Nghiệm thu đề tài: Nghiên cứu tổng hợp chất phụ gia polyme nhằm tăng cường độ bền cho mộc của sứ vệ sinh

Thứ năm, 21/08/2014 14:20
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 21/8/2014, tại Bộ Xây dựng, Hội đồng KHKT chuyên ngành Bộ Xây dựng đã họp nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu tổng hợp chất phụ gia polyme nhằm tăng cường độ bền cho mộc của sứ vệ sinh” mã số 61 -12 do Viện Nghiên cứu & Phát triển Viglacera, Tổng Công ty Viglacera, Bộ Xây dựng chủ trì thực hiện. ThS. Trần Đình Thái – Phó Vụ trưởng Vụ KHCN & Môi trường, Bộ Xây dựng làm Chủ tịch Hội đồng.

ThS. Trần Đình Thái phát biểu kết luận cuộc họp

Theo báo cáo của chủ nhiệm đề tài Phạm Ngọc Trung, hiện nay, các đơn vị sản xuất sứ vệ sinh của nước ta chủ yếu đang sử dụng đất sét Trúc Thôn (Chí Linh - Hải Dương) làm nguyên liệu sản xuất. Đây là loại nguyên liệu quý, độ trắng cao, độ dẻo cao, hàm lượng nhôm cao, nên sản phẩm làm ra ổn định và có chất lượng tốt. Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu này đang khan hiếm dần. Để khắc phục, một số đơn vị sản xuất - nhất là phía Nam – đã sử dụng loại sét trắng chất lượng thấp hơn hoặc nhập khẩu từ Thái Lan, Trung Quốc. Do đó, các nhà sản xuất đã phải tính tới phương án sử dụng phụ gia tăng cường độ mộc trong quá trình sản xuất để bù lại việc sử dụng đất sét chất lượng thấp. Đề tài đã đáp ứng kịp thời những vấn đề về nguyên liệu sản xuất sứ vệ sinh, đồng thời góp phần tăng tỷ lệ thu hồi sản phẩm.

Theo chủ nhiệm đề tài, phân loại theo quá trình định hình thì công nghệ sản xuất sứ vệ sinh hiện nay có 3 hình thức là tạo hình tự do, đúc khuôn và đổ rót, trong đó hình thức đổ rót thường được áp dụng để tạo hình các sản phẩm có hình dạng phức tạp. Trong công nghệ đổ rót, chất lượng của hồ liên quan đến độ nhớt, tỷ trọng, độ ổn định lưu biến…có vai trò quan trọng đối với quá trình tạo hình sản phẩm trong khuôn thạch cao. Giải pháp nâng cao cơ tính cho mộc và tạo độ dẻo cho hồ đổ rót là sử dụng thêm các chất phụ gia polyme tổng hợp. Bên cạnh đó, ứng dụng phụ gia polyme còn giúp giảm thiểu những sự cố phát sinh trong quá trình sản xuất như nứt mộc, co ngót sản phẩm không đồng đều.

Trong quá trình thực hiện, nhóm đề tài đã nghiên cứu tổng hợp hệ polyme ưa nước trên cơ sở polyvinyl alcohol (PVA); tổng hợp phụ gia polyme từ tannin và hợp chất vô cơ; nghiên cứu cấu trúc cũng như khả năng tăng cường độ dẻo cho sét của polyme tổng hợp được (PVA-P); nghiên cứu các điều kiện về pH và thành phần khoáng khác liên quan với khả năng tăng cường độ dẻo của polyme. Nhóm đã tiến hành thử nghiệm phụ gia PVA-P trên hồ xương sứ vệ sinh đang sản xuất tại 02 nhà máy Bình Dương và Thanh Trì. Sản phẩm phù hợp để sử dụng làm phụ gia tăng cường độ bền mộc cho sứ vệ sinh, không làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm sau nung. Đặc biệt khi cho phụ gia vào nghiền cùng phối liệu thì tỷ lệ thu hồi trên các công đoạn gia công tạo hình mộc tăng thêm từ 0,15 đến 2,7%; tỷ lệ thu hồi sản phẩm sau nung tăng 1,67%.

Các ủy viên phản biện và thành viên Hội đồng đều đánh giá cao tính khoa học, tính thực tiễn và hiệu quả kinh tế của đề tài. Để tăng tính thuyết phục và tính ứng dụng cho đề tài, các thành viên Hội đồng cũng đóng góp một số ý kiến về hình thức trình bày (ngoài bảng biểu cần có thêm hình ảnh minh họa sinh động); rút gọn một số nội dung; tài liệu tham khảo nên cụ thể hơn; có những nghiên cứu và phân tích sâu hơn các kết quả thử nghiệm sản xuất ứng dụng sản phẩm PVA-P tại 02 nhà máy khác nhau. Một số vấn đề như chỉ số dẻo; các thông số về tỷ trọng, độ ẩm, cường độ mộc trong phần nghiên cứu ảnh hưởng của phụ gia PVA-P lên hồ xương sứ đang sản xuất cũng được Hội đồng và nhóm đề tài cùng thảo luận cùng tìm ra các kết luận phù hợp.

Kết luận cuộc họp, ThS. Trần Đình Thái bày tỏ sự nhất trí cao với Hội đồng, lưu ý nhóm đề tài tiếp thu chỉnh sửa lại một số nội dung theo các ý kiến đóng góp; đi sâu nghiên cứu cơ chế phản ứng hóa để khẳng định việc lựa chọn PVA là hợp lý; phân tích cơ sở đưa ra giá thành, nâng cao tính kinh tế và cạnh tranh cho sản phẩm.

Đề tài đã được nghiệm thu với kết quả xếp loại Xuất sắc.

Phòng TT-TL
 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)