Ngày 7/4/2022, Hội đồng tư vấn Bộ Xây dựng tổ chức họp đánh giá, nghiệm thu dự án sự nghiệp kinh tế “Điều tra, khảo sát công tác lập, quản lý dự toán theo phương pháp thông thường tại các công trình dân dụng và công nghiệp ở Việt Nam hiện nay; đề xuất quy trình hướng dẫn áp dụng mô hình thông tin công trình – BIM trong công tác lập, quản lý dự toán”. Dự án do nhóm nghiên cứu thuộc trường Đại học Kiến trúc Hà Nội thực hiện. Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính Lê Đông Thành làm Chủ tịch Hội đồng.
Toàn cảnh cuộc họp
Báo cáo kết quả thực hiện dự án, TS. Đào Huy Hoàng chủ nhiệm Dự án cho biết: dự án nhằm mục đích điều tra, khảo sát và đánh giá thực trạng công tác lập, quản lý dự toán theo phương pháp truyền thống sử dụng bản vẽ thiết kế 2D tại các công trình xây dựng ở Việt Nam hiện nay; tổng quan về BIM trong các dự án xây dựng trên thế giới, những ưu thế vượt trội trong việc sử dụng BIM trong việc lập, quản lý dự toán công trình, từ đó xây dựng khung tài liệu, quy trình hướng dẫn áp dụng BIM trong công tác lập và quản lý dự toán tại các công trình dân dụng và công nghiệp ở Việt Nam.
Qua những ví dụ điển hình của việc triển khai BIM trên thế giới nói chung và trong một số dự án xây dựng tại Việt Nam nói riêng, nhóm nghiên cứu khẳng định tính cấp thiết của Dự án trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt trong công tác bóc tách khối lượng, lập dự toán tại các công trình dân dụng và công nghiệp ở Việt Nam. Những lợi thế mà BIM mang lại như bóc tách khối lượng một cách tự động, chính xác, nhanh chóng; dễ dàng quản lý khối lượng từ mô hình, khi thay đổi thiết kế thì khối lượng tự động điều chỉnh, việc này giúp tiết kiệm thời gian trong trường hợp thiết kế phải sửa đổi; tính toán chính xác được khối lượng của các cấu kiện phức tạp mà phương thức truyền thống đo bóc bằng bản vẽ 2D không làm được; qua đó có thể áp đơn giá một cách tự động hoặc xuất dữ liệu sang các phần mềm đơn giá khác, từ đó giúp nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng công trình.
Để thực hiện dự án, nhóm nghiên cứu đã áp dụng các phương pháp nghiên cứu như điều tra, khảo sát; tổng hợp, thống kê, phân tích đánh giá; tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến chuyên gia; nghiên cứu và xây dựng các chuyên đề…,qua đó, đúc rút ra một số kết luận cơ bản. Dự án cơ bản đã chứng minh được việc bóc tách khối lượng công trình theo phương pháp truyền thống sử dụng bản vẽ 2D gặp nhiều khó khăn, phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm cũng như trình độ chuyên môn của kỹ sư dự toán dẫn đến sai sót, thiếu khối lượng và đầu việc. Trên cơ sở đó, Dự án đã phân tích, chứng minh việc sử dụng Mô hình thông tin công trình BIM trong công tác bóc tách khối lượng xây dựng (còn gọi là 5D BIM) như một giải pháp cho các vấn đề của phương pháp truyền thống, giúp nâng cao độ chính xác, tiết kiệm thời gian và chi phí, dễ dàng điều chỉnh, cập nhật, quản lý khi có sự điều chỉnh về thiết kế.
Từ những kết quả nêu trên, nhóm nghiên cứu mạnh dạn đề xuất các quy trình, hướng dẫn áp dụng BIM vào công tác bóc tách khối lượng, lập và quản lý dự toán để giúp các đơn vị tư vấn thiết kế, các đơn vị liên quan khác kiểm soát được quá trình lập, quản lý dự toán trong giai đoạn thiết kế kỹ thuật của dự án để mang lại hiệu quả kinh tế cao cho chủ đầu tư, rút ngắn thời gian thiết kế, phê duyệt hồ sơ, tiết kiệm chi phí và tăng tính hiệu quả trong công tác đầu tư xây dựng.
Nhận xét về Dự án, các thành viên Hội đồng đều ghi nhận nỗ lực, tâm huyết của nhóm nghiên cứu. Nhóm đã hoàn thành đầy đủ, đạt chất lượng các nội dung công việc theo đề cương được phê duyệt. Tuy nhiên, một số nội dung nghiên cứu cần đi sâu hơn; cần bổ sung thêm tài liệu tham khảo. Theo Chủ tịch Hội đồng Lê Đông Thành, trong Dự án chưa so sánh được tính hiệu quả của quy trình mà nhóm nghiên cứu đề xuất so với phương pháp truyền thống, cụ thể là hiệu quả chi phí và thời gian, qua đó mới có thể làm nổi bật ưu điểm, tính mới trong đề xuất.
Tổng hợp các ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng, Chủ tịch Hội đồng Lê Đông Thành đề nghị nhóm tiếp thu, hoàn thiện các sản phẩm của Dự án trong vòng một tháng để trình Bộ Xây dựng xem xét.
Hội đồng tư vấn Bộ Xây dựng nhất trí nghiệm thu Dự án sự nghiệp kinh tế do nhóm nghiên cứu trường Đại học Kiến trúc Hà Nội thực hiện, với kết quả xếp loại Khá.