Tham dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật Nguyễn Hồng Tiến, cùng đại diện các cục, vụ trực thuộc Bộ Xây dựng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội cấp thoát nước Việt Nam Trần Quang Hưng, Thứ trưởng Bộ Môi trường Hàn Quốc Lee Chan Hee, Viện trưởng Viện công nghệ môi trường Hàn Quốc, cùng đại diện các doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc hoạt động trong lĩnh vực cấp thoát nước và môi trường.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bùi Phạm Khánh nhận định quan hệ hợp tác Việt Nam – Hàn Quốc trong 20 năm qua đã không ngừng mở rộng và phát triển, từ hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, chính trị đến văn hóa, khoa học kỹ thuật, môi trường… Nhận định việc phát triển ngành cấp thoát nước và môi trường là ưu tiên hàng đầu trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cải thiện đời sống người dân, Thứ trưởng đã bày tỏ vui mừng khi biết trong giai đoạn 2005 – 2011, Hàn Quốc đã dành cho Việt Nam khoản ODA viện trợ không hoàn lại là 145 triệu USD và ODA vốn vay ưu đãi là 1,5 tỉ USD, trong đó có các dự án Nhà máy nước Thiện Tân – Đồng Nai, dự án Nhà máy xử lý nước thải và chất thải rắn Hải Phòng, dự án Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải thành phố Long Xuyên – An Giang, dự án Nâng cấp và phát triển hệ thống cấp nước Trà Vinh. Thay mặt lãnh đạo Bộ Xây dựng, Thứ trưởng đánh giá cao sự hợp tác chặt chẽ và hiệu quả của chính phủ cũng như các doanh nghiệp Hàn Quốc trong những năm qua, đặc biệt là trong lĩnh vực môi trường và phát triển hạ tầng, và hi vọng quan hệ hợp tác trong lĩnh vực này sẽ còn tiếp tục phát triển trong những năm tới.
Tại buổi hội thảo, Thứ trưởng Bộ Môi trường Hàn Quốc Lee Chan Hee nhận định Việt Nam hiện nay giống như Hàn Quốc những năm 1970, cũng đang phải đối mặt với những vấn đề về môi trường, ô nhiễm, chất thải, không khí. Tuy nhiên, từ năm 1980, sau khi xây dựng luật về môi trường, Hàn Quốc đã đạt được những kết quả khả quan, trở thành một điển hình của phát triển bền vững với tỉ lệ cấp nước sạch đạt 90% và tỉ lệ tái chế rác đạt 70%. Ông cũng cho biết, năm 2005, Trung tâm hợp tác xúc tiến môi trường Hàn – Việt đã được thành lập nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực cấp thoát nước và môi trường.
Thay mặt Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng, Cục trưởng Nguyễn Hồng Tiến đã trình bày với hội thảo về cơ hội và nhu cầu hợp tác, đầu tư và phát triển lĩnh vực cấp thoát nước và xử lý nước thải. Ông đặc biệt nhấn mạnh vào hiện trạng ngành cấp thoát nước Việt Nam, theo đó, cả nước hiện có 70 doanh nghiệp cấp nước, 500/750 thị trấn, thị xã có cấp nước tập trung, tổng công suất thiết kế cấp nước đạt 6,4 triệu m3/ngày (2011), nguồn nước mặt chiếm 65%, nước ngầm 35%, giá nước sạch bình quân cho sinh hoạt thấp (3.000 – 6.000 VND/m3), tỉ lệ thất thoát bình quân toàn quốc 30% (2010), hệ thống thoát nước đang xuống cấp, nước thải sinh hoạt tại phần lớn các đô thị chỉ được xử lý sơ bộ qua các bể tự hoại, sau đó theo các tuyến cống xả trực tiếp ra môi trường… Ngành cấp thoát nước của Việt Nam còn nhiều tồn tại như đầu tư cho cấp nước chưa đồng bộ giữa nhà máy và mạng lưới, mô hình hệ thống thoát nước chưa thống nhất, hiệu quả quản lý vận hành thấp, cơ chế chính sách trong ngành nước còn nhiều bất cập… Cục trưởng cũng chỉ ra những nguyên nhân của những tồn tại, bất cập hiện nay trong ngành cấp thoát nước, đó là: thiếu nguồn vốn đầu tư mạng lưới, trình độ, lực lượng cán bộ có chuyên môn còn hạn chế, mô hình quản lý cấp nước chưa phù hợp, chưa có mô hình quản lý thoát nước, thiếu cơ quan đầu não chuyên trách nghiên cứu vấn đề cấp thoát nước. Theo nhận định của Cục trưởng, chính những tồn tại, bất cập trong ngành cấp thoát nước của Việt Nam hiện nay lại mở ra cơ hội hợp tác cho các doanh nghiệp Hàn Quốc. Với hiện trạng vừa thiếu, vừa yếu, vừa chưa đồng bộ của lĩnh vực cấp thoát nước, các doanh nghiệp Hàn Quốc có rất nhiều cơ hội đầu tư vào ngành nước với số lượng dự án cấp thoát nước nhiều, được hưởng nhiều chính sách ưu đãi hỗ trợ đầu tư cấp thoát nước (như hỗ trợ xây dựng công trình ngoài hàng rào, hỗ trợ chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, một phần chi phí xây dựng đối với vùng đặc biệt khó khăn, miễn tiền thuê đất, sử dụng đất), hình thức đầu tư trong ngành nước phong phú (đầu tư sử dụng vốn ODA, hình thức BOT, BT, PPP).
Tại buổi hội thảo, đại diện các doanh nghiệp Hàn Quốc đã trình bày sơ lược về các công nghệ được nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động trong lĩnh vực cấp thoát nước và môi trường đặc biệt quan tâm như: công nghệ chuyển đổi chất thải thành năng lượng, xử lý nước theo quy trình KNR, hệ thống xử lý bùn thải như năng lượng và nhiên liệu, công nghệ xử lý nước thải chứa phân gia súc từ các khu chăn nuôi và chế biến phân bón lỏng, giải pháp xử lý và quan trắc nước… Cùng với đó, đại diện các doanh nghiệp Việt Nam như Công ty nước sạch Hà Nội, Công ty cổ phần nước và môi trường Việt Nam… cũng giới thiệu tóm tắt về doanh nghiệp mình, nhận định tiềm năng hợp tác, các lĩnh vực có thể hợp tác và đề xuất phương thức hợp tác với các doanh nghiệp nước bạn.
Kết thúc buổi hội thảo, Thứ trưởng Bùi Phạm Khánh khẳng định, với trách nhiệm là cơ quan quản lý ngành, Bộ Xây dựng đã và sẽ ban hành nhiều chính sách cởi mở, tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động đầu tư trong ngành cấp thoát nước và môi trường. Thứ trưởng nhận định buổi hội thảo là cơ hội tốt để các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu và các doanh nghiệp ngành cấp thoát nước Việt Nam và Hàn Quốc cùng trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm.
Thu Huyền