Tham dự buổi làm việc giữa hai bên còn có các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Mai Xuân Hùng, Nguyễn Văn Phúc, Đặng Thế Vinh và các ủy viên thường trực của Ủy ban; Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam và lãnh đạo các Cục, Vụ, Văn phòng Bộ Xây dựng.
Tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết, thực hiện chương trình công tác đã thống nhất giữa hai bên, Ủy ban Kinh tế Quốc hội và Bộ Xây dựng sẽ có buổi trao đổi về những nội dung cơ bản của Dự thảo Luật Kinh doanh Bất động sản sửa đổi; diễn biến của thị trường bất động sản từ sau khi thực hiện Nghị quyết của Hội nghị TW3 khóa XI về tái cơ cấu nền kinh tế và Nghị quyết số 11 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, Luật Kinh doanh bất động sản là một Luật chuyên ngành rất quan trọng vì nó bao hàm một thị trường lớn có tác động và tương tác đến các thị trường khác trong nền kinh tế như thị trường đất đai, thị trường lao động, thị trường vốn và các thị trường hàng hóa khác như vật liệu xây dựng….Thị trường bất động sản phát triển thông suốt, lành mạnh sẽ tạo động lực cho các thị trường khác phát triển, thúc đẩy tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Giàu phát biểu tại buổi làm việc.
Thay mặt Ban soạn thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đã báo cáo về những nội dung lớn của dự án, bao gồm việc tổng kết tình hình thực hiện Luật Kinh doanh bất động sản 2006, và những điểm mới trong dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết, Luật Kinh doanh bất động sản 2006 cùng với các Luật khác như Luật Xây dựng 2003, Luật Nhà ở 2005, Luật Doanh nghiệp… đã tạo ra hành lang pháp lý quan trọng cho sự phát triển của thị trường bất động sản và môi trường kinh doanh bất động sản, huy động được các nguồn lực của xã hội đầu tư phát triển bất động sản. Tuy nhiên, sau 7 năm thực hiện Luật Kinh doanh bất động sản 2006, đặc biệt trong giai đoạn khủng hoảng vừa qua, đã cho thấy một số tồn tại, khiếm khuyết, đó là chưa đủ các quy định và chế tài về quản lý việc tạo lập bất động sản cũng như sự quản lý của các cơ quan nhà nước để cho việc phát triển bất động sản theo quy hoạch và có kế hoạch là rất hạn chế, dẫn đến tình trạng phát triển bất động sản tràn lan, tự phát, không phù hợp với nguồn lực thực hiện và khả năng của nền kinh tế, gây ra nợ xấu bất động sản, nhiều dự án treo, tồn kho bất động sản…
Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, thực hiện chương trình xây dựng pháp luật theo Nghị quyết của Quốc hội, Bộ Xây dựng được Chính phủ giao chủ trì soạn thảo Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi và đã triển khai theo đúng các bước quy định. Quan điểm xây dựng Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi yêu cầu phải thể chế hóa đường lối, quan điểm của Đảng, Chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đảm bảo phát triển bất động sản theo nguyên tắc thị trường đồng thời tăng cường vai trò quản lý nhà nước để đảm bảo phát triển bất động sản theo quy hoạch và có kế hoạch; tạo môi trường pháp lý thông thoáng để huy động các nguồn lực đầu tư của xã hội; tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp và người dân tham gia tạo lập và kinh doanh bất động sản; hội nhập quốc tế; hoàn thiện cơ cấu các chủ thể tham gia kinh doanh bất động sản, nâng cao tính chuyên nghiệp của các nhà tư vấn, môi giới và kinh doanh bất động sản.
Báo cáo về tình hình thị trường bất động sản hiện nay, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, trong giai đoạn 2010-2013, thị trường bất động sản có những thăng trầm. Năm 2013, giá bất động sản đã có sự giảm sâu từ 10-30%, cá biệt có những dự án ở vùng ven giảm giá đến 50%, có lợi cho người mua nhà. Cuối năm 2013 và đầu năm 2014 thị trường bất động sản có dấu hiệu ấm lên cả về giá bán và số lượng giao dịch. Lượng giao dịch của Quý IV/2013 gần gấp 3 lần so với Quý I/2013, trong đó giao dịch tăng mạnh ở phân khúc căn hộ thương mại giá trung bình, có diện tích dưới 100m2 và nhà ở xã hội. Thông qua các số liệu về dư nợ tín dụng bất động sản và thuế trước bạ nhà đất tăng hàng quý cũng cho thấy những tín hiệu tốt từ thị trường bất động sản cũng như sự phát huy hiệu quả của một số cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ.
Phát biểu tại buổi làm việc, các đồng chí Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế và Thường trực Ủy ban kinh tế của Quốc hội đều đánh giá cao sự chuẩn bị của Bộ Xây dựng đối với dự án Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi, tán thành với sự cần thiết phải ban hành Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi cũng như những nội dung mới được nêu trong Dự thảo Luật. Bên cạnh đó, các đại biểu phát biểu cũng trao đổi thêm với Bộ Xây dựng một số vấn đề cần nghiên cứu thêm như chế tài đối với việc cho phép mua bán bất động sản hình thành trong tương lai, việc cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài kinh doanh bất động sản ở Việt Nam, việc quản lý cấp chứng chỉ hành nghề môi giới, tư vấn bất động sản…
Toàn cảnh buổi làm việc
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu bày tỏ tán thành với báo cáo của Bộ Xây dựng, về 5 yếu tố đánh giá thị trường bất động sản: giá bất động sản có xu hướng tốt lên do quan hệ cung cầu bước đầu khắc phục sự lệch pha, lượng giao dịch tăng, lượng tồn kho giảm, dư nợ tín dụng bất động sản tăng khoảng 15%... cho thấy các chính sách mới có liên quan đã đi vào cuộc sống và tạo được những chuyển biến tích cực cho thị trường. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cũng đồng tình với các đề xuất của Bộ Xây dựng được nêu trong các báo cáo.
Về dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho rằng, đây là một bộ luật được chuẩn bị sớm, công phu, kỹ lưỡng và được sự chỉ đạo sát sao của Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao hiệu quả xây dựng pháp luật, Ban soạn thảo Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản cần lưu ý phải luật hóa tối đa các quy định mà các văn bản dưới luật trước đây đã đi vào cuộc sống và có tính ổn định cao. Luật Kinh doanh bất động sản cần gắn với quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và có tính dài hạn, minh bạch, rõ rằng và tránh trừu tượng cũng như phải đảm bảo sự phù hợp và thống nhất với các Luật hiện hành. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cũng đề nghị Ban Soạn thảo Dự thảo Luật nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến phát biểu của các đại biểu để hoàn chỉnh Dự thảo Luật trước khi báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tháng 3/2014./.
Minh Tuấn