Nghiệm thu đề tài “Xây dựng quy chế thu gom, vận chuyển, tái chế và xử lý phế thải xây dựng”

Thứ năm, 15/05/2014 15:35
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 14/5/2014 tại trụ sở cơ quan Bộ Xây dựng, Hội đồng KHKT chuyên ngành Bộ Xây dựng dưới sự chủ trì của PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến – Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật Bộ Xây dựng – Chủ tịch Hội đồng đã tổ chức nghiệm thu các kết quả nghiên cứu của Đề tài “Xây dựng quy chế thu gom, vận chuyển, tái chế và xử lý phế thải xây dựng” do Viện Môi trường Đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam thuộc Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam thực hiện.

Báo cáo với Hội đồng nghiệm thu về các nội dung của Đề tài, Chủ nhiệm Đề tài –GS.TS Nguyễn Thị Kim Thái – Phó Viện trưởng Viện Môi trường Đô thị và Khu Công nghiệp Việt Nam cho biết, thực hiện nhiệm vụ KHCN do Bộ Xây dựng giao, nhóm nghiên cứu của Viện đã tiến hành khảo sát, cập nhật thông tin về công tác thu gom, vận chuyển, tái chế và xử lý phế thải xây dựng tại một số đô thị điển hình, gồm đô thị loại đặc biệt (Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh), đô thị loại I (Huế, Cần Thơ, Đà Nẵng, Quy Nhơn), đô thị loại II (Hạ Long), đô thị loại III (Bắc Ninh); nghiên cứu tổng quan các quy định áp dụng cho công tác thu gom, vận chuyển, tái chế và xử lý phế thải xây dựng của một số nước trên thế giới; xây dựng dự thảo “Quy chế thu gom, vận chuyển, tái chế và xử lý phế thải xây dựng” đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường của Việt Nam. Nhóm nghiên cứu đã sử dụng các phương pháp nghiên cứu kế thừa kinh nghiệm xây dựng tiêu chuẩn Việt Nam về quản lý chất thải rắn, điều tra thu thập số liệu, phân tích kinh nghiệm của nước ngoài và lựa chọn những kinh nghiệm phù hợp với điều kiện Việt Nam, khảo sát thực tiễn tại các đô thị trong phạm vi nghiên cứu và tổ chức các hội thảo lấy ý kiến chuyên gia. Sản phẩm của Đề tài bao gồm 01 báo cáo tổng hợp và 01 Dự thảo “Quy chế thu gom, vận chuyển, tái chế và xử lý phế thải xây dựng”.

Về các nội dung cụ thể của Đề tài, GS.TS Nguyễn Thị Minh Thái đã trình bày chi tiết của báo cáo tổng hợp cũng như Dự thảo Quy chế. Theo đó, báo cáo tổng hợp của Đề tài gồm 04 chương: Tổng quan về phế thải xây dựng, tình hình nghiên cứu về phế thải xây dựng trong nước và quốc tế; Đánh giá hiện trạng quản lý phế thải xây dựng tại một số đô thị điển hình của Việt Nam; Phương pháp luận xây dựng Quy chế; thuyết minh Dự thảo quy chế.

Qua các kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu cho thấy, nguồn phát sinh phế thải xây dựng chủ yếu từ các hoạt động đào đất, phá dỡ công trình xây dựng, giải phóng mặt bằng; khối lượng và thành phần vật lý của phế thải xây dựng của các đô thị nghiên cứu có sự khác nhau tương ứng với mức độ phát triển khác nhau của các loại đô thị; Hầu hết các đô thị của Việt Nam chưa quy hoạch và xây dựng các trạm trung chuyển, xử lý và đổ phế thải xây dựng; chỉ có một số lượng nhỏ phế thải xây dựng được tái sử dụng để san lấp ao, hồ hoặc chỗ đất trũng, cũng như tái chế thành vật liệu chất lượng thấp, còn lại một lượng lớn phế thải xây dựng bị đổ trộm, đồ bừa bãi ra các khu đất trống trên địa bàn đô thị; Trừ một số đô thị lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng có các bãi đổ phế thải xây dựng, hầu hết các đô thị còn lại không có bãi chôn lấp hợp vệ sinh dành riêng cho phế thải xây dựng; đặc biệt, điều quan trọng là hiện nay, Việt Nam chưa có văn bản pháp lý nào quy định riêng đối với phế thải xây dựng.

Qua đó cho thấy, việc xây dựng và ban hành quy chế quản lý phế thải xây dựng phù hợp với từng địa phương, trên cơ sở quy định chung của Nhà nước là những nhu cầu cấp thiết trong công tác quản lý phế thải xây dựng tại các đô thị của Việt Nam.

Dựa vào các kết quả nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đã dự thảo “Quy chế thu gom, vận chuyển, tái chế và xử lý phế thải xây dựng” theo các nguyên tắc: dựa trên các chuẩn cứ khoa học về bảo vệ môi trường; tận thu tối đa nguyên vật liệu từ phế thải xây dựng; đưa ra các quy định không quá khắt khe phù hợp với điều kiện thực tiễn và có tính khả thi. Bố cục của Dự thảo Quy chế gồm 10 phần, phạm vi và đổi tượng áp dụng của Quy chế bao gồm các khu vực đô thị trong cả nước liên quan tới việc phát sinh, thu gom, vận chuyển, xử lý phế thải xây dựng; Các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có các hoạt động phá dỡ công trình cũ để cải tạo mở rộng hoặc xây dựng mới các công trình, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, vận chuyển phế thải xây dựng và khai thác, kinh doanh vật liệu xây dựng ở các đô thị của Việt Nam.

Phát biểu nhận xét về các kết quả của Đề tài, các chuyên gia của Hội đồng đã đánh giá cao các sản phẩm của Đề tài, thống nhất về tính cấp thiết phải xây dựng Quy chế thu gom, vận chuyển, tái chế và xử lý phế thải xây dựng áp dụng cho các đô thị của nước ta hiện nay. Đồng thời các chuyên gia của Hội đồng cũng nhất trí đánh giá nhóm nghiên cứu đã hoàn thành đầy đủ các nội dung của Đề tài theo đề cương đã được Bộ Xây dựng phê duyệt. Bên cạnh đó, các chuyên gia phản biện và các thành viên Hội đồng cũng đóng góp một số ý kiến để nhóm nghiên cứu xem xét, điều chỉnh và hoàn thiện các sản phẩm của đề tài.

Phát biểu kết luận cuộc họp nghiệm thu, Chủ tịch Hội đồng – PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến nhất trí với các đánh giá cũng như các ý kiến đóng góp của các chuyên gia phản biện và các thành viên Hội đồng và đề nghị nhóm nghiên cứu có văn bản tiếp thu – giải trình các ý kiến của Hội đồng. Chủ tịch Hội đồng Nguyễn Hồng Tiến cũng nhận định, công trình nghiên cứu của nhóm tác giả đã đáp ứng các yêu cầu đặt ra, nghiên cứu công phu, số liệu khảo sát phong phú và có độ tin cậy, tài liệu Quy chế do nhóm nghiên cứu Dự thảo sẽ là tài liệu tốt để đưa vào các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực môi trường xây dựng mà Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu, ban hành trong thời gian tới.

Tổng hợp các kết quả cho điểm của Hội đồng, Đề tài “Xây dựng quy chế thu gom, vận chuyển, tái chế và xử lý phế thải xây dựng” đã được Hội đồng KHCN chuyên ngành Bộ Xây dựng thông qua và đạt kết quả Xuất sắc.
 

Minh Tuấn
 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)