Hội thảo “thị trường BĐS Phía Nam Giải pháp Tài chính Hỗ trợ Doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm từ các tổ chức tín dụng”

Thứ bẩy, 19/01/2013 09:15
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Sáng 18/1 tại TP.HCM, Báo Xây dựng đã tổ chức hội thảo “thị trường BĐS Phía Nam Giải pháp Tài chính Hỗ trợ Doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm từ các tổ chức tín dụng”. Đại diện các tỉnh thành và hơn 100 doanh nghiệp kinh doanh BĐS phía Nam cùng tham dự. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, chủ trì hội thảo.

Đề dẫn tại hội thảo nêu rõ: Thời gian qua thị trường BĐS lâm vào khó khăn về tính thanh khoản dẫn đến hàng tồn kho lớn nên ảnh hưởng tới nền kinh tế. Hàng loạt các loại hình kinh doanh kéo theo giảm sút, nhiều người mất việc làm, kinh tế suy giảm từ đó góp phần làm giảm GDP cả nước. BĐS và các ngành khác là thể thống nhất không tách dời, nên tháo gỡ cho BĐS chính là tháo gỡ cho các ngành khác được liên thông và cũng chính là tháo gỡ nền kinh tế.

Thực trạng khó khăn trong hoạt động kinh doanh BĐS đang là một trọng điểm nóng của kinh tế Việt Nam. Phá vỡ thực trạng này là yêu cầu cấp thiết không chỉ đối với bản thân ngành Xây dựng, mà còn lan tỏa đến nhiều lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế có liên quan như: vật liệu xây dựng, hàng gia dụng, các dịch vụ… tạo nên một trong những động lực mạnh cho phát triển kinh tế - xã hội.

Trong hoàn cảnh hiện tại, khi thị trường BĐS trong nước thiếu vốn mà các nước phát triển vừa thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu thì giải pháp vốn quan trọng nhất phải được xác định là luồng vốn tín dụng từ các ngân hàng trong nước và nước ngoài. Nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại hạ lãi suất cho doanh nghiệp vay. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho rằng khó tiếp cận với nguồn vốn này do không thể đáp ứng điều kiện đặt ra của ngân hàng. Việc thế chấp thì dễ nhưng quan trọng hơn là giải quyết BĐS thế chấp thế nào khi người vay tiền không có khả năng trả được nợ đã vay. Việc đổi mới pháp luật này không chỉ cần thiết nhằm tạo vốn mạnh hơn cho thị trường BĐS mà còn đáp ứng cho nhu cầu mở rộng thị trường chứng khoán nước ta hay mở rộng cơ chế mua bán sát nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp lớn nước ngoài tham gia.

Phân tích tình trạng thị trường BĐS Việt Nam so với thế giới, Tiến sĩ Trần Du Lịch – Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Tp.HCM cho biết thị trường BĐS Việt Nam tạo bong bóng bắt đầu xuất hiện từ năm 2007, khi đó các chuyên gia kinh tế đã cảnh báo doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực BĐS nhưng chưa được quan tâm. Kết quả là tài sản ảo so với tài sản thật là khoảng trắng. Theo ông Lịch, tín dụng là vấn đề mấu chốt đối với thị trường BĐS, mà cụ thể là ở lãi suất và thời gian cho vay.

“BĐS Việt Nam khác thế giới là BĐS Việt Nam chưa xảy ra chứng khoán hóa để tạo Tư bản giả. Thị trường Việt Nam cũng chưa mất sức mua hoàn toàn, thậm chí có phân khúc cung không đáp ứng cầu. Khi thị trường BĐS xảy ra khủng hoảng thì sản phẩm bán thành phẩm quá nhiều. Tất cả các nước trên thế giới xảy ra khủng hoảng thì thị trường BĐS tê liệt, nhưng Việt Nam vẫn có cơ hội ở một số phân khúc. Để giải quyết được hàng tồn cho BĐS thì cần mô hình 4+1 (tức là 4 bộ: Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Tài chính, Ngân hàng cộng với chính quyền địa phương) là sẽ giải quyết được vấn đề khó của BĐS”, Tiến sĩ Trần Du Lịch cho biết.

Tại hội thảo nhiều doanh nghiệp bày tỏ sự hài lòng khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 02, nhưng cũng băn khoăn là làm thế nào để nghị quyết sớm đi vào cuộc sống. Bà Lê Thúy Hương – Tổng giám đốc Eci Land kiến nghị: “Khi chưa có giá chuyển quyền mục đích sử dụng đất mà chỉ mới có giá xây dựng thì cho doanh nghiệp được đăng ký giá đầu ra BĐS để nhà nước tính tiền sử dụng đất bằng cách cộng tổng chi phí xây dựng và đền bù cùng 10% lợi nhuận. Việc này cho thí điểm ở phân khúc nhà ở bình dân”.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM cho rằng để thực hiện Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ cần có gói tín dụng lâu dài cho người mua BĐS. Lãi suất dành cho người tiêu dùng ở mức 7-8%. Đây đã là giải pháp tài chính do Chính phủ chỉ đạo và Ngân hàng đang thực hiện. Ông cũng bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp tận dụng được nguồn vốn, giảm dần lượng sản phẩm tồn kho trên thị trường, giúp cơ cấu lại nợ xấu. Theo ông Lê Hoàng Châu, cần có các nguồn cung cấp vốn mới như Quỹ đầu tư BĐS, Quỹ tiết kiệm nhà ở... để thị trường minh bạch cạnh tranh thu hút đầu tư từ nước ngoài.

Tuy nhiên, có nhiều giải pháp cần được triển khai một cách đồng bộ, trong đó cần tập trung vào một số giải pháp như chính quy hóa thị trường BĐS, kỷ luật thông tin thị trường cần phải được nâng cao; cần triển khai nghiên cứu, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về thị trường thế chấp thứ cấp; quỹ tiết kiệm BĐS cần sớm thành lập.

Đại diện Sở Xây dựng Tp.HCM kiến nghị: Đối với các dự án nhà chung cư đã xây dựng xong nhưng chưa bán, chủ đầu tư được phép lập phương án điều chỉnh lại diện tích căn hộ cho phù hợp với nhu cầu thị trường (giảm diện tích căn hộ) nhưng với điều kiện không được tăng diện tích sàn đã được duyệt. Khi điều chỉnh phải đảm bảo quy hoạch và quy định về an toàn theo quy định của Quy chuẩn xây dựng hiện hành. Đối với các dự án phát triển nhà ở thương mại đã giải phóng mặt bằng nhưng chưa triển khai công trình nhà ở hoặc đang xây dựng dở dang thì cho phép điều chỉnh quy hoạch để tăng tỷ trọng nhà ở xã hội phục vụ người nghèo, nhà ở cho công nhân, điều chỉnh cơ cấu nhà ở trong dự án để phù hợp với nhu cầu của thị trường. Trường hợp các dự án nhà ở thương mại được chuyển thành nhà ở xã hội thì cho phép chủ đầu tư được hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định.

Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam nhấn mạnh một trong những giải pháp khi có khủng hoảng là giảm nguồn cung, rà soát giảm nguồn cung bằng cách tạm dừng, tạm hoãn một số dự án chưa giải phóng mặt bằng hoặc chưa có tiền để triển khai dự án, hạ tầng sau khi giải phóng mặt bằng. Hiện nay BĐS thiếu dòng tiền rất lớn cho cả bên bán lẫn bên mua, đặc biệt tín dụng này phải có lãi suất mà người dân chấp nhận được. Theo Nghị quyết 02 của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước dành từ 20 - 40 nghìn tỷ đồng thông qua tái cấp vốn với lãi suất hợp lý và thời hạn tối đa 10 năm tùy theo đối tượng sử dụng vốn vay để hỗ trợ cho các ngân hàng thương mại của Nhà nước. Thời gian tới Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước sẽ ban hành các tiêu chí cho vay để các doanh nghiệp BĐS hoàn thiện nốt sản phẩm của mình, tăng tính thanh khoản của hàng hóa. Hiện nay, Ngân hàng BIDV đã ký với Bộ Xây dựng cam kết khung về gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đồng trong 3 năm để cho vay các dự án nhà ở xã hội quy mô nhỏ, trong đó giành 65% dành cho người dân vay mua nhà và 35% cho chủ đầu tư với thời hạn 10 – 15 năm. Ngoài ra, Thứ trưởng Nam cũng cho biết thêm Nhà nước đã có chủ trương dùng nguồn tiền này để mua quỹ nhà ở thương mại sẵn có thay vì đầu tư vào nhà ở xã hội, tái định cư. Từ đó, người mua sẽ được hưởng lợi từ chất lượng tốt của công trình, doanh nghiệp bán được sản phẩm.

Theo : Báo Xây dựng điện tử

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)