Ngày 10/6/2020, tại Bộ Xây dựng, Hội đồng tư vấn đánh giá đã họp nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài “Nghiên cứu đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng nhà ở hiện trường của công nhân tại các công trình xây dựng”, do Viện Kinh tế xây dựng thực hiện. ThS. Nguyễn Quang Minh - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ Xây dựng) – Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu, chủ trì cuộc họp.
Toàn cảnh họp Hội đồng nghiệm thu.
Nói về tính cấp thiết của đề tài, chủ nhiệm đề tài – ThS. Nguyễn Thị Ngọc Lan cho biết, chất lượng nhà ở hiện trường của công nhân tại các công trình xây dựng (sau đây gọi tắt là nhà tạm hiện trường) được nhiều quốc gia trên thế giới rất quan tâm nhằm đảm bảo sức khỏe, tinh thần, chất lượng cuộc sống người lao động, góp phần tái tạo sức lao động, nâng cao năng suất và an toàn lao động. Để đảm bảo chất lượng nhà tạm hiện trường, một số nước (Mỹ, Úc, Malaysia, Newzealand…) ban hành đạo luật, tiêu chuẩn, quy định, suất chi phí về xây dựng nhà tạm hiện trường. Tại Việt Nam, việc đảm bảo quyền lợi của người lao động cho công nhân ngành xây dựng đã được quy định tại Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015, Luật Xây dựng 2014, các văn bản hướng dẫn luật và một số tiêu chuẩn liên quan đến biện pháp an toàn lao động và đảm bảo vệ sinh nơi làm việc. Tuy nhiên, việc quy định pháp luật còn thiếu chặt chẽ, suất chi phí xây dựng nhà tạm hiện trường còn chưa phù hợp, dẫn đến việc thực hiện trong thực tế của các nhà thầu xây dựng còn tùy tiện, chất lượng công trình tạm không đảm bảo, nhếch nhác, tiềm ẩn nhiều nguy cơ không đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, năng suất lao động thấp.
Trong bối cảnh đó, đã có nhiều nghiên cứu trong và ngoài nước liên quan về nhà tạm hiện trường nói chung, nhưng chưa có nghiên cứu mang tính hệ thống về chế tài quản lý, yêu cầu kỹ thuật, hạn mức chi phí nhà tạm hiện trường nhằm đảm bảo điều kiện sinh hoạt, sức khỏe, an toàn cho người công nhân xây dựng. Vì vậy, việc lựa chọn đề tài “Nghiên cứu đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng nhà ở hiện trường của công nhân tại các công trình xây dựng” để giải quyết mục tiêu nói trên có giá trị khoa học và ý nghĩa thực tiễn, tính thời sự trong giai đoạn hiện nay.
Báo cáo kết quả thực hiện đề tài cho thấy đề tài nghiên cứu đã đạt được các kết quả chủ yếu sau đây: Hệ thống được cơ sở lý luận, cơ sở pháp lý, kinh nghiệm quốc tế liên quan đến nhà tạm hiện trường; Làm rõ được thực trạng về chất lượng và chi phí xây dựng nhà tạm hiện trường tại Việt Nam thông qua lấy ý kiến bằng phiếu khảo sát từ 187 cá nhân có kinh nghiệm và 14 nhà thầu, phân tích số liệu từ 44 dự án đầu tư xây dựng với các loại công trình dân dụng, công nghiệp, giao thông, nông nghiệp và phát triển nông thôn và 223 gói thầu. Đánh giá được theo các tiêu chí và đã chỉ ra các nguyên nhân chủ yếu dẫn đến chất lượng nhà tạm hiện trường chưa đảm bảo yêu cầu, bao gồm: chưa ban hành tiêu chuẩn hoặc quy định liên quan tới chất lượng nhà tạm hiện trường, quy định trong hợp đồng về thanh quyết toán chi phí nhà tạm hiện trường chủ yếu theo hình thức khoán gọn, quy định tỷ lệ chi phí nhà tạm hiện trường chưa tính toán dựa trên quy mô dự án, chưa có quy định trách nhiệm các bên liên quan về đảm bảo chất lượng chỗ ở cho công nhân. Qua đó nhóm tác giả thực hiện đề tài đã đề xuất 04 nhóm giải pháp để nâng cao chất lượng nhà tạm hiện trường, bao gồm: ban hành tiêu chuẩn xây dựng nhà tạm hiện trường; xây dựng khu nhà ở xã hội dành riêng cho công nhân xây dựng tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; hoàn thiện phương pháp xác định và quản lý chi phí nhà tạm hiện trường; quy định trách nhiệm của các bên liên quan về đảm bảo chất lượng chỗ ở cho công nhân.
Nhận xét về kết quả nghiên cứu thực hiện đề tài, hai ủy viên phản biện là ThS. Hoàng Anh Tuấn – Phó Cục trưởng Cục Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) và ThS. Nguyễn Văn Hoan – Hội Kinh tế xây dựng Việt Nam cùng các thành viên Hội đồng đánh giá đề tài có cách tiếp cận và giải quyết vấn đề logic, khoa học và đã đạt được kết quả theo mục tiêu đã đặt ra. Kết quả nghiên cứu của đề tài có độ tin cậy cao, cơ quan quản lý nhà nước có thể tham khảo để hoàn thiện các quy định pháp luật đối với nội dung liên quan trong thời gian tới.
Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu, đạt loại Khá.