Tham gia đoàn công tác gồm có các lãnh đạo: Văn phòng Bộ Xây dựng; Cục Phát triển đô thị; Vụ Quy hoạch - Kiến trúc, Cục giám định các công trình Nhà nước về xây dựng; Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS; Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị; Cục công tác phía nam Bộ Xây dựng cùng một số doanh nghiệp. Đón và làm việc với đoàn công tác gồm có: Bí thư Tỉnh uỷ - Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Tỉnh Võ Thành Hạo cùng các lãnh đạo một số sở, ngành, ban của Tỉnh uỷ, HĐND và UBND tỉnh.
Ông Võ Thành Hạo - Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, hiện Bến tre đã có nhiều tiến bộ về giao thông, cảnh quan đô thị có nhiều đổi mới so với 10 năm trước
Phát triển theo định hướng và mục tiêu
Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Xây dựng Đoàn Viết Hồng đã báo cáo tình hình thực hiện công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực của ngành xây dựng Bến Tre. Theo đó, năm 2013 và 8 tháng đầu năm 2014, UBND tỉnh Bến Tre đã ban hành các quyết định, chỉ thị, kế hoạch… Để triển khai thực hiện trên địa bàn, tập trung vào các nội dung: Quy chế quản lý, cho thuê nhà công vụ; giá cho thuê nhà công vụ; chương trình phát triển nhà ở; giá nhà, vật liệu kiến trúc xây dựng mới; chế độ báo cáo, cung cấp thông tin tình hình triển khai đầu tư xây dựng và kinh doanh các dự án bất động sản; ban hành các kế hoạch về sử dụng VLXKN; bảo trì công trình…
UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng thành phố Bến Tre, 8 thị trấn các huyện và 9 trung tâm xã phát triển đô thị loại V; các trung tâm còn lại đang lập quy hoạch, dự kiến hoàn thành năm 2015. Các quy hoạch phân khu, chi tiết cũng được tỉnh chú trọng. Đến nay, TP. Bến Tre đã cơ bản hoàn thành quy hoạch chi tiết với trên 27 đồ án được phê duyệt, tỷ lệ này ở các huyện là 20-25%.
Hiện tỉnh đang rà soát lập điều chỉnh, bổ sung quy hoạch chi tiết thành phố Bến Tre theo đồ án Quy hoạch chung xây dựng giai đoạn đến năm 2030. Quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới đã phê duyệt 100% xã (124/124) năm 2012.
Công tác phát triển đô thị được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm. Đến nay, tỉnh Bến Tre có TP Bến Tre là đô thị loại III (công nhận năm 2009), 7 thị trấn là đô thị loại V, công nhận mới 03 đô thị loại V phát triển lên từ trung tâm xã.
Tỉnh đang tiếp tục tập trung sự chỉ đạo và nguồn lực để đầu tư phát triển thành phố Bến Tre đạt chuẩn đô thị loại II đến năm 2020, xây dựng các thị trấn: Mỏ Cày, Ba Tri, Bình Đại thành đô thị loại IV và xây dựng một số trung tâm xã trở thành đô thị loại V.
Trong lĩnh vực Phát triển hạ tầng khu dân cư đô thị mới đang phát triển nhưng còn nhiều khó khăn, chủ yếu tập trung ở thành phố Bến Tre và thị trấn Ba Tri với quy mô khoảng 15 – 30 ha, các đô thị còn lại chủ yếu chỉnh trang, nâng cấp trên nền hạ tầng hiện trạng có sẵn.
Việc quản lý hạ tầng kỹ thuật được tỉnh chú trọng thực hiện theo hướng phân cấp mạnh cho địa phương nhằm tránh chồng chéo giữa các ngành, địa phương trong quản lý lòng, lề đường, quản lý cây xanh và các hạ tầng kỹ thuật đô thị.
Hiện nay, nguồn cấp nước chính của tỉnh tập trung tại Nhà máy nước Sơn Đông, TP. Bến Tre với công suất 32.900m3/ngày, nguồn bổ sung là nhà máy nước ngầm Hữu Định, huyện Châu Thành với công suất 10.000m3/ngày, tỉnh đang đầu tư nhà máy nước An Hiệp với công suất 15.000m3/ngày chủ yếu cấp nước cho thành phố Bến Tre và một số huyện lân cận. Việc Cấp nước cho các thị trấn và khu vực nông thôn chủ yếu do Trung tâm Nước sạch Vệ sinh môi trường nông thôn và các đơn vị tư nhân thực hiện với các nhà máy nước quy mô nhỏ. Cấp nước sinh hoạt cho cho khu vực ven biển còn rất nhiều khó khăn do thiếu nguồn vốn đầu tư.
Cũng Theo báo cáo, hiện nay, toàn bộ đô thị trên địa bàn tỉnh chưa có trạm xử lý nước thải tập trung. Hệ thống thoát nước trên địa bàn TP. Bến Tre và một số thị trấn như: Bình Đại, Mỏ Cày có quan tâm đầu tư nâng cấp nhưng chưa đồng bộ, chưa tách riêng hệ thống thoát nước mưa và nước bẩn.
Tỷ lệ chất thải rắn thu gom của thành phố Bến Tre đạt trên 80% với công suất thu gom đạt trên 100 tấn/ngày; các huyện tỷ lệ thu gom đạt thấp, chủ yếu tập trung ở đô thị và chợ trung tâm.
Bãi rác chính của tỉnh có quy mô khoảng 4,7 ha, đang quá tải và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do chưa có hệ thống xử lý; bãi rác các huyện có quy mô diện tích nhỏ và hầu hết chưa có hệ thống xử lý nước rỉ rác (trừ bãi rác huyện Mỏ Cày Nam). UBND tỉnh vận động và cấp giấy chứng nhận đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải của tỉnh với công suất 200 tấn/ngày, đang trong giai đoạn GPMB.
Đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Bến Tre đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đang được các ngành triển khai thực hiện.
Đến cuối năm 2013, toàn tỉnh có tổng diện tích nhà ở là 26,52 triệu m2, trong đó khu vực đô thị là 2,92 triệu m2, chiếm 11,03%; khu vực nông thôn là 23,6 triệu m2, chiếm 88,97%. Diện tích nhà ở bình quân toàn tỉnh là 20,9m2/người, trong đó diện tích bình quân tại khu vực đô thị là 21,8 m2/người, khu vực nông thôn là 20,8 m2/người.
Chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng (theo Quyết định 22/2013/QĐ-TTg), đến tháng 4/2014, toàn tỉnh đã hoàn thành 1.046 căn nhà ở. Tổng các nguồn vốn đã thực hiện là 44,725 tỷ đồng. Song song với việc thực hiện Quyết định 22, địa phương đã vận động hỗ trợ xây dựng được 463 căn nhà ở cho gia đình có công với cách mạng với số tiền 21,06 tỷ đồng.
Đối với chương trình hỗ trợ về nhà ở cho hộ nghèo (theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg giai đoạn II) thực hiện Chương trình, trong 4 năm (2008-2011), tỉnh đã xây dựng 11.394 căn nhà với tổng vốn đã thực hiện là 246,76 tỷ đồng, đã tạo được sự đồng thuận cao của xã hội.
Đến nay, tỉnh đã phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình Khu nhà ở sinh viên - học sinh theo Quyết định số 2907/QĐ-UBND ngày 25/11/2009 với tổng mức đầu tư là 234 tỷ đồng, nguồn vốn đầu tư từ trái phiếu Chính phủ. Mọi công tác chuẩn bị đầu tư đã thực hiện xong nhưng chưa có vốn để triển khai.
Hiện trên địa bàn tỉnh đang triển khai dự án xây dựng khu nhà ở cho công nhân phục vụ cho Khu công nghiệp Giao Long với qui mô diện tích 1,17 ha, tổng mức đầu tư là 145 tỷ đồng, giải quyết chổ ở cho khoảng 1.552 người, thực hiện đầu tư trong giai đoạn 2014-2016.
Tỉnh đầu tư 01 dự án từ nguồn vốn ngân sách, quy mô 05 tầng với 42 căn hộ, tổng diện tích sàn xây dựng là 2.870 m2, tổng vốn đầu tư là 21, 4 tỷ đồng.Hiện dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng chủ yếu phục vụ cho đối tượng công chức.
Về thị trường bất động sản, hiện nay, trên địa bàn tỉnh chỉ có 01 sàn giao dịch BĐS được thành lập và đã đăng ký theo quy định. Sàn giao dịch này chỉ phục vụ riêng cho việc mua bán bất động sản trong khu dự án.
Trong lĩnh vực quản lý hoạt động xây dựng, để thực hiện Nghị định số 15/2013/NĐ-CP về quản lý chất lượng công trình, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định về trách nhiệm quản lý nhà nước đối với chất lượng công trình xây dựng, trong đó phân công, phân cấp cụ thể trách nhiệm các cơ quan quản lý gồm: các sở quản lý chuyên ngành và UBND các huyện, thành phố; đồng thời chỉ đạo các sở quản lý chuyên ngành hướng dẫn thực hiện và xây dựng thủ hành chính về công tác thẩm tra thiết kế, kiểm tra, nghiệm thu công trình.
Qua thẩm tra, các sở quản lý chuyên ngành đã kịp thời phát hiện và chấn chỉnh các vấn đề có liên quan như: việc áp dụng các tiêu chuẩn đã hết hiệu lực; chưa tuân thủ các quy định đảm bảo xây dựng cho người tàn tật tiếp cận sử dụng; chưa quan tâm các quy định về an toàn thoát nạn, chống rơi ngã; thiết kế thừa diện tích, kết cấu quá an toàn, vật liệu hoàn thiện đắt tiền; áp dụng các định mức, đơn giá tạm tính còn phổ biến,..từ đó hạn chế lãng phí trong đầu tư.
Công tác kiểm tra nghiệm thu được thực hiện chặt chẽ bao gồm: kiểm tra hiện trường và kiểm tra hồ sơ. Các công trình không đảm bảo chất lượng đều kiên quyết không cho nghiệm thu, chỉ được phép nghiệm thu đưa vào sử dụng khi đã hoàn tất việc sửa chữa các khiếm khuyết.
Hàng năm, Thanh tra Xây dựng đều tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra công trình, bao gồm cả kiểm tra về an toàn lao động. Từ năm 2011 đến tháng 6/2014, Thanh tra Xây dựng đã thanh tra 11 dự án, kiểm tra 64 công trình, qua thanh tra đã xử phạt vi phạm hành chính là 24 vụ với tổng số tiền xử phạt là 270 triệu đồng. Bên cạnh đó, tỉnh cũng phối hợp với Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị tổ chức các lớp tập huấn bảo hộ lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động trong xây dựng trên địa bàn tỉnh.
Trong quản lý năng lực hoạt động xây dựng, hiện nay, toàn tỉnh có 04 Ban QLDA đủ điều kiện năng lực được xếp hạng 2, đa phần Ban QLDA các huyện chưa đủ điều kiện năng lực xếp hạng.
Về thực trạng sử dụng vật liệu xây không nung, theo thống kê tháng 12/2012, trên địa bàn tỉnh có 80 cơ sở sản xuất gạch đất sét nung với tổng sản lượng năm 2011 khoảng 46,12 triệu viên. Đến nay, trên địa bàn tỉnh còn hoạt động 57 lò, sản lượng năm 2013 đạt khoảng 30 triệu viên. Đối với GKN, hiện trên địa bàn tỉnh có 02 cơ sở sản xuất dòng sản phẩm nặng với tổng công suất khoảng 15,9 triệu viên/năm.
Theo quy định của UBND tỉnh, tại các đô thị loại 3 trở lên phải sử dụng 100% vật liệu xây không nung kể từ ngày 15/01/2013; các khu vực còn lại phải sử dụng tối thiểu 50% vật liệu xây không nung kể từ ngày 15/01/2013 đến hết năm 2015, sau năm 2015 phải sử dụng 100%.
Còn nhiều khó khăn
Theo ông Hồng, hiện công tác lập quy hoạch phân khu, chi tiết chưa triển khai kịp thời do thiếu vốn, gây khó khăn cho quản lý cấp phép xây dựng; việc lập quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc thực hiện chậm; việc triển khai chương trình phát triển đô thị chung cho toàn tỉnh theo Nghị định 11/2013/NĐ-CP chưa thực hiện do phải chờ quy hoạch vùng tỉnh, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch chung.
Thu hút đầu tư phát triển đô thị, nhất là phát triển khu dân cư, hạ tầng kỹ thuật đô thị còn khó khăn; trên địa bàn tỉnh chưa có khu đô thị mới có quy mô lớn; đầu tư cải tạo, phát triển hạ tầng, nhất là thoát nước, xử lý nước thải tập trung, chỉnh trang sông, rạch…còn khó khăn do nguồn vốn rất lớn, vượt quá khả năng cân đối của ngân sách địa phương.
Quá trình chuyển đổi sử dụng gạch không nung có một số khó khăn như: nguồn cung hạn chế ảnh hưởng tiến độ thi công, chất lượng gạch chưa đồng đều, một số công trình xảy ra sự cố nứt khối xây, nứt vữa trát.
Ông Võ Thành Hạo Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết thêm, hiện Bến tre đã có nhiều tiến bộ về giao thông, cảnh quan đô thị có nhiều đổi mới so với 10 năm trước,thành tựu này bắt nguồn từ công tác quy hoạch. ”Trong quy hoạch, chúng tôi rất quan tâm các quy hoạch phân khu và phân khu chức năng được quy hoạch bài bản, dành nhiều diện tích cho cây xanh và khu vực công cộng, đảm bảo được môi trường xanh”- ông Võ Thành Hạo nhấn mạnh.
Cần chú trọng đến quy hoạch và phát triển đô thị
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện đã đóng góp ý kiến trong quy hoạch, xây dựng và quản lý chất lượng các công trình xây dựng của tỉnh Bến Tre, đồng thời kịp thời giải đáp những vấn đề vướng mắc trong công tác quy hoạch, phát triển đô thị, xây dựng hạ tầng. Trong đó có ý kiến Bến Tre phải thường xuyên rà soát các quy hoạch khác để tránh chồng chéo và đặc biệt lưu ý Bến Tre là tỉnh bị ảnh hưởng trực tiếp của biến đổi khí hậu, nước biển dâng nên phải chú trọng đến công tác quy hoạch, có mục tiêu rõ ràng về phát triển đô thị.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng biểu dương những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bến Tre đã đạt được trong thời gian qua, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, có nhiều sản phẩm có giá trị cao. An ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
Bộ trưởng ghi nhận, trong lĩnh vực quản lý xây dựng và đầu tư xây dựng, Bến Tre rất chú trọng quan tâm đến quy hoạch. Bộ trưởng cho rằng, muốn phát triển kinh tế- xã hội đạt hiệu quả cần quan tâm đặc biệt đến công tác quy hoạch, phát triển đô thị và xây dựng hạ tầng, bên cạnh đó phải lựa chọn các dự án đầu tư cho phù hợp, tạo những cú hích lớn cho địa phương. Quy hoạch cần phải chú ý đến liên kết vùng và phải đi đôi với kế hoạch phát triển. Bộ trưởng cũng đánh giá cao về sự quan tâm của Tỉnh uỷ về nâng cấp đô thị.
Bộ trưởng đề nghị Bến Tre tiếp tục rà soát quy hoạch tổng thể, sửa đổi và điều chỉnh theo hướng tích cực, tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng. Tăng cường công tác quản lý đô thị và xây dựng nông thôn mới; thực hiện tốt chiến lược nhà ở xã hội; khai thác hiệu quả các công trình xây dựng. Bộ trưởng lưu ý tỉnh khi phát triển đô thị phải có quy hoạch, kế hoạch .
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng chỉ đạo, hiện an toàn cho người dân là ưu tiên hàng đầu, vì vậy, tỉnh phải cho kiểm tra các công trình đang xây dựng và đặc biệt là các công trình đã đưa vào sử dụng, là tỉnh có nhiều sông ngòi nên lượng cầu treo trên địa bàn nhiều, do đó ngành chức năng địa phương phải hết sức chú ý tới chất lượng các cầu treo này.
Sau buổi làm việc, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đã cùng đoàn công tác có buổi làm việc với Sở Xây dựng tỉnh Bến Tre. Tại đây, Bộ trưởng được nghe lãnh đạo Sở báo cáo tình hình hoạt động qua các năm. Theo đó, Sở có 06 phòng ban chuyên môn; 2 đơn vị sự nghiệp là: Ban QLDA chuyên ngành XD và Trung tâm Tư vấn và kiểm định XD. Tổng số cán bộ công chức 98 người, trong đó khối VP: 35 người; TT Tư vấn kiểm định: 41 người; Ban QLDA: 22 người. Được biết, với số lượng người ít, nhưng khối lượng công việc nhiều, điều đó đã tạo áp lực lên ngành qua các năm.
Qua đây, Bộ trưởng đã biểu dương đội ngũ cán bộ, công nhân viên của ngành đã phấn đấu đạt được nhiều thành tích trong những năm vừa qua. Bộ trưởng cũng chia sẻ trách nhiệm nặng nề mà ngành xây dựng Bến Tre phải đảm nhận trong những năm qua. ”Từ nay trách nhiệm của các đồng chí nặng thêm khi phải gánh vác 1 loạt các công việc như: Thẩm định dự án; Thiết kế cơ sở; Kiểm định; Thanh tra; Thiết kế kỹ thuật... chưa kể đến phát triển nhà ở và phát triển đô thị”, Bộ trưởng chia sẻ thêm.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng còn căn dặn đội ngũ cán bộ, công nhân viên ngành xây dựng Bến Tre cần tiếp tục phát huy thành tích, tăng cường học hỏi, nâng cao trình độ để đáp ứng với tình hình mới.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng chụp hình lưu niệm cùng cán bộ Sở Xây dựng Bến Tre
Theo : Báo Xây dựng điện tử