Ngày 11/5/2022, Báo Xây dựng tổ chức Tọa đàm “Kiểm soát nguồn vốn vào bất động sản - Chính sách và tác động” với sự tham dự của lãnh đạo các Cục, Vụ thuộc Bộ Xây dựng; các chuyên gia về kinh tế, chính sách, tín dụng ngân hàng, bất động sản; đại diện các hội, hiệp hội, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản.
Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản Bùi Xuân Dũng phát biểu tại Tọa đàm
Toạ đàm là dịp để các cơ quan quản lý Nhà nước, các chuyên gia kinh tế, các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp chia sẻ về thực trạng, chính sách cũng như những hạn chế cho vay bất động sản ảnh hưởng đến thị trường bất động sản và tác động đến tâm lý của người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.
Phát biểu tại Tọa đàm, ông Bùi Xuân Dũng - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, trong những năm qua, sự phát triển của thị trường bất động sản đã và đang góp phần thu hút các nguồn lực, tạo ra các tài sản có tính định hướng cho nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu về chỗ ở của người dân, đảm bảo an sinh xã hội, đóng góp rất lớn cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Trong năm 2021 và đầu năm 2022, nguồn cung bất động sản hạn chế và có xu hướng giảm, dẫn đến thiếu nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp. Có thể nói thị trường bất động sản liên quan mật thiết và có tác động qua lại đến các thị trường vốn như thị trường tín dụng, chứng khoán, trái phiếu, thu hồi vốn đầu tư nước ngoài. Sự phát triển của thị trường vốn sẽ góp phần phát triển thị trường bất động sản; ngược lại, thị trường bất động sản phát triển lành mạnh sẽ đảm bảo sự ổn định, an toàn cho thị trường vốn. Do đó, kiểm soát nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản là giải pháp vô cùng quan trọng, giúp thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững. Tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn cũng là giải pháp thúc đẩy, tăng cường nguồn cung cho thị trường và giảm giá bất động sản.
Tham dự Tọa đàm, ông Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ góp ý về kinh tế vĩ mô trong quá trình phát triển bất động sản Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam đang theo xu hướng của “những con hổ châu Á” đã làm trong thập niên 1980 - 1990, đó là phát triển bất động sản đi trước. Vốn FDI và các thành phần kinh tế khác tham gia thị trường bất động sản có sự thay đổi tích cực, ví dụ như sự phát triển của Tp. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Về ngân sách, nguồn thu từ bất động sản được sử dụng để phát triển xã hội.
Chia sẻ kinh nghiệm của mình, ông Nguyễn Đức Kiên cho biết trong thời gian còn công tác địa phương ông đã thấy số lượng lớn lao động có tay nghề ở tỉnh Sóc Trăng đã di chuyển lên các tỉnh công nghiệp Đông Nam Bộ, con nhỏ gửi lại ông bà chăm sóc. Thực tế này đã hình thành một “giai tầng” mới là công dân loại 3 tại các đô thị và khu công nghiệp. Đó là những người lao động nhập cư đi làm từ sáng đến tối, không có chỗ vui chơi giải trí hay nơi học tập cho con. Có thể nói, miền Tây Nam Bộ đang rơi vào vòng xoáy giảm chất lượng lao động và giảm chất lượng đời sống. Đây là những vấn đề ở tầm vĩ mô đang đặt ra.
Theo ông Nguyễn Đức Kiên, khi phát triển các khu đô thị và bất động sản, có một số yêu cầu cần phải đáp ứng. Quan trọng hàng đầu là phải bảo tồn các giá trị lịch sử - văn hóa của các khu phố cũ; tiếp đó là hình thành 4 loại hình bất động sản gồm khu đô thị cũ, chung cư các khu đô thị được xây dựng từ thời đổi mới kinh tế và các khu đô thị mới để phục vụ công nghiệp hóa, các khu đô thị từ nguốn vốn FDI và các nhà đầu tư mới, các đô thị ven đô bị xâm lấn. Đây là một trong những vấn đề nhức nhối nhất trong quá trình phát triển đô thị hiện nay ở Việt Nam.
Các chuyên gia phát biểu ý kiến tại Tọa đàm
Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp. Hồ Chí Minh cho biết, Luật Đất đai quy định, một dự án đầu tư có sử dụng đất quy mô dưới 20ha, vốn chủ sở hữu phải bằng 20% mức đầu tư; dự án quy mô trên 20ha thì vốn chủ sở hữu phải là 15%. Do đó, nguồn vốn đóng vai trò cực kỳ quan trọng cho dự án đầu tư. Các nguồn vốn để huy động rất cần thiết đối với doanh nghiệp. Trong đó, nguồn vốn vay tín dụng của ngân hàng đóng vai trò hàng đầu.
Theo ông Lê Hoàng Châu, việc siết tài chính tín dụng đối với bất động sản chắc chắn sẽ có ảnh hưởng mạnh đến hoạt động kinh doanh bất động sản. Hiện Nhà nước đã quyết định có gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng, phần lớn tập trung cho lĩnh vực kết cấu hạ tầng. Bên cạnh đó Việt Nam cũng cần tham khảo kinh nghiệm của các nước trong việc hỗ trợ tín dụng cho thị trường bất động sản, cấp tín dụng cho chủ đầu tư bất động sản, cấp tín dụng cho đối tượng người dân, các nhà đầu tư thứ cấp. Nhà nước không nên thắt chặt thị trường bất động sản, mà nên kiểm soát cho vay đối với các doanh nghiệp, đối tượng vay và sử dụng vốn vay đúng mục đích.
Toàn cảnh Tọa đàm
Tại Tọa đàm, các diễn giả cùng nhau phân tích, đưa ra kịch bản, diễn biến của chính sách với thị trường bất động sản trong thời gian tới; đề xuất, kiến nghị các giải pháp tài chính, nguồn vốn nhằm giảm thiểu mọi rủi ro, phát triển thị trường bất động sản bền vững, ổn định.