Dự Lễ có Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Nghị; Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Văn Diệp; nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân cùng đại diên các Cục, Vụ Bộ Xây dựng, các Sở, Ngành tại địa phương…
Trải qua 35 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành với nhiều khó khăn, gian khổ, Trường Đại học xây dựng Miền Tây đã có bước phát triển mạnh mẽ, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Từ những lớp đào tạo trung cấp xây dựng, kiến trúc khoá đầu tiên khai giảng năm 1977 chỉ với hơn 100 học sinh, tính đến nay nhà trường đã đào tạo và liên kết đào tạo được gần 3.000 kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng, 1.500 cử nhân cao đẳng, 8.100 trung cấp xây dựng, 1650 công nhân kỹ thuật; bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý xây dựng cho 2.500 học viên; bồi dưỡng thi nâng bậc 9.000 công nhân kỹ thuật và đào tạo ngoại ngữ, tin học cho gần 4.500 học viên, qua đó cung cấp một đội ngũ nhân lực quan trọng, góp phần đáng kể vào việc thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh miền Tây Nam Bộ.
Phát biểu trong buổi lễ, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đã giao nhiệm vụ cho Tập thể ban lãnh đạo, thày trò trường Đại học Xây dựng miền Tây:
Trước hết, phải khẩn trương ổn định tổ chức bộ máy, xây dựng điều lệ, quy chế và bổ sung cơ sở vật chất kỹ thuật cần thiết để nhà trường hoạt động theo đúng mô hình trường đại học; đồng thời, cần tập trung nghiên cứu, xây dựng và thực hiện các mục tiêu cụ thể phát triển nhà trường theo từng giai đoạn.
Hai là, tích cực hoàn thiện chương trình, giáo trình, bố trí cán bộ, giảng viên và chuẩn bị các trang thiết bị kỹ thuật cần thiết để đăng ký mở mã ngành và tổ chức đào tạo hệ đại học từ năm học 2012-2013. Trước mắt, tập trung mở các ngành mà xã hội đang có nhu cầu nhân lực lớn và nhà trường đã có nhiều kinh nghiệm qua quá trình liên kết đào tạo đại học như: kiến trúc, xây dựng dân dụng và công nghiệp. Về lâu dài, cần phát triển, mở thêm các ngành có gắn kết chặt chẽ với các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ và yêu cầu của thực tiễn phát triển như: quy hoạch, đô thị, hạ tầng kỹ thuật, kinh tế xây dựng, vật liệu xây dựng... Trong quá trình xây dựng chương trình, giáo trình và tổ chức đào tạo đại học, nhà trường cần hợp tác chặt chẽ, chủ động trao đổi kinh nghiệm với các trường đại học, các viện nghiên cứu có bề dày truyền thống của Bộ Xây dựng, các chuyên gia giỏi trong và ngoài ngành. Bộ Xây dựng sẽ chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ tăng cường cử cán bộ, chuyên gia giỏi và tích cực hỗ trợ nhà trường thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.
Bên cạnh việc phát triển hệ đào tạo đại học, nhà trường cũng cần tiếp tục đầu tư đổi mới chương trình, giáo trình, mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo hệ cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và đào tạo nghề nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực tại chỗ và khu vực đồng bằng Sông Cửu Long.
Trong nghiên cứu khoa học, cần tập trung xây dựng và triển khai các chương trình, đề tài nghiên cứu cụ thể, thiết thực, có xét tới yếu tố đặc thù vùng miền của khu vực đồng bằng Sông Cửu Long để phục vụ cho các hoạt động thực tiễn của Ngành. Bên cạnh đó, cần chú trọng môi trường dân chủ, khuyến khích tìm tòi, sáng tạo; có giải pháp huy động tiềm lực của đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên, các nhà khoa học hiện đang và đã từng công tác tại trường.
Đồng thời, nhà trường cũng cần chủ động mở rộng quan hệ hợp tác với các cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học trong nước và quốc tế để nghiên cứu, xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình đào tạo tiên tiến. Đây được xác định là hướng đi quan trọng góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của trường, từng bước tiệm cận với trình độ của khu vực và thế giới.
Ba là, trong các chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, cần đặc biệt chú trọng việc đào tạo theo địa chỉ, dành ưu tiên thỏa đáng cho việc đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ ở các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của khu vực đồng bằng Sông Cửu Long nhằm đáp ứng nhân lực hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản cũng như công tác quản lý phát triển đô thị và xây dựng nông thôn mới của mỗi địa phương trong vùng.
Bốn là, cần phải tiếp tục tăng cường xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giảng dạy, nghiên cứu có trình độ chuyên môn cao, có kinh nghiệm thực tế, tâm huyết với nghề, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có năng lực sáng tạo, đáp ứng yêu cầu của một trường đại học với nhiều chuyên ngành, nhiều cấp bậc đào tạo. Phấn đấu đến năm 2015, trong cơ cấu cán bộ giảng dạy cơ hữu của trường, số người có trình độ thạc sĩ và tiến sĩ phải chiếm đa số, trong đó mỗi chuyên ngành đào tạo đại học phải có ít nhất từ 02 tiến sĩ trở lên.
Năm là, đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng các hạng mục công trình ở cơ sở mới của trường, đồng thời tiếp tục chú trọng đầu tư trang thiết bị cho dạy và học theo hướng tiếp cận với công nghệ mới, hiện đại, phấn đấu thực hiện các mục tiêu của Dự án khả thi thành lập Trường Đại học Xây dựng Miền Tây theo đúng lộ trình, bằng nhiều nguồn vốn. Ngoài nguồn vốn ngân sách nhà nước, nhà trường cần chủ động tranh thủ sự ủng hộ của địa phương, sự hợp tác với các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội trong việc xây dựng và phát triển nhà trường.
Sáu là, nhà trường cần đặc biệt coi trọng việc đào tạo, bồi dưỡng toàn diện cả về nhận thức lý luận và chuyên môn, chú trọng rèn luyện phẩm chất đạo đức, tác phong và phương pháp làm việc của người học. Đối với mỗi sinh viên, học sinh của nhà trường, tôi mong các em tích cực nuôi dưỡng ước mơ và hoài bão, phát huy tính chủ động, ý thức tự giác, biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo; học đi đôi với hành, gắn kiến thức cơ bản với kỹ năng ứng dụng để sau khi hoàn thành chương trình học tập, nghiên cứu có thể ứng dụng tốt nhất kiến thức đã được trang bị vào hoạt động thực tiễn, góp phần xây dựng quê hương đất nước.
Theo : Báo Xây dựng điện tử