Tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 02/01/2014 của Chính phủ và một số kết quả chủ yếu về sản xuất kinh doanh, đầu tư tháng 01 năm 2014 của các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng

Thứ ba, 18/02/2014 14:08
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 02/01/2014 của Chính phủNgay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 02/01/2014 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014; Bộ Xây dựng đã khẩn trương chỉ đạo xây dựng Chương trình hành động của Bộ để thực hiện Nghị quyết nói trên, trong đó các nhóm nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung triển khai thực hiện trong năm 2014 gồm: 

1.1 Tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng ban hành các văn bản pháp luật trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Ngành, trong đó tập trung: hoàn thiện Luật Xây dựng (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); tiếp tục nghiên cứu Luật quản lý và phát triển đô thị; kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn các Luật khi được ban hành. Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn chỉnh hệ thống các Quy chuẩn, Tiêu chuẩn; định mức kinh tế - kỹ thuật trong các lĩnh vực của Ngành.

1.2 Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác quản lý đầu tư xây dựng, nhằm hạn chế thất thoát, lãng phí, nâng cao chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư; tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống định mức kinh tế, kỹ thuật: Tập trung tổ chức thực hiện Nghị định 15/2013/NĐ-CP ngày 06/02/2013; thực hiện đánh giá an toàn các đập thuỷ điện và thuỷ lợi trên cả nước; nghiên cứu, đề xuất giải pháp, chương trình xây dựng công trình vùng gió bão, trong đó chú trọng đến nhà ở và các công trình dạng tháp. Tập trung hướng dẫn các địa phương đẩy mạnh việc cấp phép xây dựng. Tiếp tục triển khai Đề án tăng cường năng lực kiểm định chất lượng công trình xây dựng. Tiếp tục hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương tháo gỡ vướng mắc trong quản lý dự án đầu tư xây dựng, điều chỉnh tổng mức đầu tư và thực hiện hợp đồng xây dựng;...

1.3 Tập trung rà soát, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch; phát triển đô thị một cách đồng bộ, theo quy hoạch, kế hoạch: Hoàn thành Đề án Rà soát tổng thể tình hình thực hiện công tác quy hoạch trên phạm vi cả nước; tập trung nghiên cứu điều chỉnh QHXD vùng Thủ đô Hà Nội, vùng Tp. Hồ Chí Minh, vùng đồng bằng sông Cửu Long; xây dựng định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam. Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị định 11/2013/NĐ-CP ngày 14/01/2013 của Chính phủ về quản lý đầu tư phát triển đô thị; chỉ đạo các địa phương khẩn trương xây dựng và phê duyệt các khu vực phát triển đô thị. Triển khai thực hiện các chương trình, dự án về phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật theo kế hoạch (Định hướng quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam, Chương trình nâng cấp đô thị quốc gia, Chương trình phát triển đô thị quốc gia, Chương trình đầu tư xử lý chất thải rắn, Chương trình thất thoát, thất thu nước sạch,…). Tiếp tục rà soát các quy hoạch vùng về cấp nước, thoát nước, quản lý chất thải rắn,…

1.4 Tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản; đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội gắn với Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia: Tiếp tục rà soát, đánh giá, bổ sung và thực hiện hiệu quả các chính sách tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia mà trọng tâm là phát triển nhà ở xã hội. Tổng hợp đánh giá tình hình triển khai gói hỗ trợ nhà ở xã hội 30.000 tỷ đồng, những khó khăn vướng mắc và các giải pháp khắc phục, hoàn thành, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3/2013. Đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra các địa phương tiếp tục rà soát các dự án phát triển đô thị, phát triển nhà ở. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cho tổ chức, cá nhân mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam đến khi Luật Nhà ở (sửa đổi) được Quốc hội xem xét, thông qua và có hiệu lực thi hành. Tiếp tục rà soát, thực hiện các chương trình nhà ở quốc gia: Chương trình nhà ở cho sinh viên, nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp; triển khai trên diện rộng Chương trình xây dựng phòng chống lũ, lụt tại các tỉnh Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung; tập trung hoàn thành dứt điểm giai đoạn 2 Ch¬ương trình xây dựng cụm, tuyến dân c¬ư và nhà ở vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long,…

1.5 Rà soát, tổ chức lập, điều chỉnh và thực hiện có hiệu quả các đề án, quy hoạch, chương trình phát triển vật liệu xây dựng, đáp ứng nhu cầu thị trường; thực hiện cân đối cung, cầu bình ổn thị trường VLXD: Hoàn thành trình Thủ tướng Chính phủ Đề án Phát triển sản xuất vật liệu xây dựng để sử dụng trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2013-2020, tầm nhìn đến năm 2030, Quy hoạch phát triển công nghiệp vôi Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Nghiên cứu và có dự báo kịp thời đối với cung - cầu xi măng của cả nước; tiếp tục rà soát việc thực hiện các dự án xi măng trong kế hoạch 2012- 2015. Tiếp tục thực hiện, kiểm tra các chương trình, quy hoạch: chương trình phát triển vật liệu xây không nung, Quy hoạch xi măng, Quy hoạch khoáng sản làm nguyên liệu xi măng, khoáng sản làm vật liệu xây dựng,… Duy trì hoạt động của Tổ thường trực theo dõi thị trường vật liệu xây dựng và bất động sản, thường xuyên cập nhật thông tin, báo cáo hàng tháng tình hình biến động giá VLXD tại các địa phương và đề xuất biện pháp xử lý,…

1.6 Tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, hiệu quả: Rà soát, quản lý chặt chẽ các khoản chi, bảo đảm trong phạm vi dự toán đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và theo đúng chế độ quy định; tổ chức thực hiện nghiêm, có hiệu quả các biện pháp chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng. Triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm tối đa kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, công tác nước ngoài, lễ tổng kết, ký kết, khởi công,...; không mua xe công. Rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên các dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, tập trung bố trí vốn cho các dự án trọng điểm, cấp bách, hiệu quả, có khả năng hoàn thành trong năm 2014; không khởi công các dự án không có trong danh mục được phê duyệt, các dự án chưa bố trí được vốn để thực hiện. Tiếp tục đổi mới cơ chế tài chính đối với lĩnh vực sự nghiệp công lập theo hướng tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị gắn với cơ chế đặt hàng và giao nhiệm vụ cụ thể.

1.7 Đẩy mạnh cải cách hành chính: Tiếp tục thực hiện kiểm soát thủ tục hành chính; rà soát, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong các lĩnh vực của Ngành. Xây dựng Kế hoạch thực hiện các quy định về đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính và tiền lương gắn với kết quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập.

1.8 Tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh cổ phần hóa, tái cơ cấu, nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp ngành Xây dựng: Tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp thuộc Bộ thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước theo Đề án đã được phê duyệt, đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài Ngành. Tăng cường quản lý, giám sát, kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp thuộc Bộ quản lý. Tiếp tục cổ phần hóa 03 Công ty mẹ - Tổng công ty (COMA, CC1 và FICO) và 04 Công ty thành viên (thuộc IDICO, COMA và Sông Đà),…

1.9 Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển khoa học và công nghệ: Tổ chức thực hiện có hiệu quả Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ ngành Xây dựng đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Tập trung đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức ngành Xây dựng theo Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý xây dựng và phát triển đô thị đối với công chức lãnh đạo, chuyên môn đô thị các cấp giai đoạn 2010-2015” và Đề án “Tăng cường năng lực kiểm định chất lượng công trình xây dựng”, đặc biệt chú trọng tới các đối tượng là cán bộ quản lý nhà nước về xây dựng các cấp từ Trung ương tới địa phương (cấp tỉnh, thành phố, huyện, quận, xã, phường). Hoàn thiện hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng theo quy hoạch đã được nghiên cứu và đề xuất,…

1.10 Mở rộng, nâng cao hiệu quả, đẩy mạnh hợp tác và hội nhập kinh tế quốc tế: Thúc đẩy trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, mở ra cơ hội hợp tác kinh doanh và đầu tư của ngành Xây dựng với các đối tác nước ngoài; tham gia hiệu quả các hoạt động hội nhập theo chỉ đạo của Chính phủ; tiếp tục thu hút, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và huy động các nguồn tài chính quốc tế cho các lĩnh vực ưu tiên của Ngành.

1.11 Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí: Tăng cường thanh tra, kiểm tra chuyên ngành tại các địa phương; chú trọng giải quyết khiếu nại, tố cáo; thực hiện nghiêm pháp luật về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Thực hiện công khai, minh bạch trong quản lý ngân sách, đất đai, tài nguyên, tài sản nhà nước, đầu tư công , doanh nghiệp nhà nước và công tác cán bộ.

1.12 Tiếp tục tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, tạo sự đồng thuận xã hội: Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong các lĩnh vực của Ngành bằng nhiều hình thức đa dạng. Tăng cường tiếp xúc, đối thoại, tập trung chỉ đạo, giải quyết kịp thời những kiến nghị chính đáng của doanh nghiệp và nhân dân; trao đổi, tiếp nhận thông tin phản hồi về các cơ chế, chính sách liên quan đến các lĩnh vực của Ngành.

Tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc Bộ

Bước sang năm 2014, ngay từ đầu năm các doanh nghiệp thuộc Bộ đã có nhiều nỗ lực, tập trung khắc phục khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kết quả sản xuất kinh doanh của các đơn vị trong tháng 01 năm 2014 như sau:

- Giá trị sản xuất kinh doanh tháng 01 ước đạt 10.454,5 tỷ đồng, bằng 7,4% so với kế hoạch năm 2014, bằng 90,5% so với cùng kỳ năm 2013. Một trong những nguyên nhân làm giá trị sản xuất kinh doanh tháng 01 năm 2014 giảm so với cùng kỳ 2013 là: tháng 1 năm 2014 là tháng có nhiều ngày nghỉ tết Nguyên Đán nên số ngày sản xuất ít hơn tháng 01 năm 2013. Cụ thể như sau:

+ Giá trị xây lắp: ước thực hiện tháng 01 năm 2014 đạt 4.111,9 tỷ đồng, bằng 7,9% so với kế hoạch năm, bằng 92,1% so với cùng kỳ năm 2013.

+ Giá trị sản xuất công nghiệp và vật liệu xây dựng (kể cả TCT Xi măng Việt Nam): ước thực hiện tháng 01 năm 2014 đạt 4.149,7 tỷ đồng, bằng 7,4% so với kế hoạch năm, bằng 94,8 % so với cùng kỳ năm 2013.

Năm 2013 toàn ngành công nghiệp xi măng đã sản xuất và tiêu thụ 61,15 triệu tấn xi măng và clinker, trong đó xi măng tiêu thụ nội địa đạt 46,05 triệu tấn, xuất khẩu đạt 15,1 triệu tấn clinker và xi măng (trong đó xi măng đạt 4,04triệu tấn.

Căn cứ dự báo kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2014 và các chính sách đầu tư phát triển, Bộ Xây dựng đã tính toán nhu cầu xi măng năm 2014 khoảng 62-63 triệu tấn, tăng 1,5-3% so với năm 2013, trong đó xi măng nội địa khoảng 48,5-49 triệu tấn, xuất khẩu 13,5-14,0 triệu tấn.

Do khó khăn chung của nền kinh tế cả nước, đặc biệt là sự trầm lắng của thị trường bất động sản, tháng 01/2014 lại là tháng có nhiều ngày nghỉ tết Nguyên Đán nên sản lượng xi măng tiêu thụ nội địa tháng 1/2014 giảm mạnh, ước tháng 1 tiêu thụ nội địa đạt 2,93 triệu tấn bằng; xuất khẩu ước đạt 0,82 triệu tấn ( xuất khẩu xi măng ước đạt 170 nghìn tấn).

+ Giá trị tư vấn: ước thực hiện tháng 01 đạt 100,4 tỷ đồng, bằng 7,2% kế hoạch và bằng 111,3% so cùng kỳ năm 2013.

+ Giá trị SXKD khác: ước thực hiện tháng 01 đạt 2.092,6 tỷ đồng, bằng 6,6% kế hoạch và bằng 79,8% so cùng kỳ năm 2013.

- Nhập khẩu: ước thực hiện tháng 01 đạt khoảng 3,7 triệu USD, bằng 3,1% so với kế hoạch năm.

- Xuất khẩu: ước thực hiện tháng 01 đạt 21 triệu USD, bằng 6,5% so với kế hoạch năm.
 

Trung tâm Thông tin
Nguồn: Báo cáo 09/BC-BXD.
 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)