Hải Dương hiện có 18 khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch, trong đó, 10 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động. Các ngành công nghiệp trên địa bàn đạt được sự phát triển nổi bật là công nghiệp chế tạo máy, cơ khí và lắp ráp… Bênh cạnh đó, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng của tỉnh cũng là một thế mạnh đặc biệt, với nhiều Cty xi măng như Hoàng thạch, Phúc Sơn…
Trong 6 tháng đầu năm 2012, Hải Dương đã thu hút trên 76 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, trong đó có 11 dự án đầu tư mới với số vốn trên 21 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2011, vốn đầu tư thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh 6 tháng qua đã tăng 48,9%. Trong bối cảnh nhiều địa phương trong cả nước gặp khó khăn khi kêu gọi thu hút đâu tư, nhất là đầu tư từ nước ngoài (do tình trạng suy thoái chung của kinh tế thế giới) thì những kết quả tỉnh Hải Dương đạt được nửa đầu năm 2012 là rất đáng ghi nhận.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đồng tỉnh với chủ trương tập trung đầu tư, phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh, trong đó nòng cốt là công nghiệp chế tạo, lắp ráp máy. Bộ trưởng nhấn mạnh: “Phát triển công nghiệp chế tạo, lắp ráp máy sẽ tạo cơ sở cho công nghiệp phụ trợ phát triển và là tiền đề cần thiết thúc đẩy các lĩnh vực khác của đời sống xã hội.Hải Dương được như ngày hôm nay là nhờ công nghiệp!Tỉnh đã nâng cao được hiệu quả đầu tư thể hiện ở đầu ra và chất lượng của sản phẩm công nghiệp trên địa bàn tỉnh và lượng ngân sách đóng góp cho Nhà nước. Công nghiệp tăng thì tạo ngân sách rất nhanh và rất lớn”.
Đến nay, Hải Dương đã hoàn thành điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, quy hoạch sử dụng đất của tỉnh đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011 – 2015. Hoàn thành rà soát quy hoạch xây dựng hạ tầng các khu đô thị, khu dân cư trên địa bàn. Phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng tỉnh và quy hoạch sản xuất vật liệu xây dựng.
Bộ trưởng đề nghị Hải Dương nhanh chóng tiến hành rà soát lại quy hoạch các khu công nghiệp trên địa bàn, đồng thời, tập trung xây dựng và nâng cao hiệu quả các khu đô thị, khu công nghiệp. Kiên quyết dừng, bỏ các khu công nghiệp hoạt động không hiệu quả song có cơ chế khuyến khích những khu công nghiệp hoạt động tốt.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết quy hoạch không gian đô thị giữ vai trò quyết định đối với thành công của các loại quy hoạch khác, đồng thời nhấn mạnh rằng: “Hải Dương cần phải chú trọng hơn nữa đến việc kết nối hạ tầng trên diện rộng, có sự khớp nối những quy hoạch của tỉnh với những quy hoạch chung của Thủ đô Hà Nội, đồng thời phải đặc biệt chú ý đến các vấn đề quản lý quy hoạch cũng như đầu tư, vì đầu tư nhiều nhưng thiếu đi sự quản lý hoặc quản lý không tốt sẽ làm giảm thiểu hiệu quả đầu tư, thậm chí ảnh hưởng đến các vấn đề chính trị - xã hội”.
Về lĩnh vực thẩm định, trước đây chủ đầu là đơn vị thẩm định công trình, điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ yếu kém về chất lượng công trình. Do đó, Bộ Xây dựng tới đây sẽ đưa vào quy định, thẩm định các công trình xây dừng là do các cơ quan chức năng quản lý Nhà nước để tránh việc chủ đầu tư thiếu sát sao, buông lỏng trong giát sát, gây thất thoát, lãng phí tài sản của Nhà nước.
Theo : Báo Xây dựng điện tử