Ngày 6/4/2022, Hội đồng tư vấn Bộ Xây dựng họp đánh giá, nghiệm thu đề tài khoa học và công nghệ “Nghiên cứu tính toán, thiết kế và cải tạo máy ép ngói 22 viên/m2 tự động dạng hai khuôn sử dụng cơ cấu cam ép với năng suất 32 viên / phút”, mã số RD 22-20, do trường Đại học Xây dựng chủ trì thực hiện. Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng Nguyễn Văn Bắc làm Chủ tịch Hội đồng.
Toàn cảnh cuộc họp
Trình bày về tính cấp thiết, nội dung nghiên cứu của đề tài, TS. Ngô Thanh Long chủ nhiệm đề tài cho biết: trong dây chuyền sản xuất ngói tự động, máy ép tạo hình ngói có vai trò quan trọng hơn cả, ảnh hưởng tới năng suất, độ chính xác và độ bền của ngói. Máy ép ngói tự động trong dây chuyền sản xuất ngói của các hãng trên thế giới như HANDLE GmbH (Đức), Bongioanni (Ý), Rieter (Thụy Sĩ) có giá thành rất cao. Hơn nữa, chu trình ép của trục cam với điều kiện vật liệu của Việt Nam, trục cam và khuôn chóng mòn dẫn đến thay thế tốn kém, năng suất của các doanh nghiệp sản xuất trong nước cũng chịu ảnh hưởng. Hiện đã có một số đơn vị trong nước bắt đầu nghiên cứu thiết kế, chế tạo thử máy ép gạch tự động theo các mẫu nhập khẩu. Tuy nhiên, do chưa có nghiên cứu nào về máy ép ngói tự động nên việc thiết kế, chế tạo còn nhiều khó khăn, chi phí lớn; năng suất làm việc của máy chưa cao, máy làm việc không phù hợp yêu cầu công nghệ sản xuất ngói của Việt Nam. Do đó, việc thực hiện đề tài này là rất cần thiết, nhằm: nghiên cứu tính toán, thiết kế máy ép ngói 22 viên/m2 tự động dạng hai khuôn với 6 mặt ép, lực ép tới 120 tấn, sử dụng cơ cấu cam ép có năng suất 32 viên /phút; nghiên cứu cải tạo trục cam của máy ép phù hợp điều kiện sản xuất ngói và công nghệ chế tạo trong nước.
Trong quá trình thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã phối hợp với công ty CP cơ khí Tiến Mạnh để chế tạo, thử nghiệm và ứng dụng các kết quả nghiên cứu. Bộ hồ sơ thiết kế và quy trình công nghệ chế tạo máy ép ngói tự động đã được công ty Tiến Mạnh đánh giá cao về khả năng áp dụng trong thực tế, phù hợp với điều kiện sản xuất của công ty nói riêng và điều kiện công nghệ Việt Nam nói chung. Nhóm cũng xây dựng được quy trình lắp ráp, bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị.
Tại cuộc họp, Hội đồng Tư vấn Bộ Xây dựng đánh giá cao nỗ lực của nhóm nghiên cứu để thực hiện khối lượng công việc rất lớn theo nhiệm vụ đề ra. Theo Hội đồng, nhóm đã hoàn thành đầy đủ, có chất lượng các nội dung đăng ký. Bên cạnh đó, các thành viên Hội đồng cũng đóng góp nhiều ý kiến chuyên môn nhằm giúp nhóm nghiên cứu hoàn thiện báo cáo tổng kết, nâng cao tính thuyết phục của kết quả nghiên cứu tính toán và tính ứng dụng thực tiễn của đề tài.
Hội đồng Tư vấn Bộ Xây dựng nhất trí nghiệm thu đề tài do nhóm nghiên cứu thuộc trường Đại học Xây dựng Hà Nội thực hiện, với kết quả xếp loại Xuất sắc.