Ngày 20/5/2020, tại Hà Nội, Hội đồng khoa học công nghệ (KHCN) Bộ Xây dựng tổ chức cuộc họp nghiệm thu Đề tài “Nghiên cứu giải pháp quy hoạch, thiết kế không gian trữ nước và thảm xanh cho các đô thị nhằm thích ứng với ngập lụt đô thị trong điều kiện biến đổi khí hậu”.
Toàn cảnh cuộc họp
Đề tài do nhóm nghiên cứu thuộc Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (VIUP) thực hiện. Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật Trần Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng, chủ trì cuộc họp.
Bảo vệ Đề tài trước Hội đồng, ThS. Nguyễn Việt Dũng - Phó Chủ nhiệm Đề tài cho biết, trong những năm qua, biến đổi khí hậu có tác động ngày càng rõ nét đối với Việt Nam. Trong khi đó, theo nghiên cứu của các chuyên gia quốc tế, Việt Nam nằm trong 10 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu toàn cầu, nước biển dâng. Thời tiết diễn biến bất thường, bão, áp thấp nhiệt đới diễn ra nhiều và có quỹ đạo phức tạp, khó dự báo hơn trước.
Có thể nói, biến đổi khí hậu gây ra những hiện tượng thời tiết cực đoan, nguy hiểm, khó dự báo, trong đó có tình trạng ngập lụt tại các đô thị, tác động xấu đến nhiều lĩnh vực hoạt động kinh tế xã hội và môi trường. Do đó, nghiên cứu giải pháp quy hoạch, thiết kế không gian trữ nước và thảm xanh cho các đô thị nhằm thích ứng với ngập lụt đô thị trong điều kiện biến đổi khí hậu là đặc biệt cần thiết.
Mục tiêu của Đề tài nhằm nâng cao năng lực về quy hoạch đô thị ứng phó với ngập lụt đô thị trong điều kiện biến đổi khí hậu; góp phần thực hiện Chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu và Kế hoạch Hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành Xây dựng (giai đoạn 2016 - 2020); hướng dẫn và hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước ra quyết định, lập quy hoạch, thiết kế thoát nước và đô thị với các giải pháp dựa trên không gian trữ nước và thảm xanh.
Để thực hiện Đề tài, nhóm nghiên cứu đã tiến hành tham khảo tài liệu, tổng hợp kinh nghiệm quốc tế về áp dụng không gian trữ nước và thảm xanh; đánh giá tổng quan tình hình ngập lụt và không gian hỗ trợ thoát nước tại các đô thị Việt Nam; đề xuất áp dụng các giải pháp quy hoạch, thiết kế không gian trữ nước và thảm xanh cho các đô thị; biên soạn Hướng dẫn quy hoạch, thiết kế không gian trữ nước và thảm xanh cho các đô thị thích ứng biến đổi khí hậu.
Theo đánh giá của Đề tài, hiện nay quy mô và chức năng không gian trữ nước và thảm xanh ở các đô thị Việt Nam ngày càng bị suy giảm; sự vận hành, kết nối hỗ trợ nhau giữa các hồ điều hòa quy mô nhỏ chưa hiệu quả; tình trạng ô nhiễm và cạn kiệt nguồn nước mặt ở các sông hồ, nước ngầm đô thị diễn ra ngày càng phổ biến; quy hoạch còn thiếu các thiết kế chuyên ngành về không gian mặt nước; không gian mặt nước chịu sự quản lý của nhiều đơn vị, ban ngành; tỷ lệ đất cây xanh đô thị còn thấp, chưa đạt tiêu chuẩn, chưa được quan tâm đúng mức nhằm cải thiện khí hậu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, chống ô nhiễm tiếng ồn; không gian xanh, không gian công cộng chưa phục vụ mục đích hỗ trợ thoát nước, giảm ngập úng cho các đô thị; các giải pháp riêng lẻ trên thực tế không mang lại hiệu quả thoát nước đô thị.
Trên cơ sở khảo sát thực tế, phân tích, đánh giá hiện trạng hệ thống thoát nước ở các đô thị Việt Nam cũng như tham khảo kinh nghiệm quốc tế, Đề tài đưa ra các giải pháp thiết kế chức năng thoát nước xanh bền vững cho các đô thị Việt Nam, trong đó có: Kiểm soát nước mưa tại nguồn, điển hình là sử dụng các mái nhà. Mái nhà được thiết kế với các thảm thực vật là một trong các giải pháp kiểm soát nước mưa tại nguồn rất hiệu quả. Giải pháp này mang tính khả thi và đem lại nhiều lợi ích cho các khu vực đô thị hóa với mật độ xây dựng cao, không có đủ không gian cho các lựa chọn khác của thoát nước xanh bền vững; Giải pháp lọc sinh học. Giải pháp này thường kết hợp với một loạt biện pháp quản lý nước mưa quy mô nhỏ như thảm cỏ thấm, các khu vực ao tạm.
Kết thúc quá trình nghiên cứu, Đề tài kiến nghị: Công tác lập quy hoạch cần xem xét đưa các giải pháp quy hoạch và định hướng thiết kế thoát nước xanh bền vững; công tác quản lý quy hoạch cần xem xét đưa ra quy định khu vực quy hoạch phát triển mới phải đảm bảo năng lực tiêu thoát nước tự nhiên, giảm thiểu tác động tới khu vực lân cận và hạ nguồn; đối với các khu vực tái thiết phát triển nên đưa các giải pháp kiểm soát nước mưa tại nguồn vào công trình hiện hữu, đặc biệt đối với các công trình hạ tầng công; nghiên cứu áp dụng các mô hình cộng đồng tham gia quản lý, vận hành thoát nước để đảm bảo duy trì, chăm sóc hệ thống thoát nước xanh bền vững; Bộ Xây dựng và các địa phương nên mở rộng áp dụng, đánh giá các giải pháp để có hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn, đồng thời xây dựng các quy định pháp lý về thoát nước xanh bền vững trong quy hoạch và dự án phát triển; các chủ đầu tư nên chủ động áp dụng cách tiếp cận, giải pháp thoát nước xanh bền vững trong các dự án, qua đó góp phần nâng cao thương hiệu doanh nghiệp.
Sau khi đóng góp ý kiến giúp nhóm nghiên cứu VIUP tiếp thu, chỉnh sửa, nâng cao chất lượng các sản phẩm để tài cũng như Báo cáo tổng kết, Hội đồng KHCN Bộ Xây dựng thống nhất bỏ phiếu nghiệm thu Đề tài “Nghiên cứu giải pháp quy hoạch, thiết kế không gian trữ nước và thảm xanh cho các đô thị nhằm thích ứng với ngập lụt đô thị trong điều kiện biến đổi khí hậu”, với kết quả đạt loại Khá.