Phát triển đô thị là động lực cơ bản cho phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia và các vùng miền trên cả nước. Tính đến nay, cả nước có 858 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa ước đạt 39,3%. Các đô thị đã và đang là những trung tâm của hoạt động kinh tế xã hội đồng thời cũng là trung tâm của đổi mới sáng tạo, giáo dục, nghiên cứu khoa học công nghệ, sản xuất, thương mại và hội nhập quốc tế.
Thực hiện Đề án Chính phủ phê duyệt về “Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý về xây dựng và phát triển đô thị đối với công chức và lãnh đạo chuyên môn đô thị các cấp giai đoạn 2010-2020” (theo Quyết định 1961/QĐ-Ttg), Sáng ngày 23/10/2020, tại TP Đà Nẵng, Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị - Bộ Xây dựng (Cơ quan được giao chủ trì thực hiện Đề án) đã phối hợp với Sở Nội vụ TP Đà Nẵng tổ chức Khóa Đào tạo chuyên sâu về Quản lý trật tự xây dựng đô thị theo Đề án 1961 của Chính phủ.
Tham dự Lễ khai giảng có ông Đặng Chí Thanh - Phó Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng cùng đông đủ 65 học viên là lãnh đạo, cán bộ chuyên môn các phòng ban của Sở Xây dựng, các thành phố, thị xã, huyện, các Ban quản lý dự án và các đối tượng khác có liên quan của TP Đà Nẵng.
Phát biểu khai giảng Khóa Đào tạo, ông Đặng Chí Thanh - Phó Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng khẳng định: Chương trình đào tạo rất thiết thực đối với TP. Đà Nẵng. Đề nghị các học viên
tham dự lớp học đầy đủ, thực hiện tốt nội quy lớp học để tiếp thu được nhiều kiến thức hữu ích áp dụng tốt vào việc triển khai công việc thực tế. Cảm ơn sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Xây dựng, Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị đã tạo điều kiện tổ chức khóa đào tạo rất ý nghĩa cho cán bộ trực thuộc của TP Đà Nẵng.
Chương trình Đào tạo chuyên sâu về Quản lý trật tự xây dựng đô thị diễn ra trong 2 ngày (23/10/2020- 24/10/2020) bao gồm các chuyên đề như: Kỹ năng nhận diện các hành vi vi phạm hành chính trong xây dựng; Thẩm quyền và các hình thức áp dụng xử phạt vi phạm hành chính; Thực hiện cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng; Kỹ năng tiếp nhận thông tin vụ việc và giải quyết khiếu nại, tố cáo; Trao đổi kinh nghiệm thực tiễn.
Hiện nay, Đề án 1961 đã đào tạo bồi dưỡng được 700 lớp với số lượng hơn 32.000 học viên. Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị là cơ quan được Chính phủ và Bộ Xây dựng giao chủ trì thực hiện Đề án đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương nhằm mục tiêu nâng cao nhận thức, năng lực quản lý, điều hành cho công chức lãnh đạo, chuyên môn đô thị các cấp trong công tác quản lý xây dựng, phát triển đô thị Việt Nam, tạo sự thống nhất và đồng đều của công tác này trên cả nước. Với nội dung chuyên đề thiết thực, các giảng viên có kiến thức chuyên môn sâu và kinh nghiệm thực tiễn sẽ đem đến những giờ giảng thú vị, chia sẻ nhiều kinh nghiệm hữu ích với các cán bộ của TP Đà Nẵng. Đề án đã đáp ứng được tính cấp thiết và khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta.