Hội thảo "Các thành phố bền vững - Thách thức và Cơ hội"

Thứ ba, 10/07/2012 16:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Sáng ngày 10/7/2012 tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phối hợp với Bộ Xây dựng và Tập đoàn Siemens (CHLB Đức) tổ chức Hội thảo "Các thành phố bền vững - Thách thức và Cơ hội". Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã đến dự và phát biểu tại Hội thảo.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phát biểu chào mừng Hội thảo

Tham dự Hội thảo có Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng; Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc; ông Lothar Herrmann - Giám đốc khu vực châu Á của Tập đoàn Siemens; đại diện lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND thành phố Hà Nội, các Bộ ngành Trung ương và địa phương, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phát triển đô thị trong nước và nước ngoài.

Phát biểu chào mừng Hội thảo, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao sáng kiến tổ chức Hội thảo này của Bộ Xây dựng, VCCI và tập đoàn Siemens, vì Hội thảo này giải quyết đúng vào nhu cầu của Việt Nam hiện nay, với những thách thức mà Việt Nam đang phải đương đầu về phát triển bền vững.

Trong bài phát biểu của mình, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, đô thị là không gian, là môi trường sống, làm việc, quan hệ xã hội của con người trên một lãnh thổ cụ thể, do vậy, mục tiêu phát triển đô thị là tạo lập một môi trường sống phát triển bền vững vì con người. Phát triển đô thị bền vững vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp sống còn của toàn thể nhân loại chúng ta trong thế kỷ XXI và những thế kỷ tiếp theo. Đối với các nước đang phát triển, trong quá trình phát triển phải đối mặt với hiện thực là kinh tế càng phát triển thì môi trường càng dễ bị hủy hoại, hiện tượng biến đổi khí hậu gia tăng, sự phân hóa giàu nghèo và bất ổn xã hội càng trở nên gay gắt hơn. Một mặt, phát triển toàn diện nhằm thỏa mãn nhu cầu vật chất, tinh thần, an toàn, trật tự xã hội của các cá nhân và cộng đồng và xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống, nhưng mặt khác phải đảm bảo tránh mọi tổn hại hoặc giảm thiểu những hậu quả do hoạt động phát triển gây ra và duy trì cân bằng môi trường sinh thái đáp ứng nhu cầu tồn tại và phát triển của toàn thể nhân loại. Trong lĩnh vực đô thị, mỗi nước đều có những chính sách, biện pháp phù hợp với điều kiện cụ thể của mình, tuy nhiên tựu trung đều theo quan điểm thống nhất là bảo đảm phát triển bền vững về kinh tế - môi trường - xã hội. Sau 25 năm thực hiện chính sách đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trong phát triển đất nước, tiềm lực kinh tế được cải thiện, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được nâng cao. Những năm gần đây Việt Nam có tốc độ đô thị hóa cao, diện mạo và chất lượng của đô thị ngày càng được cải thiện, góp phần làm động lực cho sự phát triển kinh tế xã hội và thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, cũng như nhiều nước đang phát triển, các đô thị của Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức như dân số tăng nhanh, khoảng cách giàu nghèo càng lớn, quy hoạch đô thị thiếu hợp lý, chưa hiệu quả, thậm chí lãng phí, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, dịch vụ y tế, giáo dục chưa đáp ứng được yêu cầu, môi trường ô nhiễm chưa được kiểm soát. Nhận thức được vấn đề trên, Chính phủ Việt Nam chủ trương phát triển kinh tế bền vững và gắn tăng trưởng với bảo vệ và gìn giữ môi trường. Chính quyền các địa phương đã mạnh dạn cải tiến công tác quy hoạch, thuê các nhà tư vấn có năng lực để cấu trúc lại không gian đô thị theo hướng sử dụng hiệu quả các nguồn lực và tiết kiệm đất đai. Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Định hướng phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu chiến lược là từng bước xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đô thị Việt Nam phát triển theo mạng lưới đô thị, có cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xã hội phù hợp, đồng bộ, hiện đại và có môi trường và chất lượng sống đô thị tốt, có nền kiến trúc đô thị tiên tiến, giàu bản sắc và có mối quan hệ và vị thế xứng đáng, có tính cạnh tranh cao trong phát triển kinh tế xã hội quốc gia, khu vực và quốc tế, góp phần thực hiện tốt hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Chính phủ khuyến khích các Bộ, ngành, địa phương chủ động nghiên cứu, hợp tác, học tập kinh nghiệm của các nước áp dụng các mô hình phát triển bền vững và quản lý đô thị hiện đại trên cơ sở phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam để phục vụ đắc lực công cuộc công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.

Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, để cho các đô thị phát triển bền vững trong thế kỷ XXI, các đô thị của Việt Nam cần thân thiện với con người, môi trường, tiết kiệm năng lượng, an toàn trước hiểm họa của thiên nhiên và có bản sắc văn hóa đặc trưng. Phó Thủ tướng bày tỏ hy vọng, từ hội thảo này, trên tinh thần hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm, mối quan hệ hợp tác sẽ được tiếp tục phát triển có hiệu quả và cùng nhau tìm ra những giải pháp trong dự báo, trong quy hoạch, trong thiết kế đô thị và xây dựng, phát triển đô thị bền vững, thịnh vượng và giàu bản sắc.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, tính đến tháng 6/2012, mạng lưới đô thị của Việt Nam có 760 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa đạt 31% và sẽ đạt xấp xỉ 45% trong 10 năm tới, khu vực đô thị hàng năm đóng góp khoảng 70% GDP, đô thị ngày càng đóng vai trò động lực, hạt nhân thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của mỗi vùng, mỗi địa phương và cả nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, các đô thị Việt Nam cũng đang đứng trước những khó khăn, thách thức lớn, đó là sự phát triển còn chưa bền vững, thể hiện trước hết qua công tác quy hoạch: các quy hoạch còn thiếu, còn chậm so với yêu cầu phát triển của đô thị; hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội chậm được triển khai và thiếu đồng bộ làm ảnh hưởng đến chất lượng đô thị, môi trường đô thị còn nhiều vấn đề bức xúc và ùn tắc giao thông là vấn đề đang cản trở sự phát triển, đặc biệt là các yêu cầu về nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn tài nguyên, giảm chi phí và tiêu hao năng lượng, kiểm soát ô nhiễm môi trường là những thách thức ngày càng gay gắt.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho rằng, Hội thảo này là cơ hội tốt để tiếp cận với những kinh nghiệm phát triển đô thị bền vững của các nước phát triển, đồng thời chia sẻ thông tin về thực trạng phát triển hệ thống đô thị của Việt Nam, đồng thời bày tỏ mong muốn, Hội thảo sẽ tạo được cầu nối giữa các nhà cung cấp giải pháp công nghệ hàng đầu thế giới phục vụ phát triển đô thị với các nhà quản lý đô thị và nhà đầu tư tại Việt Nam.

TS. Đỗ Tú Lan - Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị Bộ Xây dựng tham gia tọa đàm tại Hội thảo

Tại hội thảo, ông Lothar Herrmann đã thay mặt Tập đoàn Siemens trình bày tham luận về những thách thức và cơ hội đối với sự phát triển bền vững của các đô thị Việt Nam; đồng thời các chuyên gia của hai bên cũng tham dự buổi toạ đàm về các giải pháp công nghệ, khả năng ứng dụng và hiệu quả trong phát triển các thành phố thông minh và bền vững tại Việt Nam trong tương lai.
 

Minh Tuấn
 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
EMC Đã kết nối EMC