Tại buổi làm việc, đại diện Cty CP Công nghiệp nặng Kawasaki đã báo cáo với Thứ trưởng kết quả tính toán sau khi nghiên cứu lại dự án. Một số vấn đề về giảm giá thành, các điều kiện tiền đề không phù hợp với thực tế của Việt Nam, so sánh hiệu quả và chi phí xây dựng với phương pháp xử lý rác khác (lò stocker), giải thích về thiết bị nhánh trích khí clo… đã được điều chỉnh, xem xét và bổ sung thêm so với lần trước.
Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho biết, Việt Nam rất quan tâm đến vấn đề xử lý rác thải, đặc biệt rác thải đô thị đang là vấn đề bức xúc của nhiều địa phương trong cả nước. Thứ trưởng hoan nghênh sáng kiến triển khai dự án xử lý chất thải sử dụng lò xi măng của Nhật Bản khi áp dụng tại Việt Nam.
Đồng thời nhấn mạnh, nền kinh tế Việt Nam còn nhiều khó khăn, chi phí đầu tư cho các dự án cần phải tiết giảm nên việc lựa chọn công nghệ xử lý rác thải cũng phải phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Nếu chỉ dựa vào những tính toán lần này của dự án thì mức giảm giá chưa hiệu quả.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng đề cấp tới xu hướng ở một số nước trên thế giới như Đức, Pháp, Trung Quốc… sử dụng nhà máy xi măng như một nhà máy xử lý rác thứ hai bằng công nghệ đốt rác trực tiếp trong lò quay xi măng, có mức đầu tư thêm thấp.
Đối với công nghệ của Kawasaki và các nhà máy con, đầu tư thiết bị đốt ở ngoài tạo khí, rồi đưa khí vào lò đốt, không ảnh hưởng đến chất lượng xi măng nhưng chi phí đầu tư lại cao.
Vì vậy, Thứ trưởng đề nghị hai bên có bước tiến tiếp theo để biến dự án thành hiện thực. Kawasaki cần tính toán, xem xét lại chính sách ưu đãi thuế, lãi suất vay dài hạn để tăng hiệu quả… trên cơ sở tính toán giảm quy mô, khối lượng, mức độ hoàn thiện, một phần thiết bị như băng tải, đường ống chế tạo tại Việt Nam; tính lại mức chi phí xử lý rác thải từ 30 USD/tấn xuống còn khoảng 20 USD/tấn…
Đây không phải là dự án duy nhất nhưng lại là dự án đầu tiên nên nếu Kawasaki triển khai thành công sẽ có cơ hội đầu tư tiếp vào một số khu vực, TP khác tại Việt Nam.
Theo : Báo Xây dựng điện tử