Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: những khó khăn của thị trường BĐS hiện nay đã kéo theo sự khó khăn của hàng loạt lĩnh vực khác của nền kinh tế, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Đó là những khó khăn trong lĩnh vực xây dựng và sản xuất VLXD, tài chính ngân hàng…Từ đó tác động đến toàn bộ nền kinh tế.….
Bộ trưởng phân tích: Trước đây, thị trường BĐS chủ yếu là của giới đầu cơ chứ chưa thực sự đến tay người tiêu dung. Do đó, khi giá BĐS xuống, van tín dụng khép lại thì thị trường đã bộc lộ những yếu kém. Sản phẩm của giới đầu cơ không bán được, còn người tiêu dùng thì không mua vì không phù hợp với khả năng thanh toán.
Theo Bộ trưởng, nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên trước hết là do các nhà đầu tư mới quan tâm đến thị trường cho người có khả năng về kinh tế, chủ yếu là trung bình và cao cấp, trong khi đó đại bộ phận người dân rất cần những sản phẩm có quy mô nhỏ, giá rẻ lại không có. Các dự án đô thị không dựa trên quy hoạch mà theo phong trào, tự phát dẫn đến cung vượt cầu. Người dân mất niềm tin vào DN đầu tư BĐS. Cùng với đó là nguồn vốn dài hạn hỗ trợ DN và tạo lập nhà ở chưa có giải pháp hữu hiệu. Bộ trưởng nhấn mạnh: “ Thực tế đòi hỏi phải có những giải pháp hữu hiệu tháo gỡ khó khăn cho thị trường”.
Hướng đến người có nhu cầu thực
Các giải pháp Bộ trưởng đưa ra tại hội nghị đã nhận được sự đồng tình hưởng ứng của các chuyên gia và DN. Đó là: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư xây dựng nhà ở, phát triển đô thị, kinh doanh BĐS theo hướng tăng cường sự quản lý từ Trung ương đến địa phương.
Coi trọng việc cân đối cung cầu trên thị trường. Công tác quy hoạch phải phù hợp, có kế hoạch sử dụng đất tránh để lãng phí. Theo Bộ trưởng, cần cụ thể hóa chiến lược quốc gia về nhà ở, trong đó xác định rõ nhà ở hàng hóa và nhà ở xã hội. Đặc biệt, cần tập trung đầu tư phát triển nhà ở xã hội, hướng đến những người có nhu cầu thực sự.
Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, để giảm bớt khó khăn cho thị trường hiện nay cần rà soát lại các dự án. Với những dự án chưa giải phóng mặt bằng nhưng không cấp thiết thì nên dừng lại. Những dự án đã giải phóng mặt bằng nhưng chưa san nền thì cũng nên dừng. Các địa phương và cơ quan chức năng cần đưa ra những cơ chế chính sách để hạn chế tình trạng lãng phí đất dự án. Đặc biệt, xem xét điều chỉnh cơ cấu nhà ở từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội cho phù hợp với nhu cầu thị trường, DN được hưởng ưu đãi và đây mới thực sự là giải pháp kích cầu thị trường.
Bộ trưởng cũng đề nghị các ngân hàng mở van tín dụng không chỉ cho người đầu tư mà trực tiếp cho người mua nhà bằng cách hạ lãi suất.
Tại hội nghị, các chuyên gia, DN đều đồng tình với những giải pháp mà Bộ Xây dựng đưa ra. Nhiều ý kiến bổ sung cũng đã đề xuất một số giải pháp nhằm giảm khó khăn cho DN, khơi thông thị trường. Ông Nguyễn Văn Hải, GĐ Sở kiến trúc quy hoạch HN cho rằng: Việc chuyển nhà ở thương mại thành nhà ở xã hội là điều hoàn toàn có thể làm được. Các DN cần đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật để có thể hấp dẫn người mua nhà.
Đồng tình với những giải pháp mà Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đưa ra, ông Nguyễn Ngọc Thành, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Hải Phòng cho rằng , đây là những giải pháp tích cực, vừa có thể tháo gỡ khó khăn trước mắt và lâu dài cho DN. Ông Thành kiến nghị, cần có chính sách quản lý giá BĐS, chứ hiện nay giá BĐS cao hơn gấp 20 lần thu nhập bình quân đầu người là quá bất cập….
Kết luận buổi đối thoại, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng khẳng định: thị trường BĐS là xương sống của nền kinh tế. Vì vậy, rất cần sự tâm huyết của những người làm công tác quản lý nhà nước, các DN, Ngân hàng để có những giải pháp quyết liệt, khoa học và thực tiễn.
Bộ trưởng nhấn mạnh, làm nhà ở xã hội chính là kích cầu thị trường. Vì vậy, các DN cần quyết liệt tham gia vào chiến lược phát triển nhà ở xã hội, vừa mang ý nghĩa xã hội, kinh tế và đáp ứng đúng nhu cầu thị trường.
Theo : Báo Xây dựng điện tử