Lạng Sơn là tỉnh miền núi ở phía Đông Bắc của tổ quốc. Phía bắc giáp tỉnh Cao Bằng, phía đông bắc giáp Sùng Tả (Quảng Tây, Trung Quốc) với đường biên giới dài 223,34km, phía nam giáp tỉnh Bắc Giang, phía đông Nam giáp tỉnh Quảng Ninh, phía tây giáp tỉnh Bắc Kạn, phía tây nam giáp tỉnh Thái Nguyên.
Lạng Sơn có 2 cửa khẩu quốc tế: cửa khẩu đường sắt Đồng Đăng và cửa khẩu đường bộ Hữu Nghị; có 4 cửa khẩu quốc gia gồm Chi Ma (Huyện Lộc Bình), Bình Nghi (Huyện Tràng Định), Tân Thanh (Huyện Văn Lãng), Cốc Nam (Huyện Cao Lộc) và 7 cặp chợ biên giới với Trung Quốc. Tỉnh là đầu mối giao thông quan trọng với các quốc lộ: 1A, 1B, 4A, 4B đi qua, tuyến đường sắt liên vận quốc tế Hà nội - Đồng Đăng Nam Ninh, Quảng tây - Trung quốc. Đây là điều kiện rất thuận lợi cho việc giao lưu kinh tế, khoa học – công nghệ với các tỉnh phía Nam trong cả nước, với Trung Quốc và qua đó sang các nước vùng Trung Á, châu Âu và các nước khác…
Thực hiện Quyết định 1055/2008/QĐ-TTg ngày 8/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung Khu kinh tế của khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn đến năm 2030, tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt việc triển khai xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn: Tiến hành củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy của Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu, hoàn thành các đồ án Quy hoạch chung, Quy hoạch phân khu, Quy hoạch chi tiết các khu chức năng, triển khai đầu tư xây dựng theo quy hoạch chi tiết Cửa khẩu Hữu nghị, Khu phi thuế quan, Quy hoạch phân khu hợp tác kinh tế biên giới, lập quy hoạch phân khu Trục trung tâm. Các cơ quan chức năng, chủ đầu tư đang đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng; đẩy nhanh tiến độ thi công hệ thống đường nội bộ cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Trung tâm dịch vụ quốc tế cửa khẩu Hữu Nghị, nhà công vụ và một số dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh. Đã bàn giao đưa vào sử dụng các dự án đường nội bộ khu II, Khu tái định cư, nâng cấp đường Pác Luống - Tân Thanh, đấu nối đường bộ qua biên giới tại cửa khẩu Tân Thanh, chợ biên giới Na Hình, Chi Ma, Cốc Nam.
Theo báo cáo của tỉnh Lạng Sơn, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) ước đạt 7,32% (mục tiêu trên 10%), trong đó công nghiệp - xây dựng tăng 5,53% , GDP bình quân đầu người đạt 23,8 triệu đồng .
Hết năm 2012, toàn tỉnh có khoảng 1.360 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký 9.300 tỷ đồng, Hoạt động của các doanh nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn đa số các doanh nghiệp đều thu hẹp qui mô và phạm vi sản xuất kinh doanh. Ước tính khoảng 300 doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động, 200 doanh nghiệp hoạt động không ổn định.
Thu hút đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh có 30 dự án có vốn đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 240,9 triệu USD, trong đó 19 dự án hoạt động ổn định, 6 dự án đang tạm ngừng hoạt động, 2 dự án gặp khó khăn vướng mắc, 1 dự án đã chấm dứt hoạt động và 2 dự án không hoạt động.
Các quy hoạch liên quan đến phát triển của tỉnh: Nhiều quy hoạch mới hoàn thành và công bố như Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lạng Sơn đến năm 2020, Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội 11 huyện, thành phố giai đoạn 2011 - 2020, Quy hoạch quản lý chất thải rắn đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thị trấn Đồng Đăng, Quy hoạch chi tiết khu vực biên giới Nà Nưa, xã Quốc Khánh, Quy hoạch chi tiết khu vực biên giới Na Hình, xã Thụy Hùng… đang trình Chính phủ phê duyệt phương án Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2011 – 2015…
Thực hiện Chương trình phát triển nhà ở, UBND tỉnh đã phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Lạng Sơn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Kết quả thực hiện Chương trình 167 đã có 98,2% số hộ nghèo được hỗ trợ nhà ở với 5.882 hộ.
Tại buổi làm việc, tỉnh Lạng Sơn kiến nghị Bộ Xây dựng quan tâm giải quyết một số vấn đề như: Hiện nay, Lạng Sơn còn thiếu các quy hoạch xây dựng, quy hoạch chi tiết các đô thị do thiếu vốn cho quy hoạch, do đó đề nghị Bộ xây dựng có ý kiến với Chính phủ bố trí đủ vốn cho công tác quy hoạch.
Về lĩnh vực phát triển đô thị: Thực hiện Quyết định số 758/QĐ-TTg ngày 8/6/2009 của Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt Chương trình nâng cấp đô thị quốc gia giai đoạn từ 2009 - 2020; Quyết định số 1659/QĐ-TTg ngày 7/11/2012 của thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012-2020 đối chiếu với các nội dung của quyết định, tỉnh Lạng Sơn có thành phố Lạng Sơn (đô thị loại III) và thị trấn Đồng Đăng (đô thị loại IV) có tiêu chí phù hợp với Chương trình. Đề nghị Bộ Xây dựng xem xét nâng cấp đô thị thị trấn Đồng Đăng và bổ xung nâng cấp đô thị cho các đô thị tỉnh Lạng Sơn
Bên cạnh đó, Lạng Sơn kiến nghị Bộ Xây dựng chỉ đạo tổng kết mô hình Quy hoạch 8 khu Kinh tế cửa khẩu trọng điểm, xây dựng Đề án tổng thể đầu tư nâng cấp các cửa khẩu trọng điểm, tạo điều kiện để tỉnh tổ chức Hội nghị giới thiệu, xúc tiến đầu tư với các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng và chỉ đạo các đơn vị trong Ngành nghiên cứu, đầu tư vào Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn
Về chương trình xây dựng nhà ở ký túc xá sinh viên: Năm 2010 UBND Tỉnh Lạng sơn đã xây dựng dự án đầu tư xây dựng nhà ở ký túc xá sinh viên đăng ký chương trình nhà ở ký túc xá sinh viên nhưng chưa được Bộ Xây dựng ghi vốn đầu tư. Đề nghị Bộ Xây dựng thẩm định và ghi danh mục đầu tư trong năm 2013 – 2014 và có cơ chế ưu đãi để phát triển với các tỉnh miền núi.
Liên quan đến xử lý chất thải rắn đô thị: Năm 2012 Tỉnh Lạng Sơn đã phê duyệt Quy hoạch xử lý chất thải rắn đô thị giai đoạn dến năm 2020, với yêu cầu về vệ sinh và môi trường của thành phố Lạng Sơn và thị trấn Đồng Đăng và các cửa khẩu thuộc Khu kinh tế của khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn, UBND tỉnh đã phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Khu kinh tế của khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn công suât 100.000 tấn/năm. Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) đã lựa chọn vào nhóm các dự án thí điểm công nghệ, chưa xác định được nguồn vốn đầu tư. Đề nghị Bộ xây dựng Thẩm định và ghi danh mục đầu tư trong năm 2013-2014 và tạo cơ chế ưu đãi với các công trình xử lý chất thải…
Sau khi nghe báo cáo cũng như các kiến nghị của tỉnh Lạng Sơn về công tác đầu tư xây dựng và ý kiến phát biểu của các cục, vụ, viện (Bộ Xây dựng), Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng Bộ nhấn mạnh: Lạng Sơn là tỉnh có nhiều lợi thế trong phát triển. Năm 2012 vừa qua mặc dù có nhiều khó khăn nhưng Lạng Sơn đã có những bước phát triển quan trọng, đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế xã hội. Bộ trưởng đánh giá: Lạng Sơn là địa phương có nhiều kinh nghiệm trong phát triển, đô thị ngày càng đổi mới, tạo môi trường tốt thu hút đầu tư. Lạng Sơn đã tăng cường công tác quản lý đầu tư xây dựng, khắc phục được tình trạng buông lỏng quản lý, hạn chế thất thoát lãng phí, nâng cao hiệu quả đầu tư. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng tỉnh đã chú trọng công tác quy hoạch, coi đây là nhân tố quan trọng tạo môi trường đầu tư. Ngoài ra, tỉnh đã chú trọng tới nguồn lực con người cho lĩnh vực xây dựng.
Bộ trưởng nhấn mạnh, trong thời gian tới, công tác quản lý nước về xây dựng sẽ tiếp tục được đổi mới, hoàn thiện các thể chế, văn bản pháp luật. Công tác phát triển đô thị được đổi mới nhằm kiểm soát phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch, khắc phục tình trạng phát triển tự phát về nhà ở.
Bộ trưởng đề nghị tỉnh tập trung điều chỉnh quy hoạch và rà soát quy hoạch để lập quy hoạch chi tiết cho phù hợp với các quy hoạch vùng; chú trong nâng cấp chất lượng đô thị mang đặc thù của một đô thị miền núi.
Về thực hiện chương trình nhà ở, coi nhà ở là trách nhiệm của nhà nước, xã hội và người dân như Chiến lược quốc gia về nhà ở ra, Bộ trưởng đề nghị Lạng Sơn thống kê nhu cầu nhà ở, chú trọng phát triển nhà ở cho công nhân, người có công, người thu nhập thấp.
Bộ trưởng đồng tình với một số kiến nghị của tỉnh trong đó có việc Lạng Sơn xây dựng thị trấn Đồng Đăng lên đô thị loại IV.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng và đoàn công tác Bộ Xây dựng đã đến thăm và làm việc với Sở Xây dựng Lạng Sơn.
Theo : Báo Xây dựng điện tử