Ngày 2/11/2020, Hội đồng Tư vấn Bộ Xây dựng tổ chức họp đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ của trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, bao gồm xây dựng các dự thảo Tiêu chuẩn Việt Nam “Yêu cầu an toàn giàn giáo”, “Sàn nâng di động xây dựng - Thiết kế, tính toán, yêu cầu an toàn và phương pháp thử nghiệm”, “Cột chống kiểu ống lồng trong xây dựng - Yêu cầu kỹ thuật và thiết kế”. Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường Vũ Ngọc Anh chủ trì cuộc họp.
Toàn cảnh cuộc họp
Báo cáo với Hội đồng, chủ nhiệm đề tài - TS. Đoàn Đình Điệp cho biết: hiện nay hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến giàn giáo, sàn nâng di động xây dựng, cột chống kiểu ống lồng trong xây dựng ở Việt Nam nhìn chung còn thiếu, một số tiêu chuẩn đã lỗi thời, không còn phù hợp tình hình thực tế. Do đó, việc xây dựng ba tiêu chuẩn nêu trên rất cấp thiết.
Tiêu chuẩn “Yêu cầu an toàn giàn giáo” xác lập các yêu cầu về an toàn khi lắp dựng, sử dụng, bảo trì, tháo dỡ giàn giáo xây dựng trong sửa chữa, phá dỡ, xây mới, hoàn thiện nhà và kết cấu công trình. Tiêu chuẩn này không áp dụng đối với các hệ giàn giáo treo vĩnh viễn và các sàn nâng di dộng. Mục đích của tiêu chuẩn nhằm đưa ra yêu cầu đối với các chỉ tiêu an toàn vệ sinh lao động cho nhân công thực hiện các công việc liên quan đến giàn giáo.
Tiêu chuẩn “Sàn nâng di động xây dựng - Thiết kế, tính toán, yêu cầu an toàn và phương pháp thử nghiệm” quy định các yêu cầu khi tính toán thiết kế, quy định an toàn và phương pháp kiểm tra đối với sàn nâng di động. Mục tiêu của tiêu chuẩn nhằm nâng cao chất lượng công tác quản lý an toàn sàn nâng di động trong xây dựng.
Tiêu chuẩn “Cột chống kiểu ống lồng trong xây dựng - Yêu cầu kỹ thuật và thiết kế” được biên soạn nhằm nâng cao chất lượng công tác quản lý an toàn cột chống kiểu ống lồng trong xây dựng.
Theo TS. Đoàn Đình Điệp: ba dự thảo tiêu chuẩn đều được xây dựng trên cơ sở chuyển dịch tương đương từ các tiêu chuẩn của châu Âu và Hoa Kỳ, có tham khảo một số tiêu chuẩn của Nga, Úc, Singapre, đồng thời Việt hóa trong quá trình biên dịch.
Tại cuộc họp, Hội đồng Tư vấn Bộ Xây dựng đã có những nhận xét, góp ý giúp nhóm nghiên cứu hoàn thiện Báo cáo tổng kết và dự thảo ba tiêu chuẩn. Hội đồng đánh giá nhóm nghiên cứu đã hoàn thành tốt nhiệm vụ theo hợp đồng, chất lượng các bản dịch đảm bảo. Tuy nhiên, nhóm cũng cần giữ nguyên cấu trúc nội dung tiêu chuẩn như các bản gốc khi chuyển dịch tương đương; chú trọng hơn yếu tố Việt hóa trong quá trình chuyển dịch nhằm tạo điều kiện tiếp cận và sử dụng cho người Việt; rà soát, chỉnh sửa các bảng vẽ và các lỗi chế bản nhằm đảm bảo tính chính xác, hợp lý.
Hội đồng Tư vấn Bộ Xây dựng nhất trí nghiệm thu ba dự thảo Tiêu chuẩn Việt Nam, với kết quả đều đạt loại Khá.