Ngày 23/9/2020, tại Hà Nội, Hội đồng Tư vấn Bộ Xây dựng tổ chức cuộc họp đánh giá nghiệm thu Đề tài Nghiên cứu khoa học trọng điểm cấp Bộ “Đổi mới phương pháp luận về quy hoạch và quản lý phát triển đô thị”. Đề tài do nhóm nghiên cứu Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (VIUP) thực hiện. Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn - Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp.
Toàn cảnh cuộc họp
Bảo vệ đề tài trước Hội đồng, thay mặt nhóm nghiên cứu, PGS.TS.KTS. Lưu Đức Cường - Viện trưởng VIUP, Chủ nhiệm đề tài nêu lên lý do, sự cần thiết phải đổi mới phương pháp luận về quy hoạch và quản lý phát triển đô thị, đồng thời cho biết, mục tiêu của đề tài nhằm xây dựng, phát triển hệ thống đô thị nhanh, bền vững, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, theo quy hoạch và có kế hoạch, phù hợp xu thế hội nhập, toàn cầu hóa trong thời đại Cách mạng Công nghiệp 4.0, đồng thời góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế, bảo vệ tài nguyên, môi trường,
Theo PGS.TS.KTS. Lưu Đức Cường, để thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã áp dụng nhiều phương pháp luận, phương pháp nghiên cứu khoa học khác nhau, đồng thời hệ thống hóa phương pháp lý luận và xu thế đổi mới phương pháp quy hoạch và quản lý phát triển đô thị của nhiều nước trên thế giới, trong đó có: Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Úc, New Zealand, Singapore; tổng quan kinh nghiệm đổi mới phương pháp luận qua các giai đoạn quy hoạch và quản lý phát triển đô thị cũng như quá trình đổi mới thể chế tại Việt Nam. Từ đó nhận diện các vấn đề cần đổi mới phương pháp luận về quy hoạch và quản lý phát triển đô thị. Đề tài có sự tham gia đóng góp về mặt kiến thức, chuyên môn của đội ngũ cán bộ, chuyên gia hàng đầu VIUP hiện nay và kế thừa một cách có chọn lọc những kết quả nghiên cứu trước đây của các thế hệ chuyên gia VIUP.
Kết thúc quá trình nghiên cứu, đề tài xác định 6 nhóm vấn đề chung về đổi mới phương pháp luận quy hoạch và quản lý phát triển đô thị, gồm: Mối quan hệ giữa quy hoạch đô thị và hệ thống quy hoạch quốc gia theo Luật Quy hoạch 2017; Phương pháp quy hoạch đô thị tích hợp; Đổi mới mô hình phát triển đô thị hướng tới tăng trưởng xanh, thông minh và thích ứng biến đổi khí hậu; Quản lý cơ sở dữ liệu số nâng cao hiệu quả và tính minh bạch của hệ thống quy hoạch và quản lý phát triển đô thị; Các bộ công cụ bổ trợ quy hoạch và quản lý phát triển đô thị; Đổi mới thể chế trong quy hoạch và quản lý phát triển đô thị (lập và thực hiện quy hoạch).
Đồng thời, đề tài nhận diện 10 vấn đề trọng điểm cần ưu tiên xây dựng cơ sở lý luận cho đổi mới phương pháp luận về quy hoạch và quản lý phát triển đô thị trong thời gian tới, gồm: Quản lý cơ sở dữ liệu; Tính tích hợp trong Quy hoạch đô thị; Phân vùng sử dụng đất; Hệ thống chỉ tiêu quy hoạch; Quản lý không gian cao tầng; Điều chỉnh quy hoạch; Vùng ven đô và vùng nông thôn đô thị hóa cao; Bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu; Quy trình, nội dung, sản phẩm quy hoạch; Huy động nguồn lực tài chính.
Từ kết quả nghiên cứu, đề tài đề xuất những nội dung cần bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy liên quan tới hệ thống quy hoạch, phương pháp quy hoạch đô thị tích hợp, chiến lược, phân vùng sử dụng, chỉ tiêu quy hoạch, kiểm soát không gian cao tầng, khai thác nguồn lực phát triển đô thị, kiểm soát quy trình thực hiện quy hoạch tới dự án đầu tư xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu số và áp dụng công nghệ GIS, quản lý phát triển ven đô và vùng nông thôn đô thị hóa cao; cần hỗ trợ nguồn lực cho các nghiên cứu liên quan tới xây dựng khung cơ sở dữ liệu, đổi mới hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật, thí điểm áp dụng các đề xuất tại một số địa phương phù hợp, các chương trình chuyển giao, đào tạo, tập huấn và tuyên truyền trên địa phương của các vùng trọng điểm đổi mới, các động lực phát triển quốc gia.
Theo nhận xét của Hội đồng, Báo cáo tổng kết đề tài đã xây dựng phương pháp tiếp cận cho lý luận đổi mới quy hoạch và quản lý phát triển đô thị dựa trên xu thế lý luận đổi mới chung của thế giới, điều kiện thực tế và kinh nghiệm đổi mới tại Việt Nam trong thời gian qua và tổng kết bài học và kinh nghiệm quốc tế tiêu biểu (Quy hoạch chiến lược, Quy hoạch cấu trúc chiến lược, Quy hoạch tổng thể ‘mới’). Hội đồng cũng đưa ra những góp ý giúp nhóm nghiên cứu tiếp thu, hoàn chỉnh Báo cáo, trong đó cần tập trung nhiều hơn đến nội dung tái phát triển đô thị, làm rõ khái niệm đất ở và đơn vị ở, đồng thời rà soát, biên tập Báo cáo đảm bảo ngắn gọn, súc tích hơn.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn đánh giá, nhóm nghiên cứu VIUP đã đầu tư nhiều thời gian, công sức cũng như hàm lượng chất xám để thực hiện đề tài, hoàn thành đầy đủ nhiệm vụ theo hợp đồng đã ký. Báo cáo tổng kết đề tài mang tính bao quát, nội dung có sự kế thừa kết quả những nghiên cứu khoa học trước đó, đồng thời đã đưa ra những đề xuất, kiến nghị cần thiết nhằm tạo điều kiện thể chế hóa những giải pháp đổi mới toàn diện và đáp ứng những mục tiêu quan trọng giai đoạn sắp tới.
Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn đề nghị nhóm nghiên cứu VIUP xem xét, tiếp thu các ý kiến góp ý của các chuyên gia phản biện và thành viên Hội động, xem xét, biên tập và bố cục các chương, mục đảm bảo hợp lý hơn, chỉnh sửa các lỗi chế bản, sớm hoàn thiện Báo cáo tổng kết và các sản phẩm đề tài, trình lãnh đạo Bộ Xây dựng xem xét, quyết định.
Hội đồng Tư vấn Bộ Xây dựng thống nhất bỏ phiếu nghiệm thu Đề tài Nghiên cứu khoa học trọng điểm cấp Bộ “Đổi mới phương pháp luận về quy hoạch và quản lý phát triển đô thị”, với kết quả đạt loại Khá.