Trước đây phát triển nhà ở là do tự nguyện, nhưng nay là bắt buộc, được pháp lệnh hóa, trong đó Nhà nước phải tham gia vào phát triển nhà ở, phân định rõ 2 loại thị trường: Nhà ở thương mại và nhà ở xã hội . Điều thuận lợi khi thực hiện trong giai đoạn này đó là nhiều văn bản, Nghị định đang được chỉnh sửa và xây dựng mới.
Đối với phát triển nhà ở xã hội, Bộ trưởng cũng yêu cầu, phải làm sao khu nhà ở xã hội nhìn từ bên ngoài không phát hiện được đâu là nhà xã hội, đâu là nhà thương mại, không thấy sự phân biệt đối xử. Với nhà xã hội, hạ tầng, kiến trúc cảnh quan môi trường, chất lượng công trình phải bảo đảm, yêu cầu quan trọng hơn là phải giá rẻ. Tùy theo vị trí đất đai để lựa chọn phát triển nhà xã hội, nếu đất có giá trị cao thì nên đấu giá để lấy tiền làm nhà xã hội. Để làm được các yêu cầu về xây dựng nhà xã hội cần tập trung nghiên cứu và triển khai các giải pháp về kết cấu, khoa học công nghệ, VLXD... để tiêu chuẩn hóa. Cần thiết nên nghiên cứu, phối hợp với nước ngoài như Trung Quốc... để tìm công nghệ triển khai xây dựng nhanh, rẻ, sản xuất theo hướng công nghiệp, chất lượng. Cùng với ngân sách của Nhà nước làm nhà xã hội, cần có cơ chế chính sách hồ trợ về vốn cho các DN như hỗ trợ thuế, lãi xuất để làm giá nhà rẻ hơn...
Theo báo cáo của Cục Quản lý Nhà và Thị trường BĐS, hiện Bộ Xây dựng đang tập trung xây dựng, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các cơ chế chính sách phát triển nhà ở cho 8 nhóm đối tượng có khó khăn về nhà ở đã được phân rõ trong Chiến lược nhà ở. Cụ thể như Nghị định về quản lý và phát triển nhà ở cho thuê; Nghị định về phát triển nhà ở cho sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc lực lượng vũ trang; Sửa đổi bổ sung Quyết định 65, Quyết định 66, Quyết định 67 về cơ chế, chính sách phát triển nhà ở cho HS,SV, CNLĐ các KCN và nhà ở cho người thu nhập thấp đô thị... Đồng thời Bộ cũng đang đẩy nhanh việc hoàn thiện xây dựng để ban hành, triển khai các Đề án hỗ trợ nhà ở đối với các hộ nghèo theo tiêu chuẩn mới giai đoạn 2011 - 2015, Đề án hỗ trợ hộ nghèo nâng cao điều kiện an toàn chỗ ở ứng phó với lũ lụt vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung; Đề án thành lập Quỹ tiết kiệm nhà ở.
Ông Nguyễn Mạnh Hà - Cục Trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường BĐS cho biết: Việc sửa đổi bổ sung đồng bộ các quy định của pháp luật về phát triển đô thị, pháp luật về nhà ở, pháp luật về kinh doanh BĐS, hệ thông quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan đến nhà ở để bảo đảm phù hợp với định hướng phát triển nhà ở trong Chiến lược và tình hình thực tế. Nhiệm vụ này được các cơ quan của Bộ Xây dựng tập trung triển khai trong năm 2012 và những năm tiếp theo. Việc triển khai nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Nhà ở và các văn bản hướng dẫn có liên quan, nội dung chủ yếu nhằm tập trung sửa đổi tổng thể những vấn đề bất cập liên quan đến công tác phát triển và quản lý nhà trong thời gian qua vừa nhằm thể chế hóa các quan điểm và giải pháp đã được đề cập trong Chiến lược phát triển nhà ở, cụ thể như điều chỉnh mở rộng phạm vi, đối tượng được giải quyết nhà ở xã hội với 8 nhóm đối tượng có khó khăn về nhà ở; sửa đổi bổ sung các quy định liên quan đến trình tự thủ tục thực hiện dự án nhà xã hội, quy định tiêu chuẩn, cơ cấu, quy mô căn hộ, chiều cao công trình nhà xã hội, nhà chung cư trong dự án... Việc sửa đổi Luật Nhà ở cũng làm rõ vai trò trách nhiệm của chính quyền các địa phương trong lĩnh vực phát triển và quản lý nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội.
Bộ Trưởng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo: Cùng với việc làm nhanh việc sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản pháp luật cho phù hợp với thực tiễn, cần tập trung làm rõ thống kê nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội, những đối tượng gặp khó khăn về nhà ở để có lộ trình thực hiện kế hoạch phát triển nhà ở. Thực hiện quy hoạch lại hệ thống DN phát triển nhà xã hội, chỉ đạo, phân công rõ về xây dựng và quản lý nhà ở.
Bộ trưởng nhấn mạnh: Bộ Xây dựng và các đơn vị liên quan cần khẩn trương làm việc việc với các địa phương về kế hoạch triển khai Chiến lược nhà ở, giao chỉ tiêu cho các địa phương, nhất là Hà Nội và TP.HCM. Việc giao chỉ tiêu cho các địa phương cũng cần căn cứ vào tình hình thực tế, ví như Bình Dương chủ yếu là phát triển nhà ở cho CNLĐ, Hà Nội lại bức xúc về nhà ở cán bộ công chức, nhà ở cho người nghèo đô thị... Khi giao chỉ tiêu, các địa phương cần có cam kết về việc thực hiện. Bộ Xây dựng và các địa phương sẽ có sự phối hợp, thống nhất kế hoạch triển khai cùng ký kết cơ chế hành động thực hiện Chiến lược nhà ở./.
Đến thời điểm này, đã có 39 tỉnh, TP xây dựng và ban hành Chương trình phát triển nhà ở của địa phương đến 2020 theo quy định của Luật Nhà ở; 2 địa phương đang xúc tiến xây dựng Chương trình, còn 22 địa phương chưa xây dựng Chương trình chủ yếu là các tỉnh tỷ lệ dân số thấp, thuộc địa bàn khó khăn. Dự kiến tháng 3/2012 Bộ Xây dựng sẽ tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương để quán triệt và triển khai việc thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở.
|
Theo : Báo Xây dựng điện tử