu vực đô thị...
Những giải pháp để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 06-NQ/TW
Với chức năng là cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực xây dựng, trong đó có lĩnh vực phát triển đô thị, xin Thứ trưởng cho biết những trọng tâm cần lưu ý đối với các đô thị trong triển khai thực hiện Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị? Bộ Xây dựng sẽ thực hiện những giải pháp nào để góp phần đưa Nghị quyết này đi vào cuộc sống?
Thứ trưởng Lê Quang Hùng: Trong quá trình thực hiện, các địa phương cần đánh giá đúng thực tế, đặt ra các chỉ tiêu tỷ lệ đô thị hóa phù hợp khả năng phát triển, không bắt buộc phải đạt được mức trung bình chung của cả nước là 45% vào năm 2025 và khoảng 50% vào năm 2030.
Các địa phương chú ý tập trung rà soát, xác định tiến độ lập mới hoặc điều chỉnh quy hoạch chung đô thị và phủ kín quy hoạch phân khu, làm cơ sở để triển khai quy hoạch chi tiết, các dự án phát triển hoặc cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị. Thống kê về tình trạng điều chỉnh quy hoạch, đánh giá các hệ lụy để có giải pháp xử lý, không làm gia tăng áp lực hạ tầng, ảnh hưởng đến việc cung cấp tiện ích đô thị. Tính toán nguồn lực thực hiện.
Việc cải tạo, chỉnh trang hoặc tái thiết các khu vực đô thị hiện hữu phải làm tiền đề tạo ra nguồn lực mới cho phát triển, tạo dựng các điểm nhấn kiến trúc.
Đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị, giao thông đô thị cần chú ý đến chỉ tiêu tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông, cây xanh; có tầm nhìn dài hạn về xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt...
Trong giai đoạn tới, Bộ Xây dựng sẽ tập trung hoàn thiện thể chế, quy phạm pháp luật. Xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị, tiếp tục hoàn thiện pháp luật về quy hoạch, xây dựng, nhà ở…
Tổ chức lập và trình phê duyệt quy hoạch hệ thống đô thị-nông thôn. Xây dựng chương trình quốc gia về xây dựng, cải tạo chỉnh trang tái thiết và phát triển đô thị Đồng thời đẩy mạnh đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ công tác quy hoạch, quản lý xây dựng và phát triển đô thị. Tăng cường đối thoại chính sách, diễn đàn đô thị, hợp tác quốc tế.
Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục hỗ trợ đồng hành cùng các địa phương trong triển khai thực hiện nhằm góp phần đưa Nghị quyết số 06 đi vào cuộc sống.
Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng