Theo báo cáo của Bộ Xây dựng do Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng trình bày tại Hội nghị, ngành Xây dựng bước vào thực hiện nhiệm vụ kế hoạch năm 2013 trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới vẫn có nhiều diễn biến phức tạp, nền kinh tế trong nước trong giai đoạn khó khăn, thị trường bất động sản trầm lắng …Trong bối cảnh đó, ngay từ đầu năm, Bộ Xây dựng đã ban hành Chương trình hành động thực hiện các Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách 2013, các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Theo đó, Bộ Xây dựng đã tập trung cao độ cho việc hoàn thiện hệ thống thể chế quản lý nhà nước theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch xây dựng; tăng cường quản lý đầu tư xây dựng, kiểm soát phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch; thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, đặc biệt là nhà ở xã hội; thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước…
Được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ ngành Trung ương, sự ủng hộ và tích cực vào cuộc của các địa phương, cùng với sự nỗ lực phấn đấu của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và cộng đồng doanh nghiệp toàn ngành, ngành Xây dựng trong năm 2013 đã đạt được những kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, góp phần vào những chuyển biến tích cực của nền kinh tế đất nước. Cụ thể: giá trị sản xuất kinh doanh toàn ngành Xây dựng năm 2013 theo giá hiện hành đạt 770.410 tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2012; tỷ lệ đô thị hóa cả nước đạt 33,47% (tăng 1,02% so với 2012); tỷ lệ dân đô thị được cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 79% (tăng 1% so với 2012); tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải tại đô thị đạt 84%; toàn bộ các đô thị đã có quy hoạch chung xây dựng đô thị, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết 1/2000 đạt khoảng 70% (tăng 10% so với năm 2012), tỷ lệ các xã hoàn thành lập quy hoạch chung đạt 83,5%. Diện tích nhà ở bình quân đạt 19,6m2 sàn/người (tăng 0,6m2 so với 2012), cả nước có khoảng 1 triệu m2 nhà ở xã hội, tương đương khoảng 20.000 căn hộ; tổng sản lượng xi măng tiêu thụ khoảng 61 triệu tấn, đạt 107,5% kế hoạch năm, trong đó tiêu thụ nội địa 47 triệu tấn, xuất khẩu 14 triệu tấn.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng báo cáo tại Hội nghị
Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, năm 2013 là năm mà Bộ Xây dựng tập trung cho công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế quản lý nhà nước ngành Xây dựng, với những quan điểm, tư tưởng đổi mới căn bản, có tính đột phá như: tăng cường quản lý, giám sát trong đầu tư xây dựng nhằm hạn chế lãng phí, thất thoát, nâng cao chất lượng công trình, tăng cường hiệu quả sử dụng vốn đầu tư; kiểm soát phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch; gắn việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản với thực hiện Chiến lược nhà ở quốc gia, đặc biệt là đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội. Dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi do Bộ Xây dựng chủ trì biên soạn đã được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII đã thể hiện những quan điểm đổi mới là phân định rõ các dự án đầu tư xây dựng sử dụng các nguồn vốn khác nhau phải có phương thức và phạm vi quản lý khác nhau. Bộ Xây dựng cũng đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2013/NĐ-CP về quản lý chất lượng công trình, Nghị định số 11/2013/NĐ-CP về quản lý phát triển đô thị, Nghị định số 188/2013/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Các Nghị định này là những công cụ quan trọng cho công tác quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương về đầu tư xây dựng, phát triển đô thị và phát triển nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, năm 2013, Bộ Xây dựng đã hoàn thiện, trình Quốc hội, Chính phủ 17 dự án, đề án, văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có 03 dự án Luật và 01 dự thảo Nghị quyết của Quốc hội, 03 dự thảo Nghị định và 10 dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Trong năm, Chính phủ đã ban hành 09 Nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 03 Quyết định, Bộ ban hành 22 Thông tư (trong đó có 03 Thông tư liên tịch) về các lĩnh vực quản lý của Ngành. Các cơ chế, chính sách mới ban hành đã được các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người dân đồng tình, ủng hộ và từng bước phát huy hiệu quả trong cuộc sống.
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được trong các lĩnh vực của ngành Xây dựng, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng nêu lên một số mặt còn tồn tại, hạn chế cần được nhanh chóng khắc phục trong thời gian tới như: sự thiếu đồng bộ trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; tình trạng thất thoát, lãng phí trong xây dựng cơ bản, xây dựng không phép, sai phép, chậm tiến độ thi công, nợ đọng xây dựng cơ bản còn chậm được khắc phục; chất lượng một số đồ án quy hoạch còn hạn chế, phải điều chỉnh nhiều lần; công tác phát triển đô thị tại một số địa phương còn nhiều hạn chế, thiếu các hệ thống đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, một số dự án khu đô thị mới thiếu các dịch vụ đô thị thiết yếu; công tác phát triển nhà ở xã hội tại một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức, chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư, nguồn cung nhà ở xã hội còn thiếu nhiều so với nhu cầu; thị trường bất động sản tuy đã có chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, tồn kho bất động sản còn lớn, nhất là ở phân khúc bất động sản trung và cao cấp; các doanh nghiệp còn nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh, tiến trình tái cơ cấu diễn ra còn chậm…
Đoàn Chủ tịch Hội nghị
Sau khi nghe Báo cáo của Bộ Xây dựng và các ý kiến tham luận của các địa phương, các Hội nghề nghiệp và doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đánh giá cao những nỗ lực và những thành tích đạt được của ngành Xây dựng trong năm 2013.
Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, trong bối cảnh nền kinh tế đất nước gặp rất nhiều khó khăn năm 2013, những kết quả đạt được của ngành Xây dựng là rất đáng kể, đáng tự hào, góp phần tháo gỡ và từng bước đưa nền kinh tế đất nước ra khỏi những khó khăn: Tăng trưởng giá trị sản xuất của ngành Xây dựng đạt cao hơn mức tăng trưởng chung của ngành công nghiệp; chuyển dịch cơ cấu kinh tể trong ngành Xây dựng có chuyển biến tích cực; ngành Xây dựng tham gia và đạt được kết quả tốt trong các chương trình tái cơ cấu nền kinh tế như tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tham gia thực hiện 3 đột phá của nền kinh tế về cơ sở hạ tầng, tăng cường thể chế, đào tạo nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, ngành Xây dựng đã thực hiện tốt các công tác hoàn thiện hệ thống thể chế pháp luật ngành Xây dựng, ban hành hệ thống tiêu chuẩn, quy phạm, định mức kinh tế - kỹ thuật, nhiều công nghệ mới được áp dụng đã nâng cao được năng suất lao động và chất lượng công trình; công tác xây dựng quy hoạch và tỷ lệ phủ kín quy hoạch được tăng lên đáng kể; số lượng các công trình xây dựng trái phép, sai phép giảm; thu hút được đa dạng các nguồn vốn đầu tư xã hội cho các lĩnh vực cấp thoát nước, xử lý rác thải; công tác quản lý chất lượng được quan tâm; công tác tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, các doanh nghiệp và thị trường bất động sản được Bộ Xây dựng tích cực triển khai…
Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải cũng đồng tình với những nhiệm vụ trọng trọng tâm của ngành Xây dựng năm 2014 đã nêu trong Báo cáo tổng kết, đồng thời đề nghị toàn ngành Xây dựng tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết 01 của Chính phủ với 9 nhóm giải pháp đồng bộ liên quan nhiều đến các hoạt động của ngành Xây dựng. Trên cơ sở Nghị quyết 01 để xác định các mục tiêu chủ yếu của ngành Xây dựng trong năm 2014, triển khai thực hiện ngay từ đầu năm các mục tiêu đã đề ra, từ Bộ đến các Sở Xây dựng, các địa phương; Tiếp tục tập trung cho công tác quản lý nhà nước của Bộ, tập trung cao độ cho việc xây dựng các dự thảo Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 và thứ 8 năm 2014. Đây là các bộ luật hết sức quan trọng, có tác động đến toàn bộ đời sống kinh tế của đất nước, do đó Bộ Xây dựng cần phối hợp hết sức chặt chẽ và tiếp thu ý kiến các các Bộ, ngành, các địa phương, các doanh nghiệp để hoàn thiện các văn bản dự thảo Luật. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng đề nghị Bộ Xây dựng và các địa phương chú trọng về nâng cao chất lượng các quy hoạch; rà soát các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đặc biệt là quy chuẩn thiết kế chống động đất; xây dựng các cơ chế thu hút các nguồn lực của xã hội cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển nhà ở xã hội; chú trọng bồi dưỡng và phát triển các nguồn lực trong nước, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp tư vấn, thiết kế, thi công xây lắp…
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, nhiệm vụ năm 2014 của ngành Xây dựng sẽ hết sức nặng nề. Nhân hội nghị này, thay mặt lãnh đạo Chính phủ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã gửi lời chúc ngành Xây dựng cả nước đạt được nhiều thành công trong năm 2014, đóng góp hiệu quả cho công cuộc tái cơ cấu và thực hiện các đột phá về phát triển kinh tế của đất nước./.
Minh Tuấn