Nghiệm thu các đề tài khoa học công nghệ của trường Đại học Xây dựng Miền Tây

Thứ tư, 25/11/2020 14:39
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Ngày 24/11/2020, Bộ Xây dựng đã họp Hội đồng khoa học công nghệ chuyên ngành nghiệm thu hai đề tài nghiên cứu khoa học do trường Đại học Xây dựng Miền Tây thực hiện - “Đánh giá sự tương quan sức chịu tải của cọc ép bê tông cốt thép theo lý thuyết và bằng thực nghiệm và đề xuất phương án tính toán”, mã số RD 75-16; “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ chế tạo panel tường, sàn bằng vữa xi măng và xốp phế liệu cho các tỉnh thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long”, mã số RD 28-17. TS. Lê Minh Long – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ Xây dựng) chủ trì cuộc họp.

Toàn cảnh họp Hội đồng nghiệm thu

Báo cáo với Hội đồng kết quả thực hiện đề tài, Th.S Đoàn Văn Đẹt – chủ nhiệm đề tài “Đánh giá sự tương quan sức chịu tải của cọc ép bê tông cốt thép theo lý thuyết và bằng thực nghiệm và đề xuất phương án tính toán” cho biết: kết quả đề tài ngoài báo cáo tổng kết, phụ lục kết quả tính toán còn có Sổ tay hướng dẫn tính toán. Trong báo cáo tổng kết, nhóm đề tài đã đi sâu nghiên cứu tổng quan lý thuyết tính toán sức chịu tải cọc (hệ thống các phương pháp xác định sức chịu tải cọc của cọc theo các đề xuất, nghiên cứu trước đây và theo các tiêu chuẩn hiện hành); thí nghiệm xác định sức chịu tải cọc bê tông cốt thép đúc sẵn bằng tải trọng tĩnh ép dọc trục (mô tả về nguyên lý, quy trình thí nghiệm chủ yếu theo TCVN 9393:2012 và các phương pháp xác định sức chịu tải giới hạn từ kết quả thí nghiệm nén tĩnh); phân tích, đánh giá sức chịu tải cọc bê tông cốt thép bằng lý thuyết và thí nghiệm thử tĩnh cọc. Trong phụ lục kết quả tính toán sức chịu tải của cọc theo lý thuyết và kết quả thử tĩnh, nhóm đã trình bày về kết quả tính toán sức chịu tải cọc của 10 công trình tại 2 thành phố Vĩnh Long, Tiền Giang theo chỉ tiêu cơ lý, chỉ tiêu cường độ của đất nền, theo kết quả xuyên tiêu chuẩn SPT và kết quả thí nghiệm nén tĩnh tại hiện trường. Sổ tay hướng dẫn tính toán sức chịu tải cọc bê tông cốt thép đúc sẵn được biên soạn nhằm tóm tắt lý thuyết và ví dụ tính toán.

Nhận xét về đề tài, các thành viên Hội đồng đánh giá: về cơ bản, nhóm tác giả đã hoàn thành khối lượng nhiệm vụ so với mục tiêu. Tuy vậy nội dung của các nghiên cứu cần bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện thêm. Đặc biệt nhóm tác giả cần xem xét chỉnh sửa về các tiêu chí dùng để đánh giá (loại sức chịu tải nào của cọc), phương pháp đánh giá (thống kê, so sánh…), số liệu đánh giá , các cơ sở khoa học để đưa ra các kết luận trong nghiên cứu. Báo cáo tổng kết cần thể hiện nguồn trích dẫn các tài liệu tham khảo. Trong phần ví dụ tính toán không nên đưa các kết quả thí nghiệm nén tĩnh cọc hiện trường mà nên đưa các hệ số hiệu chỉnh tính toán lý thuyết dựa trên tương quan giữa sức chịu tải của nén tĩnh thực tế và sức chịu tải dự báo theo lý thuyết.

Về đề tài “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ chế tạo panel tường, sàn bằng vữa xi măng và xốp phế liệu cho các tỉnh thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long”, KS. Giang Minh Nhựt thay mặt nhóm đề tài cho biết:  mục tiêu của đề tài là triển khai ứng dụng vật liệu không nung thân thiện với môi trường để xây dựng các công trình vừa và nhỏ, góp phần giảm giá thành và thay thế dần gạch đất sét nung trên toàn khu vực Tây Nam Bộ.

Sản phẩm của đề tài gồm báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu của đề tài và hồ sơ dữ liệu quy trình công nghệ chế tạo và ứng dụng tấm panel tường, sàn bằng vữa xi măng và xốp. Trong báo cáo tổng hợp, nhóm tác giả đề cập tới các nghiên cứu tổng quan ứng dụng panel tường, sàn sử dụng vữa xi măng và xốp phế liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long; những thông số tấm panel hạt xốp được sản xuất ứng dụng; nghiên cứu xây dựng quy trình sản xuất, quy trình lắp dựng panel hạt xốp;  ứng dụng công nghệ sản xuất panel hạt xốp; ứng dụng thiết kế, thi công, nghiệm thu panel hạt xốp; đánh giá hiệu quả kinh tế, kỹ thuật của công nghệ sản xuất và thi công tấm panel xốp. Báo cáo cũng có phần phụ lục đi kèm, với danh mục 16 công ty thuộc các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã được chuyển giao công nghệ và thiết kế. Hồ sơ dữ liệu quy trình công nghệ chế tạo và ứng dụng tấm panel tường, sàn bằng vữa xi măng và xốp gồm 6 phần. Mục tiêu triển khai ứng dụng đã được thực hiện thông qua sản phẩm là công trình thực nghiệm và chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Nhận xét về kết quả đề tài, Hội đồng nhất trí: nhóm đề tài đã nỗ lực thực hiện khối lượng lớn công việc, đạt được mục tiêu đề ra. Tuy có những hạn chế về cơ sở khoa học và tính chính xác, chi tiết của công nghệ chế tạo panel tường, sàn bằng vữa xi măng và xốp phế liệu, song đề tài cũng đã thể hiện đầy đủ sản phẩm, đặc biệt công tác chuyển giao và công trình thực nghiệm đã đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ khoa học. Hội đồng cũng đề nghị nhóm đề tài chỉnh sửa, bổ sung một số nội dung vào báo cáo tổng hợp và dữ liệu quy trình công nghệ để hoàn thiện nhiệm vụ (bổ sung thiết kế tấm, neo thép tấm vào dầm; yêu cầu về tải trọng thiết kế; yêu cầu thử tải và nghiệm thu thi công…).

Cả hai đề tài của trường Đại học Xây dựng Miền Tây được Hội đồng nhất trí nghiệm thu, với kết quả đều đạt loại Khá.

Ninh Hoàng Hạnh

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)