Hội thảo tham vấn “Kết quả xây dựng đường tiêu thụ năng lượng đặc trưng, định mức năng lượng, chứng nhận hiệu quả sử dụng năng lượng trong công trình thương mại”

Thứ ba, 15/12/2020 16:35
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Ngày 15/12/2020, tại Hà Nội, Ban Quản lý dự án "Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các tòa nhà thương mại và chung cư cao tầng tại Việt Nam" (dự án EECB) tổ chức hội thảo tham vấn “Kết quả xây dựng đường tiêu thụ năng lượng đặc trưng, định mức năng lượng, chứng nhận hiệu quả sử dụng năng lượng trong công trình thương mại”. Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ Xây dựng), Phó Giám đốc dự án EECB - ông Nguyễn Công Thịnh chủ trì hội thảo.


Ông Nguyễn Công Thịnh - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường, Bộ Xây dựng chủ trì hội thảo tham vấn

Dự hội thảo có đại diện Chương trình phát triển của Liên hiệp quốc (UNDP), Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) và nhiều chuyên gia trong nước, quốc tế hoạt động trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng, môi trường.

Từ năm 2016, Bộ Xây dựng phối hợp với UNDP triển khai Dự án EECB với sự tài trợ của Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF), nhằm cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng của các tòa nhà thương mại và nhà chung cư cao tầng tại Việt Nam. Dự án gồm 3 hợp phần: cải thiện và thực thi quy chuẩn xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả; triển khai các sáng kiến hỗ trợ phát triển thị trường tòa nhà; ứng dụng và nhân rộng công nghệ tiết kiệm năng lượng tòa nhà.

Mục tiêu hợp phần đầu tiên của Dự án EECB nhằm hỗ trợ Bộ Xây dựng và UNDP xây dựng đường tiêu thụ năng lượng đặc trưng (SEC) của công trình xây dựng; xác định định mức năng lượng; xây dựng kế hoạch đo lường và thẩm định, và hệ thống dán nhãn hiệu quả năng lượng cho tòa nhà thương mại và nhà ở cao tầng ở miền Bắc, miền Trung và miền Nam Việt Nam.

Tại hội thảo, đại diện Ban Quản lý dự án EECB đã trình bày tóm tắt những nội dung được cập nhật, điều chỉnh, bổ sung sau hội thảo tham vấn lần thứ nhất (tổ chức năm 2019), và  tổng hợp các kết quả của Dự án EECB: xây dựng SEC và định mức năng lượng (sau khi đã cập nhật); những nội dung liên quan đến chứng nhận hiệu quả sử dụng năng lượng trong công trình trên thế giới; hệ thống chứng nhận hiệu quả sử dụng năng lượng trong công trình thương mại đề xuất cho Việt Nam cùng kết quả thí điểm; công bố thông tin về sử dụng năng lượng trong các tòa nhà thương mại tại Việt Nam; hệ thống cơ sở dữ liệu SEC và định mức năng lượng trực tuyến.

Theo bà Hoàng Thị Kim Cúc, Quản đốc dự án EECB: giá trị SEC được sử dụng làm đại lượng so sánh hiệu quả năng lượng để đánh giá hoặc đo hiệu suất của hiệu quả năng lượng trong một khoảng thời gian cụ thể, trong một khu vực có khí hậu xác định và thường được biểu thị bằng tỷ lệ giữa điện năng tiêu thụ trong một năm và tổng diện tích sàn của tòa nhà

Việc xác định SEC nhằm xây dựng phương pháp thống nhất để đánh giá hiệu quả của một (hoặc nhiều) loại tòa nhà; từ đó so sánh với các tòa nhà tương tự khác. Nói cách khác, SEC được tính từ dữ liệu tổng điện năng tiêu thụ và tổng diện tích sàn. Tuy nhiên, phương pháp này có thể không được áp dụng trong một số dạng tòa nhà có nhiều đơn vị sử dụng độc lập.


Chuyên gia Nicolas Jallade trình bày kết quả dự án EECB

Để thiết lập giá trị SEC và định mức năng lượng đầu tiên cho Việt Nam, chuyên gia Nicolas Jallade cho biết: dự án đã thực hiện khảo sát năng lượng tại 165 tòa nhà thuộc 5 hạng mục khác nhau ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam để xác định tình hình tiêu thụ năng lượng cụ thể và các định mức năng lượng liên quan, trong đó có cơ quan Nhà nước, văn phòng tư nhân, trung tâm thương mại, khách sạn 2 - 3 sao, khách sạn 4 - 5 sao.

Từ các kết quả khảo sát cụ thể, qua tổng hợp, phân tích, đánh giá, nhóm chuyên gia tư vấn nhận thấy: đến nay hầu hết các tòa nhà ở Việt Nam vẫn chưa có kế hoạch tiết kiệm năng lượng hàng năm và các hành động để nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong tòa nhà qua các năm. Chỉ những tòa nhà lớn như trung tâm thương mại mới thận trọng trong việc sử dụng hiệu quả năng lượng do ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của chủ sở hữu tòa nhà.

Đối với nhiệm vụ nghiên cứu chương trình/hệ thống chứng nhận nhãn hiệu quả năng lượng cho các tòa nhà, nhóm chuyên gia dựa vào kinh nghiệm của nhiều quốc gia để nghiên cứu tính khả thi của việc chứng nhận hiệu quả năng lượng cho công trình xây dựng ở Việt Nam, xác lập các yếu tố quan trọng để xây dựng và triển khai hệ thống chứng nhận hiệu quả năng lượng. Giai đoạn 1 của nhiệm vụ đã hoàn thành việc xây dựng kế hoạch triển khai để thiết lập hệ thống chứng nhận hiệu quả năng lượng cho công trình xây mới và công trình hiện hữu ở Việt Nam.


Toàn cảnh hội thảo

Tham dự hội thảo, các đại biểu ghi nhận và đề cao tính chuyên nghiệp và công sức của nhóm chuyên gia tư vấn cũng như những kết quả dự án EECB đã đạt được. Bà Vũ Thị Kim Thoa - chuyên gia cấp cao Chương trình PEEB- GIZ đánh giá: những kết quả của dự án đã góp phần quan trọng vào việc cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng của các tòa nhà thương mại và chung cư cao tầng tại Việt Nam. Đặc biệt, với việc việc đưa nội dung chứng nhận hiệu quả năng lượng vào tiêu chuẩn ISO, Việt Nam đã đạt được bước tiến lớn trong phát triển tòa nhà sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.

Bà Vũ Thị Kim Thoa mong muốn những kết quả của dự án EECB sớm được nhân rộng, và coi đây là một trong những động lực để Bộ Xây dựng, các tổ chức quốc tế cùng, các địa phương, doanh nghiệp ngành Xây dựng Việt Nam tăng cường hợp tác, triển khai các chương trình, dự án nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng không chỉ đối với các tòa nhà thương mại và chung cư cao tầng mà còn hướng đến công trình xây dựng nói chung, nhằm mục tiêu thúc đẩy công trình xanh, công trình sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả phát triển tại Việt Nam.

Trần Đình Hà

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)