Ngày 3/6/2021, tại Hà Nội, Cục Hạ tầng Kỹ thuật (Bộ Xây dựng) phối hợp với Tổ chức Hợp tác phát triển Đức(GIZ), Tổ chức quốc tế phi chính phủ HealthBridge (Canada) và Viện nghiên cứu tài nguyên thế giới (WRI) đồng tổ chức hội thảo tham vấn lần thứ nhất (theo hình thức trực tuyến) đối với dự thảo Hướng dẫn kỹ thuật thiết kế hạ tầng/đường dành cho xe đạp trong đô thị ở Việt Nam. Đây là một nội dung trong các hoạt động hợp tác giữa Cục Hạ tầng kỹ thuật với GIZ nhằm triển khai thực hiện Biên bản ghi nhớ Xây dựng hướng dẫn Thiết kế đường dành cho xe đạp đô thị được ký kết vào tháng 11/2020. Tham dự Hội thảo có đại diện Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) cùng nhiều chuyên gia trong nước và các tổ chức quốc tế có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực liên quan. Bà Mai Thị Liên Hương - Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) chủ trì hội thảo.
Bà Mai Thị Liên Hương – Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) phát biểu khai mạc hội thảo
Phát biểu khai mạc, bà Mai Thị Liên Hương cho biết: xu hướng phát triển đô thị bền vững trên thế giới đang đề cao vai trò của xe đạp – loại phương tiện xanh, sạch và thân thiện môi trường, trong khi tại Việt Nam giao thông xe đạp chưa được quan tâm thích đáng.
Ở Việt Nam, trước thập niên 1990, xe đạp từng là loại hình phương tiện giao thông chính của người dân đô thị. Trong bối cảnh hệ thống các đô thị Việt Nam đã và đang phát triển nhanh, mạnh như hiện nay, cùng với vấn đề hạ tầng giao thông quá tải tại các đô thị lớn như Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội, để thúc đẩy người dân đô thị sử dụng xe đạp, loại hình phương tiện này cần phải được chú ý xem xét, tạo điều kiện từ công tác quy hoạch đô thị, thiết kế, đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đô thị tới giai đoạn khai thác sử dụng, nhằm tạo sự thuận tiện, an toàn cho người sử dụng. Do đó, hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật của Việt Nam cần thiết phải có các quy định đối với kết cấu hạ tầng cho phương tiện xe đạp.
Bà Mai Thị Liên Hương cho biết, sau khi hội thảo lấy ý kiến chuyên gia về khung dự thảo Hướng dẫn (đã được Cục Hạ tầng kỹ thuật và GIZ phối hợp tổ chức vào tháng 1/2021), nhóm tư vấn của dự án đã tiến hành nghiên cứu về tình hình thực tiễn tại Việt Nam, kinh nghiệm quốc tế và xây dựng được dự thảo Hướng dẫn kỹ thuật thiết kế hạ tầng dành cho xe đạp tại Việt Nam, trong đó đưa ra chỉ dẫn thiết kế phục vụ công tác phát triển hạ tầng giao thông dành cho xe đạp trong các đô thị tại Việt Nam (cung cấp các giải pháp về loại hình hạ tầng giao thông xe đạp; giải pháp bố trí đường/làn xe đạp, tích hợp mạng lưới; giải pháp thiết kế hình học, kết cấu, xử lý các xung đột và các hạ tầng phụ trợ kèm theo phù hợp với không gian, đặc thù đô thị). Kết quả nhằm hướng tới công cụ hỗ trợ phát triển các đường xe đạp đạt chuẩn, bảo đảm tính linh hoạt trong thiết kế đồng thời bảo đảm tính nhất quán của hạ tầng xe đạp trong các đô thị Việt Nam.
Các đại biểu dự hội thảo (theo hình thức trực tuyến)
Tại hội thảo, ông Fred Young và ông Wei Li – cố vấn kỹ thuật xây dựng hướng dẫn đã trình bày về bối cảnh, nguyên tắc và rà soát hướng dẫn tương tự quốc tế về xây dựng hướng dẫn đường cho xe đạp. Phần trình bày đề cập đến các tài liệu chính sách hiện hành, các mô hình đô thị hóa, đặc điểm của người đi xe đạp, các nhóm đối tượng sử dụng xe đạp, an toàn đường bộ, chuyển đổi phương thức giao thông…trong bối cảnh Việt Nam; ví dụ về nghiên cứu trường hợp làn hỗn hợp của Trung Quốc, Đài Bắc, Hà Lan.
Phạm vi và nội dung chính của dự thảo Hướng dẫn do ông Vũ Hoài Nam - đại diện nhóm chuyên gia tư vấn trong nước của GIZ trình bày. Bên cạnh đó, hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp cho nội dung dự thảo từ các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm đến từ các điểm cầu trong nước và quốc tế.
Phát biểu kết luận hội thảo, bà Mai Thị Liên Hương cho biết: Hội thảo sẽ giúp Cục Hạ tầng kỹ thuật, GIZ và nhóm tư vấn tập hợp được các ý kiến quan trọng nhằm hoàn thiện dự thảo Hướng dẫn kỹ thuật về thiết kế đường dành cho xe đạp tại các đô thị ở Việt Nam. Đồng thời, ý kiến của các chuyên gia tham dự hội thảo sẽ giúp Cục Hạ tầng kỹ thuật có được cơ sở khoa học để đề xuất với Lãnh đạo Bộ bổ sung, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn lĩnh vực hạ tầng giao thông đô thị, đáp ứng nhu cầu thực tiễn hiện nay