Tiếp tục chương trình kiểm tra các dự án trọng điểm phía Nam, ngày 25/11, Hội đồng kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng (Hội đồng) đã đi kiểm tra dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Phan Thiết - Dầu Giây và đoạn Vĩnh Hảo – Phan Thiết.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng – Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng kiểm tra thực tế tại 1 mỏ đá phục vụ cho tuyến cao tốc.
Cũng như các dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận và cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ mà Đoàn đã kiểm tra trước đó, 2 dự án thành phần này cũng có nhiều khó khăn vướng mắc về mặt bằng, hay hạ tầng điện, nhưng về cơ bản đều có chung 1 khó khăn giống nhau.
Theo Ban Quản lý dự án 7 – Bộ Giao thông vận tải (Ban 7), trong quá trình triển khai thi công dự án có một số nội dung điều chỉnh, phát sinh lớn dẫn đến chậm tiến độ thi công và phát sinh chi phí xây dựng công trình, cụ thể, do nguồn vật liệu đất đắp nền khan hiếm, Ban 7 đã có báo cáo và được Bộ Giao thông vận tải chấp thuận tận dụng nguồn đá từ đào nền xay nghiền để đắp nền đường thay thế đất đắp. Mặc dù giảm được chi phí đổ thải đá, mua đất nhưng tăng chi phí cho công tác xay nghiền đá và thi công lu lèn nền.
Hội đồng kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng kiểm tra tại công trường thi công tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết.
Theo thiết kế kỹ thuật, chiều dày tầng phủ của các đồi có chiều dày từ 3 - 5m, được tận dụng 80% khối lượng đất đào để đắp nền, tuy nhiên, trong quá trình thi công thì chiều dày tầng phủ giảm nhiều so với dự kiến (gặp đá sớm), đất tầng phủ lẫn nhiều đá không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật để đắp nền. Phát sinh tăng chi phí đào đá, đổ thải và mua đất để thay thế do giảm khối lượng đất tận dụng.
Bên cạnh đó, điều chỉnh quy mô cầu vượt ĐT711 với bề rộng cầu từ 6,5/7,5m thành 11/12m theo đề nghị của UBND tỉnh Bình Thuận đã được Bộ Giao thông vận tải chấp thuận. Ngoài ra, còn phát sinh tăng bổ sung đường gom dân sinh (7,73km) và hệ thống tuynel kỹ thuật theo đề nghị của UBND tỉnh Bình Thuận đã được Bộ Giao thông vận tải chấp thuận.
Đặc biệt, cả 2 Ban Quản lý dự án là Ban 7 và Ban Quản lý dự án Thăng Long đều cho rằng từ khi bắt đầu thi công, nhiều loại vật liệu chính đã tăng giá đột biến như thép, cát đất đắp các loại, thực tế các nhà thầu đang phải bù lỗ để triển khai thi công, cụ thể đối với một số vật liệu thi công chính như thép có giá mua thực tế trên thị trường hiện nay cao hơn khoảng 50% so với thời điểm các nhà thầu tham dự đấu thầu; Vật liệu cấp phối đá dăm, đá BTXM, đá BTN: Do đặc thù địa chất trong khu vực không đồng nhất, yêu cầu kỹ thuật của dự án cao (về thành phần hạt, hàm lượng thoi dẹt) nên các chủ mỏ phải lựa chọn nguồn đá gốc và đầu tư cải tiến công nghệ sản xuất dẫn đến tăng giá so với thông báo giá của địa phương. Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên chi phí thuê nhân công tăng cao đột biến (tăng gấp đôi).
Đoàn lưu ý các chủ đầu tư cần kiểm soát chặt chất lượng vì khối lượng rất lớn.
Trước thực tế đó, các nhà thầu đang kiến nghị tính toán chỉ số điều chỉnh giá riêng để áp dụng cho dự án, kiến nghị Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng làm việc với địa phương để tính toán chỉ số Pn riêng phù hợp với thực tế triển khai dự án.
Ngoài ra, do đặc thù địa chất trong khu vực không đồng nhất, để đảm bảo độ dính bám đá và nhựa đường tuân thủ theo yêu cầu kỹ thuật, kiến nghị Hội đồng xem xét có ý kiến về việc cho phép sử dụng phụ gia để tăng độ dính bám.
Trước tình hình đó, Hội đồng kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng đã thực địa tại các khu mỏ đất, đá phục vụ cho công trình để xem xét, qua quá trình khảo sát Hội đồng nhận thấy các đề xuất, kiến nghị của 02 Ban Quản lý là có cơ sở. Do đó, Hội đồng đề nghị các đơn vị cần liên hệ với các cơ quan quản lý Nhà nước để được hướng dẫn cụ thể.
Để đảm bảo chất lượng cho công trình khi đưa vào sử dụng, ông Ngô Lâm – Phó Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Bộ Xây dựng đề nghị chủ đầu tư cần tăng cường công tác kiểm soát chất lượng cấp phối đá dăm, cũng như phải sớm triển khai công tác kiểm định chất lượng độc lập để kiểm soát chất lượng trong quá trình thi công. Theo ông Ngô Lâm, công tác đó là rất quan trọng nên chủ đầu tư phải triển khai ngay.
Cũng liên quan đến chất lượng công trình, Hội đồng lưu ý các chủ đầu tư cần kiểm soát chặt chất lượng vì khối lượng rất lớn. Về vấn đề chỉ số giá xây dựng, Hội đồng đề nghị các Sở Xây dựng có dự án đi qua cần kịp thời điều chỉnh lại chỉ số giá cho sát với thị trường nhằm áp dụng điều chỉnh giá cho các hợp đồng thi công xây lắp. “Liên quan đến chỉ số giá, hay vấn đề về công bố giá có phù hợp hay không phù hợp những cái này tới đây sẽ có chỉ đạo chung cho cả tuyến”, Hội đồng cho biết.
Đối với các kiến nghị khác, Hội đồng cũng cho biết sẽ có kiến nghị lên các cơ quan có thẩm quyền xem xét.
Đoàn đang nghe chủ đầu tư báo cáo.
Dự án thành phần đoạn Phan Thiết - Dầu Giây do Ban Quản lý dự án Thăng Long thay mặt chủ đầu tư, có chiều dài 99km đường cao tốc và 2,35km đường nối với Quốc lộ 1, dự án có tổng số 65 cầu, trong đó 18 cầu trên đường cao tốc, 47 cầu vượt trực thông và nút giao. Dự án thiết kế đạt tiêu chuẩn đường cao tốc vận tốc thiết kế 120km/h có quy mô (giai đoạn hoàn chỉnh) 6 làn xe, bề rộng mặt đường 32,25m, trong đó, giai đoạn 1 là 4 làn xe với bề rộng mặt đường 25m, tổng mức đầu tư trên 12.500 tỷ đồng. Dự án đi qua 2 huyện tỉnh Bình Thuận, 3 huyện và thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Dự án thành phần đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết do Ban Quản lý dự án 7 làm chủ đầu tư đi qua địa phận Bình Thuận dài 101km có điểm đầu tại phía trước nút giao Vĩnh Hảo, thuộc địa phận xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận (trùng với điểm cuối dự án đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo); điểm cuối giao với Quốc lộ 1 đi Mỹ Thạnh thuộc xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận (trùng với điểm đầu dự án thành phần đoạn Phan Thiết - Dầu Giây).
Giai đoạn 1, đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết xây dựng 4 làn xe, bề rộng mặt đường 17m, vận tốc thiết kế 80km/h, tổng mức đầu tư 10.853 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng và thiết bị 7.210 tỷ đồng. Giai đoạn hoàn chỉnh sẽ đầu tư thành 6 làn xe, bề rộng mặt đường 32,25m, vận tốc thiết kế 120km/h.