Ngày 25/11/2020, Bộ Xây dựng đã tổ chức họp Hội đồng tư vấn đánh giá nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ “Soát xét QCVN 18:2014/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia an toàn trong xây dựng”. TS. Lê Minh Long – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ Xây dựng) là Chủ tịch Hội đồng.
Toàn cảnh họp Hội đồng nghiệm thu
Theo TS. Lê Minh Long, việc thực hiện Đề án Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 198/QĐ-TTg ngày 09/02/2018 (Đề án 198) là một trong những nhiệm vụ được Bộ Xây dựng tập trung triển khai những năm qua nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của ngành Xây dựng và phù hợp thông lệ quốc tế. Trong hệ thống các quy định kỹ thuật liên quan đến an toàn trong xây dựng, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 18:2014/BXD về an toàn trong xây dựng (QC-18) đang có hiệu lực thi hành và là quy định bắt buộc phải thực hiện. Việc soát xét và biên soạn lại QC-18 là một trong những nhiệm vụ khoa học công nghệ nhằm cụ thể hóa Đề án 198 và được giao cho Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng).
QC-18 được biên soạn dựa trên tiêu chuẩn về an toàn trong xây dựng của Nga, tiêu chuẩn về an toàn và sức khỏe trong xây dựng ILO 1992 và một số tài liệu khác. Thực tiễn áp dụng quy chuẩn này cho thấy một số vấn đề cần phải chỉnh sửa bổ sung. Do đó, việc soát xét, biên soạn lại QC-18 là cần thiết.
Báo cáo Hội đồng, TS. Lê Trường Giang – Phó Phòng Quản lý an toàn xây dựng, Cục Giám định cho biết: Dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đảm bảo an toàn và sức khỏe trong thi công xây dựng công trình (mã hiệu mới dự kiến là QCVN 08:202x/BXD) được xây dựng trên cơ sở tiêu chuẩn ILO 1992 , đồng thời sử dụng một số nội dung đang áp dụng trong thực tiễn của QCVN 18:2014/BXD, một số nội dung quy định về an toàn và sức khỏe trong xây dựng của Mỹ, Singapore và một số nội dung của ILO 1972 (không có trong ILO 1992), các quy định có liên quan trong hệ thống các Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia; ngoài ra được biên soạn mới một số mục đảm bảo tính cập nhật và phù hợp nhất với điều kiện thực tế Việt Nam hiện nay.
Dự thảo QCVN 08:202x/BXD gồm 6 phần, quy định các yêu cầu về kỹ thuật, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến công tác đảm bảo an toàn và sức khỏe cho người làm việc ở công trường xây dựng và người dân ở khu vực lân cận công trường xây dựng. Các nội dung trong các mục của Dự thảo Quy chuẩn tập trung vào các đối tượng là nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp có ảnh hưởng đến sức khỏe (thể chất và tinh thần) và an toàn (bị thương hoặc nguy hiểm tính mạng) của người lao động và người bên ngoài công trình.
Dự thảo được biên soạn có một số sửa đổi và bổ sung mới so với QC-18. Về đối tượng công trình áp dụng, dự thảo đề cập đến các loại công trình khác; vấn đề trang thiết bị cá nhân, quy định về đảm bảo sức khỏe, vệ sinh môi trường bởi đây là vấn đề có liên quan trực tiếp đến các tai nạn lao động; bổ sung các quy định về đảm bảo an toàn và môi trường sống cho người ngoài công trường. Về nội dung, dự thảo đã lược bớt một số mục quy định quá chi tiết (tránh việc dẫn đến nhiều quy định khá cứng nhắc trong áp dụng), và bổ sung nội dung chi tiết cho một số mục (mở rộng đối tượng áp dụng và cập nhật một số loại hình hoặc công tác thi công được sử dụng trong thực tế). Dự thảo cũng đã cập nhật các quy định, thiết bị mới đưa vào sử dụng tại Việt Nam cũng như quy định riêng về thử nghiệm, kiểm định đánh giá an toàn xe, máy, thiết bị sử dụng trên công trường. Về bố cục, dự thảo trình bày theo chuẩn quốc tế của ILO 1992 để các nhà thầu Việt Nam khi thi công các dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cũng như khi thực hiện các dự án công trình tại nước ngoài dễ thực hiện, đảm bảo các quy định chung của quốc tế và Việt Nam.
Đánh giá về kết quả nhiệm vụ, hai ủy viên phản biện là PGS.TS Lưu Đức Thạch (trường Đại học Xây dựng) và ThS. Nguyễn Văn Nhậm (trường Đại học Giao thông vận tải) cùng các thành viên Hội đồng đều nhất trí đánh giá cao chất lượng dự thảo, sự làm việc chuyên nghiệp, nghiêm túc với tình thần trách nhiệm cao của Ban soạn thảo và cơ quan chủ trì nhiệm vụ. Một số nội dung bổ sung mới được các chuyên gia đến từ các bộ, ngành, công ty xây dựng đánh giá rất cao như: nhận diện 12 vùng/khu vực nguy hiểm (cụ thể hóa khái niệm khu vực/vùng nguy hiểm quy định trong Luật Xây dựng sửa đổi số 62/2020/QH14); quy định những việc cần làm để đảm bảo an toàn ứng phó với điều kiện thời tiết nguy hiểm, cực đoan; quy định để đảm bảo an toàn cho người lao động và cộng đồng trong trường hợp công trình ngừng thi công thời gian dài…Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng thảo luận, góp ý chi tiết một số nội dung chuyên môn để Ban soạn thảo xem xét nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo đảm bảo đạt chất lượng tốt nhất.
Dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đảm bảo an toàn và sức khỏe trong thi công xây dựng công trình đã được Hội đồng nghiệm thu, kết quả xếp loại Xuất sắc.