TS. Lê Quang Hùng – Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam phát biểu chào mừng Hội thảo “Đô thị công nghiệp gắn với nhà ở công nhân”.
Nhằm tìm lời giải cho vấn đề nhà ở công nhân trong khu công nghiệp, ngày 31/12/2021, Bộ Xây dựng, Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam và Tổng hội Xây dựng Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo “Đô thị công nghiệp gắn với nhà ở công nhân”.
Hội thảo tập trung nêu rõ thực trạng quá trình quy hoạch, đầu tư và phát triển khu công nghiệp gắn với quá trình phát triển đô thị, kinh tế xã hội của khu vực, của địa phương; thực trạng về công tác quản lý, tổ chức đời sống tinh thần, vật chất của công nhân tại các khu công nghiệp ở nước ta hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid đang lan rộng, tác động mạnh mẽ đến đời sống của những người công nhân. Đồng thời giới thiệu một số mô hình quy hoạch phát triển đô thị công nghiệp gắn với quản lý, tổ chức đời sống công nhân của các nước trên thế giới, đề xuất một số giải pháp quy hoạch phát triển công nghiệp, gắn với đô thị công nghiệp và quản lý, tổ chức đời sống của công nhân.
Hội thảo có sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý thuộc các lĩnh vực công nghiệp, đô thị, kinh tế, xã hội... đến từ các Ban, Bộ ngành, địa phương, viện nghiên cứu, trường đại học và các chuyên gia quốc tế.
Mặc dù, Nhà nước đã có hàng loạt cơ chế, chính sách phát triển nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp nhằm đảm bảo đời sống vật chất và tinh thần cho đội ngũ công nhân. Tuy nhiên, nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở công nhân chưa đáp ứng được nhu cầu. Tính đến thời điểm cuối tháng 9/2021, trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 266 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, nhà ở cho công nhân quy mô xây dựng khoảng hơn 142.000 căn, với tổng diện tích hơn 7.100.000m2 (đạt khoảng 56,8% so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 mặc dù đã gần hết năm 2021).
Đại dịch Covid 19 trong lần bùng phát thứ 4 đã tấn công mạnh mẽ vào các vùng kinh tế, thành phố trọng điểm công nghiệp của đất nước làm hàng loạt nhà máy phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng trong điều kiện phòng dịch nghiêm ngặt. Hình ảnh hàng chục ngàn công nhân và gia đình họ phải tháo chạy khỏi các khu công nghiệp để trở về quê, hoặc buộc phải ở trong các túp lều “thời chiến” để thực hiện “3 tại chỗ” cho thấy những bất cập và tồn tại trong chính sách và thực hiện chính sách phát triển khu công nghiệp liên quan đến đảm bảo đời sống công nhân, xa hơn nữa là việc giải bài toán đảm bảo sự đồng bộ giữa phát triển công nghiệp và đô thị, giữa phát triển kinh tế và đảm bảo chất lượng sống cho người dân.
Các đại biểu tham dự hội thảo.
Theo nhiều nghiên cứu, hiện tại các khu công nghiệp, khu kinh tế việc đầu tư phát triển các khu công nghiệp chưa tính hết các điều kiện về cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội ngoài hàng rào, trong đó có việc xây dựng nhà ở cho người lao động ngoại tỉnh làm việc tại các khu công nghiệp, bảo đảm hoạt động của các khu công nghiệp. Trong khi đó, tỷ lệ lao động nhập cư hiện nay ở các khu công nghiệp khoảng trên 50%, địa phương có tỷ lệ lao động nhập cư cao như Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, lao động ngoại tỉnh chiếm tới 70%. Chính vì vậy, nhu cầu về nhà ở của người lao động rất lớn và bức xúc. Tại các khu công nghiệp, mới có khoảng 30% số lao động có chỗ ở ổn định, số còn lại phải tự thu xếp, thuê trọ rải rác với điều kiện sống tạm bợ, hết sức khó khăn, thiếu những điều kiện sinh hoạt tối thiểu.
KTS. Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng: Sự phát triển quá nhanh có phần thiếu kiểm soát về quy mô, ranh giới đô thị khiến cho cấu trúc đô thị có phần bất ổn. Nhiều khu vực trước đây được xác định thuộc ngoại vi như các khu công nghiệp, khu xử lý chất thải, nghĩa trang, tuyến đường sắt và nhà ga đường sắt… nay bị bao vây bởi các khu đô thị mới.
Tại nhiều đô thị có các khu công nghiệp phát triển ở khu vực ven đô thì hệ thống nhà ở công nhân thiếu tiện ích đô thị, hạ tầng xã hội vì nằm xa các trung tâm đô thị. Phần lớn quy hoạch không gian và thiết kế công trình, lựa chọn vị trí xây dựng nhà ở cho công nhân không phù hợp và có rất ít nhà đầu tư bất động sản quan tâm.
Quỹ đất 20% để thực hiện xây nhà ở xã hội hay nhà lưu trú cho công nhân nhiều nơi không có hoặc không được triển khai. Bộ Xây dựng đã có văn bản chỉ đạo đến các địa phương khi lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, phải bố trí diện tích đất phù hợp trên địa bàn để xây dựng nhà công nhân, đảm bảo đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để phục vụ công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp.
Sự thiếu hụt các dịch vụ cho người lao động, như phúc lợi xã hội, nhà ở cho công nhân, dịch vụ đào tạo, thiếu các hoạt động vui chơi giải trí hay trường mẫu giáo cho con em công nhân…, dẫn đến tình trạng nhiều khu công nghiệp chưa thu hút được lao động vào làm việc.
Cần xây dựng quy hoạch khu công nghiệp phải đồng bộ với phát triển đô thị, dịch vụ, phân bố dân cư và nhà ở trong một phương án tổng thể, thống nhất, làm cơ sở cho việc thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng trên cơ sở lợi thế, điều kiện và khả năng thực hiện. Trong quy hoạch khu công nghiệp, khu chế xuất phải bố trí đất làm nhà ở cho công nhân thuê (bảo đảm đáp ứng tối thiểu 50% số lượng công nhân có nhu cầu về nhà ở) có hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
Bên cạnh đó, cần rà soát, bổ sung, sửa đổi các cơ chế, chính sách chưa phù hợp về đất đai, vốn, quy hoạch, phát triển hạ tầng đồng bộ..., nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp tích cực tham gia vào dự án phát triển nhà ở cho công nhân với giá phù hợp... Nhà nước cần hỗ trợ tiền sử dụng đất, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình xây dựng nhà ở đạt tiêu chuẩn cho công nhân lao động thuê trọ. Nới lỏng quy định về tỷ lệ dành 20% quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội như hiện nay.
Để thu hút công nhân lao động được tiếp cận với nhà ở xã hội, cần nâng cao chất lượng nhà ở xã hội, có cơ cấu sản phẩm nhà cho thuê phù hợp với nhu cầu của người lao động. Đồng thời, quy hoạch phát triển khu công nghiệp phải gắn kết với khu đô thị có đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và nhà ở cho công nhân. Bảo đảm các điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, thiết yếu về giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa trong các dự án xây dựng nhà ở xã hội ở đô thị và khu công nghiệp.
Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về Quy hoạch xây dựng khu công nghiệp theo hướng phát triển bền vững, hội nhập quốc tế trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, bổ sung hướng dẫn quy hoạch thiết kế bền vững về quy hoạch xây dựng khu công nghiệp trong các đồ án quy hoạch vùng, quy hoạch khu chức năng, quy hoạch đô thị, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết 1/500 theo mô hình công nghiệp sinh thái, công nghiệp mới. Có chính sách khuyến khích các chủ đầu tư tham gia đầu tư hạ tầng xã hội cho người lao động trong khu công nghiệp.
Bên cạnh đó, PGS.TS. Lưu Đức Hải - Viện trưởng Viện nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng trình bày tham luận “Đô thị hóa, công nghiệp hóa và vấn đề nhà ở công nhân”.
Theo đó, đô thị hóa ở Việt Nam, quy mô dân số được tính bằng tỷ lệ phần trăm của số dân nội thị, trên tổng số dân của toàn đô thị, hoặc tỷ lệ phần trăm dân số đô thị trên tổng số dân của một đơn vị lãnh thổ. Quy mô diện tích được tính bằng tỷ lệ phần trăm của diện tích nội thị, trên tổng diện tích của toàn đô thị.
Ở Việt Nam, sự gia tăng dân số đô thị và diện tích đô thị thường diễn ra tại các đô thị lớn, phù hợp với quy luật chung của các đô thị trên thế giới là dân số đô thị không ngừng gia tăng.
Quá trình đô thị hóa có tác động rất lớn đến các khu vực phát triển các ngành công nghiệp, khu công nghiệp và cụm công nghiệp. Đô thị hóa nhanh đã tác động làm gia tăng dân số ở khu vực đô thị. Dân số khu vực đô thị năm 2020 ở Việt Nam là 35.932.700 người, chiếm 36,82%.
Về đô thị công nghiệp ở Việt Nam, tính đến tháng 12/2020 cả nước có 862 đô thị, bao gồm 2 đô thị loại đặc biệt đó là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, 23 đô thị loại I, 31 đô thị loại II, 48 đô thị loại III, 90 đô thị loại IV và 668 đô thị loại V.
Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ gồm các khu chức năng: Khu công nghiệp là khu chức năng chính; khu đô thị - dịch vụ có chức năng hỗ trợ, cung cấp các dịch vụ tiện ích xã hội cho khu công nghiệp (có thể bao gồm các phân khu chức năng như: Nhà ở, bệnh viện, trường học, trung tâm nghiên cứu và phát triển…
Toàn cảnh Hội thảo.
Phát triển khu công nghiệp tạo ra một kênh thu hút lao động rất có tiềm năng và hiệu quả, góp phần quan trọng giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ (kể cả số lao động của những hộ gia đình bị thu hồi đất) và lao động nhập cư, phát triển kinh tế địa phương, tăng nguồn thu cho ngân sách. Những năm gần đây, lực lượng lao động trong khu công nghiệp gia tăng mạnh mẽ gắn liền với sự gia tăng của các khu công nghiệp thành lập mới và mở rộng, các dự án hoạt động trong khu công nghiệp.
Khu công nghiệp thế hệ mới là sự phát triển tất yếu ở Việt Nam trong giai đoạn mới. Mô hình khu công nghiệp thế hệ mới này sẽ giải quyết một cách đồng bộ ba hoạt động cơ bản của con người là “sống”, “làm việc” và “nghỉ ngơi, giải trí”. Khi đó, khu công nghiệp và khu nhà công nhân sẽ là một tổng thể hữu cơ gắn kết chặt chẽ trong cấu trúc phát triển chung của đô thị và nông thôn.