Tại buổi làm việc, Chủ tịch Mai Tiến Dũng đã thông tin với Đoàn công tác đôi nét về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Theo Chủ tịch, Hà Nam là cửa ngõ Hà Nội nên tỉnh đang tập trung vào nhiệm vụ quy hoạch và phát triển đô thị. Trong đó chú trọng tới việc quy hoạch thành phố và đô thị đại học, tỉnh sẽ dành từ 900 đến 1000 ha đất cho đô thị đại học. Trong những năm qua, tỉnh đã làm tốt việc xã hội hóa nhà ở cho các hộ nghèo cô đơn, nhờ có sự đóng góp hỗ trợ tích cực của các doanh nghiệp tỉnh xây dựng được 3.254 ngôi nhà cho các hộ nghèo.
Trên địa bàn tỉnh hiện có một số trường cao đẳng như CĐ Sư phạm, CĐ Nông nghiệp, CĐ Phát thanh truyền hình ... Do đó, vấn đề xây dựng trường học, chỗ ở cho sinh viên và thầy cô đang được tỉnh tích cực triển khai. Hiện tại tỉnh đã được cấp vốn cơ bản 117 tỉ đồng/ 140,26 tỉ đồng, tỉnh đã chỉ đạo theo 3 hướng: có đất sạch để xây dựng trường, xây dựng kí túc xá cho sinh viên và dành đất cho giáo viên xây nhà.
Về lĩnh vực khai thác VLXD đang là mũi nhọn kinh tế của ngành Xây dựng, tỉnh khuyến khích đối tác đầu tư các dự án sản xuất VLXD có quy mô và công suất lớn; hiện nay nhà máy xi măng Xuân Thành công suất 8 triệu tấn/năm đang được xây dựng tiến độ đảm bảo.
Phát biểu với lãnh đạo tỉnh Hà Nam, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng vui mừng trước sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, tuy không phải là tỉnh lớn nhưng Hà Nam có tiềm năng về xây dựng, phát triển VLXD, công tác quy hoạch, quản lý xây dựng theo quy hoạch, phát triển đô thị được lãnh đạo tỉnh quan tâm, tỉnh đã tạo môi trường và cơ chế thu hút đầu tư, nhờ đó Hà Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá.
Bộ trưởng cho rằng: Hà Nam phải chú ý rà soát quy hoạch cho chuẩn, phù hợp với quy hoạch chung của toàn quốc. Quy hoạch rất quan trọng, nó có thể ảnh hưởng hàng trăm năm sau, do vậy tỉnh nên chọn tư vấn có nhiều kinh nghiệm trong việc xử lý quan hệ về hạ tầng, cơ cấu sử dụng đất. Mở rộng vùng có đô thị lõi, có liên hệ vùng, địa chỉ vùng, tỉnh. Bộ Xây dựng sẽ phối hợp, vừa thẩm định (kết hợp kinh nghiệm phát triển đô thị các nước để chọn mô hình tốt cho Việt Nam).
Bộ trưởng cho rằng phát triển đô thị đại học là hướng đi đúng đắn nhưng không nên quá xa đô thị để tạo điều kiện cho người dạy và học. Thực trạng hiện các tỉnh thiếu kỹ sư xây dựng cho nên đào tạo lực lượng kỹ thuật công nghệ là rất cần thiết (nhất là các tỉnh ở xa trung ương), hiện thất thoát trong xây dựng rất lớn nhất là thất thoát vốn NSNN. Ngành Xây dựng cần tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động xây dựng.
Về vấn đề nhà ở, chính sách xóa bao cấp nhà ở , tuy nhiên có thể gây bất ổn xã hội do vấn đề nhà ở phân hóa giàu nghèo. Bộ trưởng nêu rõ, sẽ trình Thủ tướng Chính phủ về chủ trương xây dựng nhà ở cho người nghèo để chủ trương này triển khai hiệu quả.
Về phát triển sản xuất VLXD, hiện TCty Viglacera đang có chương trình xây dựng nhà máy sản xuất VLXD tại tỉnh, đề nghị lãnh đạo tỉnh tạo điều kiện giúp đỡ doanh nghiệp triển khai dự án.
Sau khi làm việc với lãnh đạo tỉnh, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đã đến thăm và làm việc với sở Xây dựng Hà Nam. Giám đốc sở Xây dựng Lê Văn Quý, cùng các Phó giám đốc sở Phạm Mạnh Hùng , Đỗ Quang Nha đã báo cáo với Bộ trưởng về tình hình hoạt động của sở, được biết hiện sở có 50 cán bộ viên chức, thời gian qua sở đã giúp tỉnh làm tốt nhiệm vụ quản lý hoạt động xây dựng. Hiện nay, hai mảng kiến trúc và quy hoạch chiếm tới 70% công việc của sở. Bộ trưởng hỏi; “Khi thấm định dự án nếu sở không đủ khả năng thẩm định thì xử lý như thế nào?” Giám đốc Lê Văn Quý báo cáo: Sở xây dựng sẽ thuê chuyên gia. Và khi tỉnh duyệt dự án ban đầu sẽ giao cho chủ đầu tư, sở thẩm định, chủ đầu tư phê duyệt. Bộ trưởng cho rằng đây là mô hình tốt, đúng với quan điểm của Bộ Xây dựng.
Bộ trưởng nhấn mạnh, phát triển đô thị Hà Nam là đúng hướng, quản lý chất lượng xây dựng phải từ chiến lược (quy hoạch, kế hoạch, thiết kế, thi công nghiệm thu) là cả một chuỗn hoạt động. Bộ Xây dựng lập lại trật tự về quản lý đầu tư xây dựng và hoàn thiện pháp luật về đầu tư xây dựng. Cơ quan quản lý NN giữ quyền với vốn NSNN thẩm định xây dựng, chỉ cho chủ đầu tư phê duyệt. Bộ trưởng đánh giá cao chiến lược phát triển xây dựng Hà Nam, mong rằng sở giữ vững và làm tốt hơn để sở Xây dựng là cánh tay nối dài của Bộ Xây dựng và địa phương. Việc thành lập Ban quản lý phát triển đô thị là cần thiết vì đây là Ban giúp ngành về quản lý quy hoạch phát triển các dự án đô thị trên địa bàn.
Theo : Báo Xây dựng điện tử