Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn
Tham dự và phát biểu tại Diễn đàn có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà; lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Bộ Công an; Ban Thư ký ASEAN; lãnh đạo UBND các thành phố.
Đây là sự kiện quốc tế có quy mô lớn gắn với các hoạt động chính thức trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam, với sự tham gia của nhiều lãnh đạo cấp cao trong nước, khu vực ASEAN và đại diện lãnh đạo các tổ chức quốc tế. Diễn đàn được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại 35 điểm cầu trên thế giới.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho biết: hiện nay quá trình đô thị hóa và quá trình chuyển đổi số đang diễn ra nhanh chóng trên toàn thế giới. Ước tính có đến 55% dân số toàn cầu hiện đang sinh sống tại các đô thị và dự báo khoảng 70% dân số toàn cầu sẽ chọn đô thị làm nơi sinh sống vào năm 2050. Các đô thị tạo ra khoảng 80% GDP toàn cầu nhưng đồng thời cũng là tác nhân của 70% lượng cácbon điôxít (CO2) trên toàn thế giới. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra và làm thay đổi mạnh mẽ bộ mặt của các đô thị.
Tại khu vực ASEAN, hơn một nửa dân số hiện đang sinh sống tại các đô thị và quá trình đô thị hóa của khu vực đang tiếp tục diễn ra mạnh mẽ. Đô thị hóa mang đến cơ hội phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề do tập trung dân cư ngày càng đông, cụ thể lượng tài nguyên tiêu thụ rất lớn, tác động tiêu cực đến môi trường và sự quá tải của hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Do đó, yêu cầu phát triển đô thị thông minh bền vững là hết sức cần thiết.
Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá: Diễn đàn Cấp cao về Đô thị thông minh ASEAN 2020 là dịp quan trọng để các quốc gia, đô thị thành viên cùng trao đổi kinh nghiệm, thực tiễn trong phát triển đô thị thông minh một cách toàn diện, đồng thời thúc đẩy quan hệ đối tác ngoài khối nhằm đẩy nhanh quá trình đô thị hóa thông minh hiệu quả, hướng đến các mục tiêu nền kinh tế cạnh tranh, môi trường bền vững và chất lượng cuộc sống cao. Việt Nam xác định xây dựng đô thị thông minh là một trong ba nhiệm vụ cốt lõi trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia, đồng thời ban hành chính sách phát triển Đô thị thông minh bền vững đến 2025 và tầm nhìn 2030.
Toàn cảnh Diễn dàn
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, phát triển đô thị thông minh, bền vững là một hướng đi có tính đột phá để góp phần nâng cao tính cạnh tranh quốc gia. Bên cạnh đó, mục tiêu nhân văn của đô thị thông minh là hướng đến cuộc sống hạnh phúc, sự phát triển toàn diện con người, bảo vệ môi trường và thiết lập hệ sinh thái đô thị bền vững.
Thủ tướng cảm ơn các nhà lãnh đạo cấp cao của các quốc gia thành viên, Ngài Tổng thư ký ASEAN, Ban Thư ký ASEAN, các nhà quản lý, đại diện các đô thị thành viên, các đối tác, chuyên gia và bạn bè quốc tế đã và đang tiếp tục đóng góp sáng kiến hợp tác, ý tưởng cho sự phát triển của Mạng lưới đô thị thông minh ASEAN nói riêng và toàn ASEAN nói chung, đồng thời mong muốn các thành viên ASEAN nâng cao tinh thần đoàn kết, quyết tâm, cùng chung tay thực hiện tốt 5 ưu tiên của Năm ASEAN 2020 - củng cố môi trường hòa bình, kết nối thịnh vượng, phát triển cộng đồng và bản sắc ASEAN, thúc đẩy quan hệ đối tác quốc tế và đẩy mạnh năng lực thể chế ASEAN.
Tại phiên báo cáo chính, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng của khu vực đô thị, quá trình đô thị hoá và phát triển đô thị, đặc biệt trong xu thế phát triển và sự ảnh hưởng mạnh mẽ từ cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0. Đô thị hoá và phát triển đô thị đã mang lại những thành tựu to lớn cho nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có khu vực ASEAN. Định hướng thông minh trong quá trình xây dựng và phát triển các đô thị sẽ góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội, thúc đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất lao động, cải thiện cuộc sống của người dân và góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
Tuy nhiên, các quốc gia cần chú trọng giải quyết vấn đề tăng trưởng đô thị bền vững hướng đến mục tiêu lấy con người làm trọng tâm, giải quyết mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển, củng cố bản sắc, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, đồng thời bảo vệ được nguồn tài nguyên và các hệ sinh thái tự nhiên.
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà phát biểu tại Diễn đàn
Đánh giá về những cơ hội và thách thức trong phát triển đô thị thông minh tại nước ta hiện nay, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nhấn mạnh: Việt Nam đã chủ động tiếp cận và định hướng phát triển đô thị thông minh từ khá sớm, bắt nhịp với các quốc gia trên thế giới; đã tích cực triển khai thực hiện chuyển đổi số; hạ tầng thông tin đã cơ bản được phủ sóng 4G; khả năng tiếp cận các dịch vụ về công nghệ thông tin và tỷ lệ sử dụng các thiết bị di động ở mức khá cao so với thế giới.
Theo Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam cần tập trung thực hiện một số nội dung trọng tâm về quy hoạch đô thị thông minh, quản lý đô thị thông minh, cung cấp các tiện ích thông minh và xây dựng cơ sở nền tảng và tăng cường tiềm lực thực hiện; cần xác định rõ bản chất của đô thị thông minh chính là sự liên kết, chia sẻ và tích hợp thông tin, phát triển theo chiều sâu, đổi mới cơ chế và thể chế. Bộ Xây dựng, với vai trò là bộ quản lý ngành sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các Bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương, các tổ chức trong và ngoài nước liên quan để thúc đẩy mạnh quá trình đô thị hoá và phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam theo những chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước.
Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi phát biểu trực tuyến tại Diễn đàn
Tham gia phát biểu trực tuyến tại Diễn đàn, ông Lim Jock Hoi - Tổng Thư ký ASEAN khuyến nghị: Các quốc gia trong khu vực cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số để ASEAN có một nền tảng công nghệ mạnh mẽ cho các thành phố thông minh; thông qua công tác quản lý, hài hòa các quy định và thúc đẩy trao đổi dữ liệu trong nền kinh tế kỹ thuật số giữa các quốc gia thành viên ASEAN để giải quyết các thách thức đô thị và tạo ra các nguồn tăng trưởng mới; cần tăng cường chia sẻ các giải pháp thực tiễn hiệu quả để giúp giảm khoảng cách trong việc tiếp cận thông tin y tế và dịch vụ chăm sóc sức khỏe của người nghèo thành thị; cần hợp tác chặt chẽ giữa các cấp chính quyền, khu vực công và tư nhân, thực hiện các phương pháp tiếp cận lấy người dân làm trung tâm, tăng cường quan hệ đối tác thành phố thông minh trong và ngoài khu vực.
Cùng tham gia Diễn đàn theo phương thức trực tuyến, bà Keren Dunn Kelley, Thứ trưởng Bộ Thương mại Hoa Kỳ khẳng định lại cam kết của Chính phủ Hoa Kỳ và khu vực tư nhân với các quốc gia Châu Á để tiếp tục hợp tác cùng nhau trong các hoạt động hướng tới các thành phố thông minh, bền vững và phát triển. Bà Keren Dunn Kelley đề nghị các bên tăng cường nỗ lực để cùng nhau thông qua quan hệ đối tác thành phố thông minh Hoa Kỳ - ASEAN. Hoa Kỳ cam kết hợp tác lâu dài với các quốc gia thành viên ASEAN không chỉ về thành phố thông minh, mà rộng hơn nữa là công nhận vai trò trung tâm của ASEAN đối với Tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, về mặt kinh tế sẽ gắn kết với những ưu tiên về cơ sở hạ tầng, năng lượng và hợp tác kỹ thuật số.
Phát biểu bế mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cảm ơn lãnh đạo Đảng, Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương, khách mời quốc tế đã tham dự Diễn đàn, đồng thời cho biết, những nội dung đã được đề cập, thảo luận trong Diễn đàn cấp cao và những hội thảo chuyên đều rất thiết thực, nhiều ý tưởng có tầm nhìn với những luận cứ khoa học và thực tiễn cụ thể nhằm thúc đẩy phát triển đô thị thông minh của Việt Nam nhanh, bền vững và hiệu quả.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà và các đại biểu tham quan các gian hàng triển lãm về đô thị thông minh
Từ kết quả của Diễn đàn cấp cao về đô thị thông minh 2020 gắn với việc đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị, với trách nhiệm là cơ quan chủ trì thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra và giám sát thực hiện Nghị quyết 52, Ban Kinh tế Trung ương sẽ tổng hợp đầy đủ các ý kiến trao đổi tại phiên toàn thể và các hội thảo chuyên đề, trên cơ sở đó sẽ nghiên cứu, chắt lọc để báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư những vấn đề trọng tâm cần xử lý nhằm góp phần thúc đẩy phát triển các đô thị thông minh của Việt Nam, gắn kết chặt chẽ với hệ thống đô thị thông minh của các nước ASEAN.