Tham dự buổi họp có đại diện các Bộ ngành liên quan ở trung ương, các Cục, Vụ, Viện Khoa học công nghệ xây dựng Bộ Xây dựng, các trường và viện nghiên cứu liên quan và các chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực thuỷ lợi, thuỷ điện.
Trong những năm vừa qua việc xây dựng các công trình thuỷ điện các loại đã và đang được triển khai trên quy mô rộng ở khắp các miền đất nước. Để phục vụ việc xây dựng các công trình thuỷ lợi, thuỷ điện Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã soạn thảo và ban hành 2 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia công trình thuỷ lợi là QCVN 04-01:2010/BNNPTNT Thành phần, nội dung lập báo cáo đầu tư, dự án đầu tư và báo cáo kinh tế kỹ thuật các công trình thuỷ lợi; QCVN 04-02:2010/BNNPTNT Thành phần, nội dung hồ sơ thiết kế kỹ thuật và thiết kế bản vẽ thi công công trình thuỷ lợi. Tuy nhiên, trong 2 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia công trình thuỷ lợi nêu trên còn thiếu vắng các quy định đối với các công trình thuỷ điện do vậy việc biên soạn và ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng công trình thuỷ điện là rất cần thiết.
Trước thực trạng trên, để đáp ứng yêu cầu xây dựng thuỷ điện ở nước ta, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA đã phối hợp với Trung tâm Khoa học và triển khai kỹ thuật thuỷ lợi thuộc Trường đại học thuỷ lợi đã biên soạn dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng công trình thuỷ điện.
Dự thảo Quy chuẩn gồm có 8 mục sau: Phạm vi áp dụng; Tài liệu viện dẫn; Thuật ngữ và định nghĩa; Phân cấp công trình; Khảo sát xây dựng công trình thuỷ điện; Thiết kế xây dựng công trình thuỷ điện; Thiết kế chế tạo thiết bị cơ khí thuỷ công; Thi công xây dựng công trình; Kiểm tra nghiệm thu chất lượng công trình xây dựng.
Dự thảo còn có 4 phụ lục kèm theo là Phụ lục A: Danh mục các công trình chủ yếu và thứ yếu; Phụ lục B: Nguyên tắc phân cấp công trình thuỷ lợi; Phụ lục C: Tính toán hệ số an toàn chung của công trình và hạng mục công trình; Phụ lục D: Tính toán thiết kế đập chắn nước theo tiêu chuẩn của Hoa Kỳ.
Tại cuộc họp các chuyên gia đã đóng góp nhiều ý kiến cho dự thảo về bố cục và cấu trúc, nội dung các mục. Các ý kiến đóng góp cho thấy sự cần thiết phải biên soạn và ban hành Quy chuẩn, thể hiện sự nhất trí về cơ bản với nội dung dự thảo tuy nhiên các chuyên gia cũng cho rằng dự thảo cần lưu ý việc chỉnh sửa từ ngữ, chuẩn hoá thuật ngữ, sử dụng từ ngữ một cách thống nhất, trình bày các mục phù hợp với các quy định đối với văn bản quy chuẩn,....
Phát biểu kết luận cuộc họp TS. Trần Hữu Hà cho rằng ý kiến đóng góp của các chuyên gia là rất xác đáng, thể hiện sự nhiệt tình và tâm huyết đối với việc ban hành Quy chuẩn. Vụ Khoa học công nghệ và môi trường Bộ Xây dựng sẽ tổng hợp các ý kiến đóng góp và phản hồi với JICA, đồng thời sẽ tiến hành lấy ý kiến đóng góp rộng rãi thông qua mạng Internet, của các cơ quan, đơn vị liên quan và của các chuyên gia, sau đó sẽ hoàn chỉnh dự thảo trước khi ban hành.
H. Phước