Hội nghị giao ban công tác thực hiện quy hoạch xây dựng vùng TP.HCM

Thứ sáu, 18/01/2013 07:34
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Sáng 17/1 tại tỉnh Đồng Nai, Bộ Xây dựng đã tổ chức hội nghị giao ban công tác thực hiện quy hoạch xây dựng vùng Tp.HCM. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh và Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái đồng chủ trì hội nghị với sự tham gia của đại diện 8 tỉnh thành gồm: Tp.HCM, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Tiền Giang và Tp.HCM.

Quy hoạch vùng Tp.HCM gồm Tp.HCM và 7 tỉnh xung quanh với tổng diện tích trên 30 ngàn km2, dân số trên 15 triệu người. Mô hình phát triển vùng TP.HCM theo hình thức tập trung đa cực với vùng trung tâm bán kính 30km cùng 5 cực phát triển. Cấu trúc không gian gồm hạt nhân Tp.HCM và các đô thị vệ tinh trực thuộc, các đô thị vệ tinh nhưng độc lập, vùng phụ cận từ 30 – 50km, vùng khuyến khích phát triển dọc theo tuyến vành đai 3 phát triển thấp gắn với vùng cảnh quan sinh thái.

Từ khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quyết định 589/QĐ-TTg về quy hoạch xây dựng vùng TP.HCM đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2050 thì các địa phương trong vùng đã triển khai việc rà soát lập, điều chỉnh và phê duyệt các quy hoạch ngành và lĩnh vực liên quan. Đến nay có 6/7 tỉnh đang triển khai lập điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, riêng Tp.HCM đã hoàn thành lập điều chỉnh quy hoạch chung từ năm 2010. Hệ thống hạ tầng khung, hạ tầng xã hội cấp vùng đã được lập, phê duyệt quy hoạch và bước đầu đã có sự đầu tư của các địa phương. Quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị đến nay đạt khoảng 55% là phù hợp với dự báo và định hướng của quy hoạch. Bên cạnh đó vùng cũng đã hình thành phát triển 121 KCN tập trung tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu, Tây Ninh, Long An với tổng diện tích khoảng 41 ngàn hécta. Cấu trúc không gian vùng phát triển đô thị theo định hướng quy hoạch đã bước đầu được hình thành gồm Tp.HCM là hạt nhân và 5 cực đối trọng về các phía Đông Nam, Đông, Bắc, Tây Bắc, và Tây Nam ứng với các đô thị hạt nhân tương ứng là Vũng Tàu, Long Khánh, Chơn Thành, Tây Ninh, Mỹ Tho và Tân An. Hành lanh phát triển kinh tế bước đầu cũng được hình thành như hành lang quốc lộ 51, quốc lộ 1A, quốc lộ 13, quốc lộ 14, quốc lộ 22 Xuyên á, Tuyến N2… Các chương trình nhà ở đã được triển khai và phát triển tương đối mạnh, đồng bộ về hạ tầng nên đã từng bước tạo lập cuộc sống văn minh hiện đại cho nhân dân.

Bên cạnh những việc đã làm được thì vẫn còn những hạn chế vướng mắc cần được tháo gỡ như: Cấu trúc phát triển không gian vùng chưa hình thành theo đúng định hướng trong quy hoạch được phê duyệt. Các vùng cảnh quan, sinh thái, du lịch, nông nghiệp, bảo tồn thiên nhiên chưa được quản lý và đầu tư khai thác phát triển; Mạng lưới đô thị tuy bắt đầu hình thành theo định hướng không gian đô thị toàn vùng nhưng vai trò, chức năng của các đô thị đối trọng trong vùng còn hạn chế, chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu; Hiện tượng nhập cư tập trung chủ yếu vào Tp.HCM đã dẫn đến quá tải về hạ tầng kỹ thuật và xã hội, ảnh hưởng đến môi trường đô thị; thiếu sự kiểm soát chặt chẽ theo quy hoạch được duyệt dẫn đến sự phát triển các khu vực dân cư, công nghiệp, dịch vụ lan tỏa theo các tuyến giao thông liên vùng, hình thành các chuỗi đô thị xâm lấn vào các vùng nông nghiệp, lâm nghiệp và cảnh quan cần bảo tồn. Các dự án công trình đầu mối hạ tầng khung của vùng chưa được đầu tư đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu liên kết vùng. Dự án hạ tầng kỹ thuật cấp vùng thường lâu dài, sinh lời ít hoặc không sinh lời và các cơ chế chính sách ưu đãi khi triển khai gặp nhiều khó khăn.Vì vậy, sức thu hút đầu tư không cao; việc xây dựng nhà ở cho công nhân còn chậm và thiếu so với nhu cầu phát triển của các KCN. Các chương trình phát triển nhà ở tại đô thị trong vùng Tp.HCM chưa đồng bộ, thiếu quy hoạch và kế hoạch dẫn đến tình trạng mất cân đối cung – cầu, lãng phí trong sử dụng quỹ đất đô thị. Các quy hoạch và đầu tư xây dựng tại khu vực nông thôn gắn với các vùng sản xuất nông, lâm nghiệp, khai thác du lịch còn chưa được tập trung đầu tư đúng mức, dẫn đến sự phát triển thiếu cân bằng, bền vững giữa đô thị - nông thôn.

Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh biểu dương các tỉnh đã thực hiện tốt công tác rà soát điều chỉnh quy hoạch vùng tỉnh trong thời gian qua. Đồng thời cũng thống nhất cao với các ý kiến của đại biểu mong muốn được sớm thành lập Ban Chỉ đạo quy hoạch và đầu tư xây dựng vùng để việc triển khai quy hoạch theo đúng hướng mà Thủ tướng đã phê duyệt. Tiếp tục rà soát, nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TP.HCM phù hợp với xu hướng phát triển mới, đáp ứng yêu cầu ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và tạo tính thống nhất trong quy hoạch. Tăng cường hỗ trợ nguồn vốn ngân sách Trung ương cho công tác lập quy hoạch xây dựng và đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng khung. Có cơ chế hỗ trợ phù hợp đối với các tỉnh có điều kiện kinh tế còn khó khăn. Các Bộ, ngành hỗ trợ địa phương tiếp cận nguồn vốn ODA để thực hiện các dự án hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cấp vùng, cấp tỉnh. Tổ chức các chương trình tập huấn về công tác lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch xây dựng; tổ chức các hội nghị, hội thảo về quy hoạch xây dựng ở các địa phương để có sự gắn kết các quy hoạch củacác địa phương và nhằm thực hiện hiệu quả quy hoạch vùng Tp.HCM. Tập trung chỉ đạo và giải quyết những vấn đề mang tính chất liên vùng từ công tác quy hoạch, lập kế hoạch và triển khai các dự án cấp vùng, xúc tiến thu hút đầu tư.

Theo : Báo Xây dựng điện tử

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)