Đô thị - những vấn đề thách thức
Hội nghị Thượng đỉnh Đô thị Thế giới được tổ chức tại Singapore 2 năm một lần, bắt đầu từ năm 2008. Hội nghị lần thứ 3 năm nay được tổ chức với sự tham gia của một số Bộ trưởng, hơn 100 Thị trưởng, Lãnh đạo các tập đoàn trên thế giới. Đây là diễn đàn để các đại biểu trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm về phát triển đô thị, và thiết lập quan hệ đối tác.
Mở đầu Hội nghị là Diễn đàn Thị trưởng các đô thị Thế giới (ngày 01/7). Đây là diễn đàn quốc tế và toàn diện dành cho các Thị trưởng, thảo luận các thực tiễn tốt nhất về phát triển đô thị có mật độ dân số cao và khả năng sống tốt. Diễn đàn Thị trưởng là sự kiện thường niên được tổ chức bởi Trung tâm các thành phố đáng sống Singapore, chỉ dành riêng cho các thị trưởng nhằm trao đổi về thách thức của các thành phố và những ứng dụng thực tiễn trong phát triển đô thị. Chủ đề của Diễn đàn năm này là: “Các thành phố đáng sống và bền vững”, với các cuộc thảo luận về chiến lược cạnh tranh kinh tế, cách đạt đến tiêu chí đáng sống cho một thành phố, những thách thức đối với cam kết cộng đồng, quy hoạch và quản lý đô thị. Tham dự diễn đàn có Lãnh đạo TP. Hà Nội, TP.HCM, TP Đà Nẵng, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Quảng Ngãi và Thái Nguyên.
Tại phiên khai mạc toàn thể ngày 2/7, Hội nghị đã cung cấp các thông tin cụ thể về tình hình phát triển Đô thị Thế giới. Theo đó, hiện hơn 50% dân số thế giới đang sống tại các khu vực đô thị với xu thế đô thị hóa ngày một nhanh. Theo ước tính của Liên Hợp quốc, 2/3 dân số toàn cầu sẽ sống trong môi trường đô thị vào năm 2040. Các thành phố sẽ trở thành đầu tàu cho tăng trưởng và là nơi có sức hấp dẫn mạnh mẽ để người dân tìm kiếm cơ hội kinh tế tốt hơn. Điều này mặt khác sẽ gây ra áp lực lớn cho hạ tầng đô thị, môi trường và nguồn tài nguyên thiên nhiên thế giới. Vì vậy, Hội nghị đã chỉ rõ hai lĩnh vực quan trọng nhất mà các đô thị phải đảm bảo là khả năng tiếp cận với nước sạch và môi trường sạch, không bị ô nhiễm, bởi theo Liên hợp quốc, tính đến 2010, ước tính có 884 triệu người chưa tiếp cận được nước uống an toàn và tổng số hơn 2,6 tỷ người chưa được tiếp cận với vệ sinh môi trường cơ bản. Hội nghị đã đạt được sự đồng thuận cao trong cam kết về việc phối hợp, chia sẻ vai trò từ đại diện các cấp chính phủ cho đến các nhà quản lý, các tổ chức phát triển đô thị trong việc tạo lập một lộ trình tiến tới xây dựng các đô thị có điều kiện sống tốt và bền vững.
Xu hướng và cơ hội
Tại phiên toàn thể chính, các nhà Lãnh đạo cấp cao thuộc các lĩnh vực khác nhau đã chia sẻ quan điểm về tầm nhìn dài hạn, xu thế, sáng kiến và cơ hội mà hiện tại đang tạo dựng và chuyển đổi các đô thị thành mạng lưới toàn cầu với khả năng tập trung kinh tế và tập hợp nhân tài cho tương lai. Với chủ đề “Xu hướng và cơ hội – Động lực đô thị hóa trong 20 năm tới”, vấn đề đô thị hóa và tăng trưởng đô thị xuất phát từ các động lực nhân khẩu học, di cư từ nông thôn ra đô thị và di cư từ đô thị ra đô thị, sự bền vững về kinh tế, môi trường và xã hội, công nghệ tiên tiến, và khả năng thu hút đầu tư và mô hình cung cấp tài chính cho phát triển đô thị... đã được đưa ra thảo luận. Theo đó, các mô hình đô thị hóa tương lai sẽ ngày càng bị tác động bởi kinh nghiệm phát triển và sự khác biệt về bối cảnh tại đô thị đang phát triển, cũng như quan hệ đa dạng giữa các động lực này.
Trong khuôn khổ Hội nghị, các phiên Thảo luận chuyên đề về các giảm pháp đô thị đã tập hợp nhiều đại diện chính phủ, các nhà hoạch định chính sách và chuyên gia phát triểnđô thị. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Nghị và Cục trưởng Cục phát triển đô thị Phan Thị Mỹ Linh đã tham dự Phiên thảo luận toàn thể, Thảo luận trường hợp Nhật Bản và các Thảo luận chuyên đề tập trung vào các thách thức và giải pháp mà các đô thị đang phải đối mặt, trong đó có công tác lập quy hoạch đô thị, tài chính cho hạ tầng, nhà ở xã hội, môi trường công trình xây dựng, quản lý chất thải, biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học đô thị. Các Thảo luận chuyên đề về giải pháp đô thị được chia thành 8 nhóm: Đô thị nén, Đô thị sinh thái, Đô thị đa dạng sinh học, Đô thị thông minh, Đô thị di động, Đô thị có sức đối kháng, Đô thị toàn diện, Đầu tư tại các đô thị.
Phiên bế mạc là Diễn đàn dành cho các nhà lãnh đạo cấp cao từ các tổ chức chính phủ, phi chính phủ cho đến doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phát triển đô thị nhằm chia sẻ quan điểm về đường hướng tiến tới tạo lập và thực hiện giải pháp đô thị theo hệ thống để mang lại các đô thị sống tốt hơn và bền vững hơn trong tương lai. Với chủ đề “Chiến lược đô thị hợp nhất, đồng bộ cho đô thị bền vững và sống tốt”, các đại biểu nhận định: Tỷ lệ đô thị hóa và bùng nổ dân số chưa từng thấy sẽ tạo áp lực căng thẳng cho các đô thị về quá tải tiêu dùng, tắc nghẽn giao thông và ô nhiễm. Vì vậy, một sự chuyển đổi mô hình lớn là cần thiết để nhìn nhận đô thị như một công cụ tiềm năng và chiến lược để tối ưu hóa nguồn lực, là công cụ cho sáng tạo và tăng trưởng bền vững. Với công nghệ thông minh hơn và xanh hơn, các đô thị có thể đặt mục tiêu giảm lượng carbon đáng kể thông qua các giải pháp đô thị hợp nhất bền vững để đạt được chất lượng cuộc sống cao và toàn diện hơn cho cộng đồng.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, đây là lần đầu tiên Bộ Xây dựng tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Đô thị Thế giới. Tại Hội nghị, Đoàn đã có cơ hội trao đổi thông tin, học tập kinh nghiệm và thiết lập mạng lưới đối tác với nhiều nhà quản lý và phát triển đô thị. Hội nghị cũng đã cung cấp các giải pháp tối ưu cho phát triển đô thị thông qua các nghiên cứu điển hình của các nước với từng loại hình đô thị khác nhau: đô thị bền vững, đô thị sinh thái, đô thị thông minh, đô thị có sức đối kháng, đô thị nén, đô thị toàn diện… Qua Hội nghị, có thể nhận định việc phát triển đô thị cần xác định rõ điều kiện, nhu cầu thực tế và các vấn đề cần khắc phục đối với từng loại đô thị để có giải pháp khắc phục và kế hoạch phát triển phù hợp. Việc học hỏi kinh nghiệm phát triển của các nước bạn, tận dụng các nguồn lực quốc tế là hết sức cần thiết, nhưng cũng cần chọn lọc, cân nhắc sự phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội và tự nhiên đặc thù tại Việt Nam.
Theo : Báo Xây dựng điện tử