Trình bày tóm tắt sự cần thiết, nội dung và cơ sở biên soạn TCVN …2013 “Thiết bị đóng cọc – Yêu cầu an toàn”, chủ nhiệm đề tài - TS.Nguyễn Hoài Nam cho biết: Thiết bị đóng cọc rất đa dạng về kiểu dáng, kích thước, nguyên lý vận hành. , do đó khi sử dụng loại thiết bị này cần tuân thủ nghiêm các yêu cầu về an toàn trong tất cả các khâu từ lắp đặt, vận hành, bảo dưỡng đến tháo dỡ, vận chuyển. Tại Việt Nam cho tới nay, mới chỉ có các tiêu chuẩn thi công và nghiệm thu đóng và ép cọc, trong đó chỉ có một phần nhỏ đề cập tới vấn đề an toàn đối với thiết bị đóng cọc. Trước tình hình đó, việc xây dựng tiêu chuẩn mới của Việt Nam về vấn đề liên quan là rất cần thiết, nhằm đảm bảo an toàn cho máy và người, cải thiện điều kiện làm việc, góp phần bảo vệ môi trường. Dựa trên tài liệu chính là tiêu chuẩn châu Âu BS EN 996.: 1995 + A3: 2009 “Thiết bị đóng cọc – Yêu cầu an toàn”, nhóm nghiên cứu đã chuyển dịch và biên soạn TCVN…2013 “Thiết bị đóng cọc – Yêu cầu an toàn” với 6 điều, 7 phụ lục, và đầy đủ các tài liệu viện dẫn.
Báo cáo với Hội đồng về sự cần thiết, nội dung, cơ sở biên soạn TCVN …2013 “Máy đào và chuyển đất – An toàn - Phần 1: Yêu cầu chung” và TCVN …2013 “Máy đào và chuyển đất – An toàn - Phần 5: Yêu cầu đối với máy đào thủy lực”, chủ nhiệm các đề tài – TS. Đỗ Kiên cũng cho biết: Máy đào thủy lực là thiết bị đào đất được sử dụng phổ biến, đóng vai trò rất quan trọng trong ngành xây dựng cơ bản. Máy đào và chuyển đất là thiết bị thi công chủ lực trong xây dựng nói riêng và kỹ thuật nói chung. Hiện nay, trong hệ thống TCVN chưa có tiêu chuẩn nào đề cập tới yêu cầu an toàn đối với các loại máy trên. Do vậy, xây dựng tiêu chuẩn riêng của Việt Nam về các loại máy xây dựng này là cần thiết, để có thể khai thác một cách hiệu quả chức năng, công dụng, nâng cao chất luợng sử dụng thiết bị, đồng thời đảm bảo yêu cầu đồng bộ quốc tế và trong khu vực. Trên cơ sở các tiêu chuẩn châu Âu BS EN 474-1:2008+1:2009 ‘Máy đào và chuyển đất – An toàn - Phần 1:Yêu cầu chung’, BS EN 474-5:2008+1:2009 “Máy đào và chuyển đất – An toàn - Phần 5: Yêu cầu đối với máy đào thủy lực”, nhóm tác giả đã xây dựng 02 tiêu chuẩn tương ứng
Các ủy viên phản biện và thành viên Hội đồng đều đánh giá rất cao nỗ lực của các nhóm tác giả trong nghiên cứu biên soạn 03 tiêu chuẩn nêu trên. Bên cạnh đó, Hội đồng cũng đóng góp nhiều ý kiến xác đáng về câu chữ, thuật ngữ, cách chuyển dịch và bố cục cho đúng với tiêu chuẩn của Việt Nam.
Kết luận cuộc họp, Chủ tịch Hội đồng Trần Hữu Hà lưu ý các nhóm tác giả nhanh chóng chỉnh sửa 03 dự thảo tiêu chuẩn theo ý kiến của Hội đồng, sửa tên tiêu chuẩn đầu tiên thành “ Thiết bị thi công cọc đóng – Yêu cầu an toàn”, hoàn chỉnh các dự thảo trong tháng 12/2013 để Bộ Xây dựng có cơ sở đề nghị Bộ Khoa học & Côngnghệ sớm ban hành.
Ba dự thảo tiêu chuẩn đều được Hội đồng nhất trí nghiệm thu với kết quả xếp loại Khá.
Phòng TT-TL