Theo Bộ trưởng Trình Đình Dũng, mặc dù trong thời gian vừa qua Bộ Xây dựng đã phối hợp với các Bộ, ngành và các địa phương triển khai những giải pháp theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ số 2196/CT-TTg ngày 6/12/2011 về tăng cường quản lý thị trường bất động sản, nhưng thị trường bất động sản vẫn đình trệ, chưa có dấu hiệu hồi phục, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Nhiều doanh nghiệp bất động sản phải ngừng hoạt động, tồn kho bất động sản lớn và không có khả năng trả nợ ngân hàng đúng hạn. Thị trường bất động sản đình trệ không chỉ gây khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản mà còn ảnh hưởng tới thanh khoản của ngân hàng, gây đình trệ sản xuất cho các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất hàng tiêu dùng, doanh nghiệp xây lắp, người lao động thiếu việc làm.
Trên cơ sở phối hợp với Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản và nhận được nhiều kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường và doanh nghiệp, theo Bộ trưởng Trình Đình Dũng, tồn kho bất động sản hiện nay rất lớn, thị trường rất khó khăn.
Nếu không tháo gỡ thì tiếp tục tăng nợ xấu, ảnh hưởng đến đời sống người lao động, ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng và kinh tế vĩ mô. Đồng thời kiến nghị với Chính phủ đưa vào Nghị quyết của phiên họp một số giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, giải quyết hàng tồn kho cho doanh nghiệp và vấn đề nợ xấu, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.
Trên cơ sở đẩy nhanh công tác rà soát các dự án phát triển đô thị, phát triển nhà ở đang triển khai trong phạm vi cả nước, Bộ Xây dựng đề nghị tạm dừng các dự án chưa giải phóng mặt bằng hoặc đang giải phóng mặt bằng nhưng không phù hợp kế hoạch phát triển của địa phương.
Đối với các dự án đã giải phóng mặt bằng nhưng không phù hợp với nhu cầu và kế hoạch phát triển của địa phương thì yêu cầu Chủ đầu tư tổ chức sản xuất, không để đất trống và chỉ đầu tư tiếp khi được cấp có thẩm quyền cho phép.
Đối với các dự án phát triển nhà ở thương mại đã giải phóng mặt bằng nhưng chưa triển khai công trình nhà ở thì cho phép điều chỉnh quy hoạch để tăng tỷ trọng nhà ở xã hội phục vụ người nghèo, nhà ở cho công nhân, điều chỉnh cơ cấu nhà ở trong dự án để phù hợp với nhu cầu của thị trường.
Đối với các công trình nhà ở đã hoàn thành nhưng tồn kho không bán được do diện tích căn hộ lớn thì tùy theo từng khu vực, cho phép điều chỉnh cơ cấu căn hộ cho phù hợp với nhu cầu và khả năng thanh toán của đại bộ phận người dân....
Bộ Xây dựng cũng đề nghị với Chính phủ trình Ủy ban Thương vụ Quốc hội cho phép miễn, giảm thuế VAT đối với các hộ gia đình, cá nhân khi mua nhà xã hội và các hộ gia đình, cá nhân khi mua nhà thương mại lần đầu, áp dụng trong một thời gian nhất định. Cho các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức cao nhất trong danh mục ưu đãi về thuế theo quy định của Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp, đồng thời hướng dẫn các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản được chậm nộp tiền sử dụng đất theo tiến độ bán, cho thuê nhà ở.
Bộ Xây dựng cũng đề nghị các tổ chức tín dụng tiếp tục cho vay xây dựng, sửa chữa nhà để ở, nhà để ở kết hợp cho thuê; vay xây dựng, sửa chữa và mua bán nhà để bán, cho thuê; vay xây dựng các công trình, dự án phát triển nhà ở trong khu đô thị; các dự án bất động sản có thể hoàn thành trong năm 2013 và có khả năng thanh khoản mà không phải chịu khống chế tỷ trọng trên tổng dư nợ như đối với lĩnh vực không khuyến khích;
Có gói tín dụng dành cho người có nhu cầu được vay tiền để mua, thuê mua nhà ở với lãi suất và thời hạn vay phù hợp, thủ tục thế chấp, bảo lãnh linh hoạt, tạo điều kiện để người dân có thu nhập ổn định có khả năng mua và thuê mua nhà ở, tạo đầu ra cho thị trường bất động sản và tính thanh khoản cho tín dụng bất động sản....
Bày tỏ đồng tình, ủng hộ với nhiều kiến nghị của Bộ Xây dựng, nhất là quan điểm cần tập trung thực hiện các giải pháp ưu tiên giải quyết nhà ở cho người nghèo, người thu nhập thấp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh đây là trách nhiệm chăm lo của Đảng và Nhà nước. Thủ tướng chỉ đạo Văn phòng Chính phủ tiếp thu, hoàn chỉnh các kiến nghị của Bộ Xây dựng đưa vào Nghị quyết của phiên họp để chỉ đạo thực hiện.
Trao đổi về quan điểm diện tích căn hộ như thế nào là phù hợp với thu nhập thấp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn chứng thực tế ngay cả các nước tiên tiến trên thế giới vẫn có những căn hộ 20m2. Diện tích 25m2 hay 30m2 là phù hợp với khả năng của đại bộ phận người dân, nhất là công nhân lao động, người thu nhập thấp, hộ độc thân...
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng phân tích mâu thuẫn khi căn hộ chia nhỏ sẽ gây áp lực đối với hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục...nhưng thực tế dù có hay không căn hộ nhỏ thì người dân vẫn đổ vào đô thị làm việc, vẫn phải ở chen chúc, vất vả cực khổ, vẫn phải sử dụng xe máy để đi làm....Nếu không làm diện tích phù hợp thì người nghèo đô thị, công nhân lao động, người thu nhập thấp sẽ không thể có đủ tiền để mua được những căn hộ diện tích lớn.../.
Theo : TTXVN/Vietnam+