Theo báo các của sở Xây dựng thành phố, trong năm 2013 đã hoàn thành 2 dự án và chuyển đổi 1 dự án nhà lưu trúc công nhân: Dự án tại xã Tân Nhựt huyện Bình Chánh, với diện tích trên 16.600m2 sàn xây dựng, quy mô 243 căn, đáp ứng cho khoảng gần 1460 chỗ lưu trú cho công nhân; tại dự án nhà lưu trú công nhân khu chế xuất Linh Trung II (quận Thủ Đức), có diện tích sàn xây dựng là 18.150m2, quy mô 176 phòng, đáp ứng được 2.500 chỗ lưu trú; đối với dự án được chuyển đổi đó là nhà ở cho học viên sau cai nghiện, được đầu tư từ năm 2006 sang cho công nhân Cụm công nghiệp Nhị Xuân thuê với tổng diện tích sàn xây dựng gần 13.600m2, đáp ứng khoảng 1.300 công nhân.
Như vậy, tính đến nay thành phố có tổng diện tích gần 1.492.380m2 sàn, đáp ứng cho khoảng 473.800 chỗ ở, tróng đó, nhà nước và doanh nghiệp đầu tư xây dựng 235.380m2 đáp ứng khoảng 40.400 chỗ ở, phần còn lại xã hội hoá đầu tư xây dựng từ các hộ gia đình, cá nhân.
Thăm nhà lưu trú công nhân của Sadeco trong khu chế xuất Tân Thuận, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng Sadeco đầu tư rất bài bản, có chiến lược, theo Bộ trưởng thì mô hình này TP HCM cần nhân rộng. “công nhân là đối tượng cần được ưu tiên vì họ làm ra các sản phẩm cho xã hội, vì thế, các doanh nghiệp cần phải đối đãi với họ tốt, bên cạnh đó cần tạo điều kiện để cuộc sống của họ cùng gia đình được thoải mái và ổn định”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ Trưởng Trịnh Đình Dũng trao đổi với một chủ hộ đầu tư nhà ở công nhân tại phường Linh Trung, quận Thủ Đức.
Theo ông Cao Văn, PGĐ BQL khu lưu trú Sadeco, hiện toàn khu có 6 block trên 15.000m2 đất, gồm 519 phòng, đáp ứng cho 3.500 chỗ ở cho công nhân. Với chị Phạm Thị Hạnh, đã ở được 4 năm thì cuộc sống rất thoải mái khi làm việc và lưu trú tại đây. “Tụi em, người ở lâu thì cũng 4 năm, người mới thì khoảng 6 tháng, nhưng tụi em cảm thấy rất an toàn và thoải mái, ở khu này, ngoài việc ăn ở chúng em còn được giải trí như: hát karaoke, xem truyền hình hay đọc sách tại phòng sinh hoạt chung”, chị Hạnh cho biết.
Tại những khu nhà ở công nhân được các gia đình xây dựng tại khu Linh Trung, quận Thủ Đức, khi ghé thăm, Bộ trưởng hết sức ngạc nhiên vì các khu này được đầu tư khá bài bản (tuy không lớn), khi được Bộ trưởng hỏi về tương lai có muốn mở rộng mô hình này bằng các nguồn vốn vay ưu đãi để xây dựng bài bản hơn, khang trang hơn và nề nếp hơn, bà Huỳnh Thị Thành, 19/1 đường số 3, khu phố 4, phường Linh Trung, quận Thủ Đức vui mừng: “Nếu được vay với nguồn vốn ưu đãi, gia đình chúng tôi sẽ mở rộng quy mô và đầu tư bài bản hơn”, bà cho biết, hiện tại gia đình bà có 21 phòng, mỗi phòng khoảng 12m2 lại có thêm gác lửng nữa nên nhu cầu thuê rất lớn và cho thuê với giá khá rẻ khoảng 700 ngàn đồng/tháng.
Tại đây Bộ trưởng lưu ý địa phương: “Rõ ràng, nhu cầu nhà lưu trú công nhân tại TP HCM là rất lớn và khả năng đáp ứng được một phần này trong dân cũng có nhiều, vì vậy địa phương cần tạo điều kiện về thủ tục, về tiêu chuẩn, quy chuẩn nhà ở, chất lượng cũng như quy hoạch chung, để dân có điều kiện chia sẻ với nhà nước và doanh nghiệp trong mô hình nhà lưu trú công nhân này”.
Bên cạnh đó Bộ trưởng cũng cho biết, trong Nghị đinh 188/CP của Chính phủ cũng đã nói rõ, Các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo dự án bằng nguồn vốn ngoài ngân sách để bán, cho thuê, cho thuê mua và được Nhà nước hỗ trợ, ưu đãi theo quy định.
Theo : Báo Xây dựng điện tử