Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh phát biểu khai mạc Hội thảo và chỉ đạo.
Phát biểu và chỉ đạo tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh nhận định: Thời gian vừa qua, với sự xuất hiện của đại dịch Covid-19, cùng với những vấn đề toàn cầu khó đoán định đã dẫn đến sự giảm tốc của kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng trong giai đoạn 2019–2021. Và thị trường bất động sản của Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật đó. Tuy nhiên, nếu dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt thì thanh khoản bất động sản sẽ tăng trở lại, kéo theo giá cả có thể sẽ tăng nhẹ do nguồn cung còn hạn chế mà nhu cầu nhà ở vẫn cao, giá nguyên vật liệu, nhân công… tăng.
Bên cạnh những thiệt hại to lớn, đại dịch toàn cầu Covid-19 vô hình trung cũng tạo sức ép thúc đẩy công nghệ số, kinh tế số, xã hội số; thúc đẩy xu hướng sống xanh, đô thị thông minh, thậm chí là tòa nhà thông minh, căn hộ thông minh, thích ứng với dịch bệnh; cũng như thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Vì vậy, để có thể đứng vững, đồng thời nắm bắt cơ hội, tạo sự đột phá trong phát triển, doanh nghiệp một mặt cần chủ động tái cơ cấu, mặt khác cần nhạy bén, linh hoạt chuyển hướng chiến lược, để không những thích ứng với tình hình mới mà còn nắm bắt cơ hội và tạo ra cơ hội cho chính mình.
Thời đại ngày nay, cơ hội chỉ dành cho những doanh nghiệp kinh doanh có trách nhiệm, liêm chính, tạo ra những sản phẩm chất lượng, đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu của khách hàng... Và, thành công chỉ dành cho những tư duy nhạy bén trong thời đại cạnh tranh bằng tốc độ.
Toàn cảnh Hội thảo.
Năm 2021, sự bùng phát trở lại của dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường bất động sản cả nước, đặc biệt là tại Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Đã khiến cho nguồn cung bất động sản mới (chỉ bằng khoảng 50% so với cùng kỳ năm 2020). Đối với dự án phát triển nhà ở thương mại: có 201 dự án với 84.544 căn được cấp phép, có 125 dự án với 15.525 căn hoàn thành. Cụ thể: Tại miền Bắc có 84 dự án với 33.857 căn được cấp phép; 83 dự án với 10.347 căn hoàn thành; Tại miền Trung có 46 dự án với 10.508 căn được cấp phép; 20 dự án với 3.638 căn hoàn thành; Tại miền Nam có 71 dự án với 40.179 căn được cấp phép; 35 dự án với 1540 căn hoàn thành.
Đối với dự án nhà ở xã hội, trên cả nước có 06 dự án với 2.402 căn được cấp phép mới; 11 dự án với 1.352 căn hoàn thành; Đối với dự án du lịch nghỉ dưỡng và văn phòng kết hợp lưu trú: Trên cả nước có 46 dự án mới với 10.009 căn hộ du lịch, 2.112 biệt thự du lịch được cấp phép; có 12 dự án với 165 căn văn phòng kết hợp lưu trú hoàn thành.
Về số lượng dự án và căn hộ thương mại đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai (tương đương so với cùng kỳ năm 2020): Trên cả nước có 254 dự án với 82.258 căn được các Sở Xây dựng có văn bản thông báo đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai, cụ thể: Tại miền Bắc có 167 dự án với 37.244 căn, miền Trung có 61 dự án với 19.629 căn, miền Nam có 60 dự án với 25.385 căn; Riêng tại Hà Nội có 19 dự án với 10.791 căn, tại Thành phố Hồ Chí Minh có 13 dự án với 6.803 căn nhà.
Về lượng giao dịch bất động sản (bằng khoảng 80% so với cùng kỳ năm 2020)
Trên cả nước có 66.950 giao dịch thành công, cụ thể, tại miền Bắc có 23.621 giao dịch, tại miền Trung có 18.399 giao dịch, tại miền Nam có 24.930 giao dịch; riêng tại tại Hà Nội có 8.410 giao dịch thành công, tại Thành phố Hồ Chí Minh có 6.803 giao dịch thành công.
Về giá giao dịch bất động sản (tăng mạnh và có hiện tượng sốt giá cục bộ tại một số khu vực, phân khúc bất động sản). Tại thời điểm cuối quý I đầu quý II đã xảy ra hiện tượng tăng giá, thậm chí “sốt giá” tại một số phân khúc bất động sản, cụ thể:
Giá giao dịch căn hộ chung cư ở nhiều dự án, đặc biệt tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đều tăng khoảng 5-7%.
Giá giao dịch nhà ở riêng lẻ trong các dự án tại nhiều địa phương tăng bình quân khoảng 8-10%, tích lũy cả hai quý, giá nhà ở riêng lẻ tại nhiều địa phương có mức tăng khoảng 15 – 20% so với mức quý IV/2020. Tuy nhiên, sau đó hiện tượng tăng giá đất nền nóng cục bộ cũng nhanh chóng hạ nhiệt sau khi Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có các văn bản chỉ đạo để chính quyền địa phương kịp thời đưa ra các thông báo cảnh báo cũng như công khai các thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá đất trên địa bàn như: Thông tin quy hoạch sân bay Tec-nich tại Bình Phước, quy hoạch hành chính huyện Thủy Nguyên tại Hải Phòng, điều chỉnh bảng giá đất tại Đà Nẵng…
Nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở công nhân chưa đáp ứng được nhu cầu. Tính đến thời điểm cuối tháng 9/2021, trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 266 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, nhà ở cho công nhân quy mô xây dựng khoảng hơn 142.000 căn, với tổng diện tích hơn 7.100.000m2 (đạt khoảng 56,8 % so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 mặc dù đã gần hết năm 2021).
Tiến độ cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ tại các địa phương còn rất chậm. Theo báo cáo của các địa phương, hiện nay tại các đô thị trên cả nước vẫn còn khoảng 2.500 khối nhà chung cư cũ được xây dựng từ trước năm 1994 (tương đương khoảng hơn 3 triệu m² sàn) với hơn 100 nghìn hộ dân đang sinh sống, chủ yếu tập trung tại một số địa phương như: Hà Nội có 1.579 nhà chung cư, Thành phố Hồ Chí Minh có 575 nhà chung cư, Hải Phòng có 205 nhà chung cư, Quảng Ninh có 60 nhà chung cư, Phú Thọ có 23 nhà chung cư, Nghệ An có 22 nhà chung cư, Thanh Hóa có 17 nhà chung cư, Cần Thơ có 10 nhà chung cư.
Giá bất động sản liên tục tăng, giá nhà ở đặc biệt là tại khu vực đô thị quá cao so với mặt bằng thu nhập chung của người dân. Giá bất động sản một số khu vực, một số phân khúc đặc biệt là đất nền tăng nhanh trong thời gian ngắn do xuất hiện các thông tin chưa rõ ràng về quy hoạch hành chính từ huyện, thị xã lên quận, thành phố; về chủ trương đầu tư xây dựng các khu đô thị, khu du lịch mới, đầu tư xây dựng sân bay, dẫn đến giới đầu cơ, môi giới lợi dụng để thổi giá thu lợi. Các dự án bất động sản còn nhiều thiếu sót, chưa hoàn thiện về hồ sơ, trình tự thủ tục pháp lý. Điều này dẫn đến chưa đủ cơ sở pháp lý để các cơ quan quản lý nhà nước phê duyệt theo thẩm quyền.
Hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản còn tồn tại nhiều bất cập, khiến công tác quản lý Nhà nước về giao dịch bất động sản gặp rất nhiều khó khăn, cụ thể là: Chưa hình thành được hệ thống giao dịch được kiểm soát, đảm bảo tính pháp lý trong giao dịch bất động sản, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; Còn có hiện tượng các sàn giao dịch BĐS câu kết với nhau “ôm hàng”, “làm giá”, “tạo sóng”, “thổi giá”, gây “sốt ảo” ăn chênh lệch làm nhiễu loạn thị trường bất động sản.
Đội ngũ làm môi giới bất động sản còn yếu về chuyên môn, hiểu biết pháp luật hạn chế, chưa có tính chuyên nghiệp, yếu kém về đạo đức kinh doanh dẫn đến tình trạng làm ăn “chụp giật”, không chịu trách nhiệm, gây thiệt hại cho khách hàng; không ít những người hoạt động môi giới tự do, không có chứng chỉ môi giới bất động sản.
Thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu tính minh bạch, dẫn đến tình trạng thông qua các dự án bất động sản, nhà ở chưa đủ cơ sở pháp lý, điều kiện huy động vốn hoặc dự án không có thật (dự án ma) để lừa đảo, chiếm dụng tiền huy động của người mua; hay việc lợi dụng các thông tin về quy hoạch, về nâng cấp đô thị, cấp hành chính để thối giá, gây sốt ảo bất động sản.
Nguồn lực tài chính cho đầu tư các dự án bất động sản chưa đa dạng và bền vững, chủ yếu vẫn phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng và tiền ứng trước của khách hàng, các gói hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Chưa nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thực hiện huy động vốn thông qua chứng khoán, trái phiếu (một số doanh nghiệp huy động trái phiếu với lãi suất cao, tiềm ẩn rủi ro trong thanh toán). Để giải quyết các khó khăn của thị trường bất động sản, trước mắt rất cần sự chung sức của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, hiệp hội trong việc phục hồi, sản xuất, kinh doanh.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh đánh giá cao Hiệp hội bất động sản Việt Nam đã tổ chức Hội thảo một số kiến nghị và giải pháp tháo gỡ khó khăn để phục hồi thị trường bất động sản, nhằm cụ thể hóa chủ trương của Chính phủ, cũng như góp phần cùng Bộ Xây dựng hoàn thành nhiệm vụ được Chính phủ giao.
Thứ trưởng cũng đề nghị, đại diện các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học tích cực tham gia ý kiến tập trung vào đánh giá, nhận định những khó khăn, thách thức và cơ hội của tình hình thị trường bất động sản trong tình hình hiện nay, từ đó đề xuất, kiến nghị các giải pháp mang tính đột phá nhằm khôi phục, phát triển ổn định thị trường bất động sản, góp phần quan trọng vào ổn định kinh tế đất nước. Đây sẽ là những đóng góp quan trọng, để Bộ Xây dựng tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình xây dựng và hoàn thiện chính sách về nhà ở và thị trường bất động sản.